Trường ĐHSP Quy Nhơn vừa tiếp nhận thêm 44 sinh viên (SV) đến từ tỉnh Atôpư (Lào). Cộng với 100 SV thuộc 2 tỉnh Chămpasak và Atôpư của năm học trước, hiện trường đã có đến 144 SV "ngoại". Những cái tên của các bạn SV Việt Nam đọc hoài mới nhớ, những câu chữ triết học trừu tượng và khó nuốt.… đều là những kỉ niệm đáng nhớ của các SV Lào trong hành trình du học chữ ở Quy Nhơn.
1. Khi chúng tôi đến các phòng trọ thuộc khu ký túc xá C5, nơi ở của các bạn sinh viên Lào thì 44 SV mới sang đều đã đi học tiếng Việt, chỉ còn lại một số bạn sang đây từ năm học trước đã bắt đầu học chuyên ngành đang ở nhà.
Bước vào một căn phòng ở tầng trệt, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những vật dụng sinh hoạt cần thiết hằng ngày được trang bị khá đầy đủ, từ tủ đựng quần áo, ấm nước đến cả quạt máy và tivi. Theo một cán bộ quản lý ký túc xá thì nhà trường đã cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các bạn SV Lào nhanh chóng làm quen với môi trường sinh hoạt ở đây.
Trước đây, các bạn ăn uống tại Trung tâm phục vụ SV của ký túc xá. Nhưng bây giờ, nhóm SV Lào sang từ năm ngoái cũng "cơm bụi" như cánh SV Việt Nam chính hiệu. Rất thật tình nhưng cũng pha chút hồn nhiên và dí dỏm, bạn gái Mạnivon ThépBụaly đến từ tỉnh Chămpasak mỉm cười cho biết: "Đi ăn ở ngoài phố rất thích vì thức ăn ở đó ngon hơn và dễ chọn món". Mạnivon ThépBụaly cũng "bật mí" với chúng tôi về thùng mì ăn liền được các bạn mua dự trữ để có lúc thích đổi món. Mà đâu chỉ có thế, Mẩy Amị - một bạn gái khác - còn thường xuyên nhận được giăm bông, lạp xưởng gửi từ Lào sang.
2. Sau 7 tháng học tiếng, đến nay các bạn đã có kha khá lưng vốn tiếng Việt để giao tiếp, học tập. Bạn Phụt Si (đến từ Chămpasak) vẫn còn ngượng nghịu với ngôn ngữ mới, nhớ lại: "Lúc mới qua học tiếng Việt, tụi mình chỉ biết mặt chữ rồi viết cho thuộc lòng chứ đâu có đọc được. Có lúc đi ăn cơm, dù hiểu người bán nói nhưng mình không đáp lại được, đành phải ra hiệu". Đây cũng chính là trở ngại lớn nhất của các SV Lào ở Việt Nam. Đã vậy, cách đọc tên họ của các bạn Lào lại trái ngược hoàn toàn với cách gọi của người Việt Nam, nên Mạnivon ThépBụaly cứ quen gọi tên của bạn mình là Nguyễn, Lê…
7 tháng học một ngoại ngữ để nói, viết, đọc và hiểu được là cả một sự nỗ lực cố gắng rất lớn của SV Lào. Các bạn bảo tiếng Việt khó và phức tạp hơn tiếng Lào rất nhiều. Chính điều này đã gây khó khăn cho các bạn khi bước vào chuyên ngành, khi học chung với SV Việt Nam. Vì thế, Enna (khoa Địa lý) vừa trên lớp về phòng đã phải tranh thủ vài phút trước bữa cơm chiều để chép lại bài. Chăm chú dò tìm những chữ trong vở một người bạn để lắp vào chỗ để trống trong vở của mình, Enna nói như phân bua: "Ở trên lớp mình đã cố gắng tập trung mà vẫn không ghi kịp. Vào chuyên ngành toàn các môn học khó, thầy cô đã dạy rất chậm nhưng nhiều từ tụi mình vẫn không hiểu". Như để minh chứng những điều vừa nói, Enna lôi ra từ trong cặp một quyển từ điển nhỏ. Thì ra, ngoài sách vở, trong cặp của các bạn luôn thủ sẵn quyển từ điển Lào-Việt để làm "tấm bùa hộ mệnh". Hiện tại, bên cạnh việc học chuyên ngành, mỗi tuần các bạn vẫn học 2 buổi tiếng Việt. Do đó, hầu như thời gian rảnh các bạn phải "đánh vật" cùng tiếng Việt. Trong khi đó, một bạn SV Lào khác thì đang chăm chú nghe bác Toàn (Phòng quản lý ký túc xá) giải thích thế nào là sản xuất và tái sản xuất. Vì không thể hiểu hết nghĩa, đặc biệt là nghĩa trong từng ngữ cảnh nên các bạn rất khó tiếp thu những môn học có tính trừu tượng như triết học hay văn học.
3. Trong tủ đựng quần áo của các bạn, bên cạnh những bộ váy dài màu đen hoặc xanh, áo sơ mi trắng cũng như bộ đồ Sịn (dùng trong các dịp lễ, Tết) truyền thống còn có những bộ đồ âu và áo dài của Việt Nam. Mẩy Amị nhận xét: "Áo dài của các bạn Việt Nam rất đẹp. Các bạn nữ sinh Việt Nam mặc áo dài trông rất dịu dàng và uyển chuyển. Vào năm học này, tụi mình cũng mặc áo dài nhưng chắc không đẹp như các bạn". Mẩy còn khoe bạn có được những chiếc áo dài ấy là do các bạn Việt Nam tư vấn chỗ mua vải và may đẹp.
Vượt qua sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, các SV Lào cũng rất dễ hòa đồng với SV Việt Nam. Với dáng người dong dỏng cao và nước da trắng cùng với cách nói chuyện có duyên, hai bạn Enna (khoa Địa lý) và Nọi (khoa Kinh tế) được xem là những người có kỷ lục nhiều bạn Việt Nam nhất. Mạ còn kết bạn cả với các bạn khác khoa, riêng Phụt Si còn biết cả những từ địa phương của các bạn SV Quảng Ngãi, Huế… Câu nói được các SV Lào dành cho những người bạn Việt của mình chính là "Các bạn SV Việt Nam rất hiền, dễ tiếp xúc và rất nhiệt tình khi giúp đỡ tụi mình !" Nhiều bạn được SV Việt Nam tập hát và hát khá chuẩn nhiều bài như Cây trúc xinh, Như có Bác Hồ… Mạnivon còn cho biết các bạn đang rất hào hứng tập múa để chuẩn bị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
4. Tuy gặp nhiều khó khăn trong học tập cũng như những khác biệt về phong tục tập quán nhưng các bạn SV Lào đã nỗ lực cố gắng trong vòng tay thân ái của giáo viên và SV Việt Nam. "Việt Nam thật đẹp và mến khách. Khi về Lào, mình sẽ kể cho các bạn mình bên ấy cùng biết về đất nước và con người Việt Nam" - một SV Lào tâm sự.
. LÊ THU HIỀN |