Ngôi trường thôn có hai phòng dựng lên bằng đất và tranh nằm chong cheo trên một khu gò rộng giữa xóm. Cây xoài cổ thụ dễ hơn vài trăm tuổi xòe những tán rộng che bóng mát cho sân trường và tuổi thơ biết bao thế hệ. Mang danh là trường cấp I nhưng một buổi chỉ có hai lớp được đến trường. Tôi học lớp 4, bên cạnh là lớp 5. Các anh chị lớp 5 bên cạnh rất sợ thầy của họ bởi thầy nghiêm khắc đến mức khắt khe, mỗi lầm ai vi phạm hoặc không học bài là bị thầy lấy roi bằng cây chim chim bẻ ở bờ rào rồi quất vào mông.
Giữa hai phòng không kín lắm nên mỗi lần nghe âm thanh này, chúng tôi giật cả người. Thầy tôi dọa, em nào không học là thầy đánh như vậy đó. Đứa nào cũng im thin thít mà run. Chúng tôi để ý thấy lớp 5 hồi đó ai học cũng giỏi, nhiều người thành đạt. Có người đến bây giờ vẫn còn giữ cái roi thầy đánh ngày xưa để thờ, vì nhờ cái roi mà giờ nên người.
Thầy tôi chỉ dọa, ít đánh học trò. Có một lần H. làm thầy giận nên bị quỳ xơ mít. Chúng tôi vừa giận H. vừa ghét thầy. Vậy mà khi thấy chỗ gối nơi chiếc quần cũ kỹ còn mùi bùn của H. rướm máu, thầy đã ôm chầm lấy H. mà khóc. Tuổi nhỏ chúng tôi cũng nhận được một phần tấm lòng của thầy qua câu nói mẹ thường dạy: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Hình ảnh của thầy cùng những giọt nước mắt cứ in mãi trong đầu mỗi chúng tôi. Mà có lẽ đấy là bài học quý giá và sâu sắc nhất cho cả lớp tôi sau này.
Lớp 4, chúng tôi vẫn còn nhát cáy. Xóm quanh trường có một cụ già, nghe đâu bị giặc tra tấn dã man trong chiến tranh nên nhiều lúc lên cơn điên. Nhiều lúc chúng tôi đang học, bà đầu trọc, quần áo rách rưới, cầm một cây gậy xông vào lớp. Hồn vía cả lớp lên tận mây xanh, ùa cả ra, xô chầm lên nhau không kịp chạy. Nhưng lúc đó thầy bình tĩnh ra cản và tìm cách đưa bà về. Chúng tôi cứ đứng trơ ra nhìn ngạc nhiên và phục thầy quá, không có thầy không biết chúng tôi chạy đến đâu. Những lúc ra chơi, chúng tôi chơi đùa xung quanh gốc xoài, có đứa leo tận trên cao, còn thầy thì xuống nhà dân xin nước uống...
Hồi đó gia đình chúng tôi nghèo, hình như thầy cũng nghèo. Ngày nắng không mũ đội, mùa đông không áo mưa, áo ấm. Vở học không có bìa bao... Những gì giúp được thầy lặng lẽ "nghiên cứu", những vỏ bao xi măng được gôm từ những nhà mới xây để học trò thầy bao vở; không có áo mưa thầy tìm bao ni long lót trong bao phân khoét lỗ để làm áo che đỡ những mùa đông. Chúng tôi phục nhất là vở học, thầy xin những anh chị đã học trước những cuốn vở đã viết xong, rồi ngâm nước để tẩy hết mực cho chúng tôi làm vở học hoặc làm vở nháp, thầy còn dặn viết mực xanh để sau này không có vở học thì tẩy cho dễ. Còn vui sướng nào hơn khi tuổi thơ có được một người thầy tận tụy đến như vậy. Lớp học như chiếc nôi ru chúng tôi lớn từng ngày mà không đứa nào muốn lìa xa nó. Cái danh sách: Anh, Oanh, Bích, Bình, Cúc, Cư, Danh, Dẹo, Điệp, Hồng, Hương, Hiệp,... như in sâu trong tiềm thức mỗi đứa. Cái tên Oanh là trường hợp đặc biệt thầy không xếp theo thứ tự a, b, c mà xếp ở vị trí thứ 2 vì âm gần giống với Anh. Anh là tên của một đứa con gái, Oanh lại là con trai mới lạ. Cả lớp chọc: "Oanh oảnh oành oanh/ thầy xếp loanh quanh/ Oanh, Anh một chỗ". Bị cắp đôi, tôi thường khóc và lại thưa thầy.
Chúng tôi vô tâm đâu biết cuộc sống nghèo khổ của thầy. Chiếc xe đạp cũ kỹ thầy thường cọt kẹt hàng ngày đến trường đã là một tài sản quá lớn đối với lũ học trò nhà nghèo chúng tôi. Một lần thầy bệnh, cả lớp rụt rè tìm đến nhà mới biết nhà thầy có một mẹ già lầm lũi từng nuôi con ăn học những năm học ở trường sư phạm, giờ đi dạy rồi vẫn còn phải nuôi. Đồng lương ít ỏi của thầy không đủ cho gia đình sống hơn một tuần, vậy là phải nhờ vào mấy con heo của mẹ chăm chút nuôi tiếp những ngày còn lại.
Cuối năm lớp 4, cả lớp đứa nào cũng buồn khi chia tay thầy, mong mỏi của chúng tôi như thấu đến tận trời. Ngày khai giảng năm học mới, cả lớp như muốn thét lên niềm vui mừng. Thầy lại về với lớp. Nhưng niềm vui như kéo dài không được bao lâu thì cơn bão số 9 ập vào mang đi ngôi trường cũ kỹ chỉ để lại một gò đất trống với chỏng chơ cây xoài đã xơ xác lá. Không nói gì nhưng nhìn nét mặt thầy, chúng tôi biết thầy đang rất buồn. Không có chỗ học đã đành, còn cây xoài cổ thụ trăm năm kia chúng tôi biết tìm đâu để trả lại như cũ. Nhìn cảnh thầy trò tôi, các cụ già ở quanh xóm phải chảy nước mắt.
Theo lời thầy, chúng tôi được tạm nghỉ. Tuổi thơ vô tư lự, có biết đâu thầy lặng lẽ vận động xóm làng góp tre, tranh và công lao động để dựng lại ngôi trường. Chưa đến một tuần, chúng tôi lại được nghe thầy giảng, say sưa và đầy trìu mến.
Thời gian đằng đẵng trôi, chúng tôi lớn lên mỗi đứa mỗi nơi. Tôi vào trường đại học sư phạm nguyện theo nghiệp của thầy mang theo ngọn lửa yêu thương mà thầy đã thắp cho mỗi đứa lúc còn thơ. Và giờ, mỗi lần đứng trên bục giảng, hình ảnh thầy lại hiện ra cho tôi một tâm niệm rằng: Không có thầy là không có chúng tôi bây giờ. Thầy đã dạy cho tôi biết, một người thầy tốt ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách học trò. Nhiều lúc dạy xong, tôi ước ao được trở về với tuổi thơ làm một học trò lớp 5 để ngồi nghe thầy giảng những bài học đầu đời.
. NGỌC OANH
|