Hiện nay, với nhiều chế độ quan tâm đến giáo dục, ngành sư phạm trở nên "có giá" và nhiều bạn trẻ đua nhau thi vào ngành sư phạm. Trong số đông ấy có rất nhiều người tâm đắc với nghề, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu miễn là được đứng trên bục giảng. Nhưng với số lượng sinh viên sư phạm ra trường ngày một nhiều, để tìm cho được một chỗ dạy trong thời điểm hiện nay là điều không đơn giản.
Khi gặp các bạn nữ giáo sinh, nếu bạn có ý thắc mắc "Tại sao các cô xinh đẹp lại vào ngành sư phạm mà không vào ngành khác", thì chính bạn đã gây sự... khó chịu cho họ rồi đó! Bạn Thu Nga (Hoài Xuân, Hoài Nhơn), sinh viên khoa Văn năm 4 Đại học Quy Nhơn, thẳng thắn: "Mình rất bực mình mỗi khi nghe ai hỏi như vậy. Mình nghĩ rằng mỗi người đều có lý do riêng để theo đuổi nghề nghiệp của mình. Nhưng lý do gì cũng nên bắt đầu từ sự yêu thích chứ đừng đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Để có được nghề này, mình phải tốn rất nhiều nước mắt để thiết phục bố mẹ". Mặc dù, Thu Nga đã toại nguyện với ước mơ của mình, nhưng sang năm ra trường không biết có chỗ nào để đi dạy? Nỗi lòng của Thu Nga cũng giống như bao nữ giáo sinh khác về một chỗ dạy cho tương lai. Thế nhưng điều gì đã khiến cho Thu Nga tha thiết mãnh liệt như vậy? Hãy nghe Thu Nga thổ lộ: Đó là hình ảnh người thầy giáo dạy tôi khi còn học cấp 2. Quê tôi ở một vùng hẻo lánh của huyện Hoài Nhơn, thầy từ Quy Nhơn ra công tác. Rồi 4 năm trôi qua, thầy trở lại Quy Nhơn với hai chiếc giỏ xách trên tay. Học trò rất ngạc nhiên: "Thầy về chỉ có chừng ấy thôi sao ?". Thầy đã cười vang trả lời: "Thì khi thầy đến cũng thế và bây giờ ra đi… cũng thế. Có chăng còn kiến thức thầy đã truyền đạt cho các em đó thôi!" Giây phút ngắn ngủi ấy đã sống mãi trong tôi và thôi thúc tôi tiếp nối công việc của thầy… Tôi mơ ước mau đến ngày được đứng trên bục giảng ngay giữa quê mình, nơi khi xưa thầy tôi đã dạy.
Còn bạn Tường Vân, sinh viên khoa Sử năm cuối trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định cho biết, quê Vân ở tận vùng cao An Toàn (An Lão), cuộc sống nơi đây còn quá thiếu thốn, số học sinh đến lớp còn khá ít. Tội nhất là những cô giáo ở xa lên đây dạy, họ phải sống xa gia đình, bạn bè, có nhiều cô giáo đã chôn vùi tuổi thanh xuân của mình ở nơi đây. Do đó, Tường Vân rất tha thiết được góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giáo dục ở quê nhà. Tường Vân nhỏ nhẹ: "Khi chọn nghề này, tôi đã hiểu còn muôn vàn khó khăn phía trước. Nhưng tôi nghĩ, nếu không có những cô giáo tình nguyện lên quê tôi dạy, thì chắc gì giờ này tôi được ngồi học ở trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định".
Chúng tôi có mặt ở ký túc xá trường Đại học Quy Nhơn, gõ cửa phòng 403, 404…, rồi đều gặp các thầy cô giáo tương lai có một nỗi lòng như nhau, đó là một chỗ dạy cho ngày ra trường. Bạn Ánh Hồng (Đức Phổ, Quảng Ngãi), sinh viên khoa Hóa năm cuối Đại học Quy Nhơn, tâm sự: "Mình thật sự yêu nghề giáo, ra trường nếu có chỗ dạy ở bất cứ nơi đâu mình cũng xin đi". Đối với Hồng Sa (Phước Sơn, Tuy Phước) có một ước mơ cháy bỏng là được làm cô giáo, dù đã tốt nghiệp khoa Giáo dục mầm non của trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định nhưng không tìm được chỗ dạy. Thế là Hồng Sa quyết tâm thi vào trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Bình Định, để sau này làm cô giáo dạy môn nhạc và vẽ, vì Hồng Sa cho rằng giáo viên của môn nhạc và vẽ còn đang thiếu.
Kể sao cho hết nỗi lòng của những thầy cô giáo tương lai... Được biết, trong năm học 2003-2004 này, chỉ có 502 giáo sinh được tuyển dụng công chức ngạch giáo viên (trong đó 216 giáo sinh được tuyển vào các trường THPT, 213 tuyển vào các trường THCS, 73 tuyển vào các trường tiểu học) trên tổng số 1.276 hồ sơ đăng ký dự xét tuyển. Như vậy có hơn một nửa giáo sinh ra trường không có chỗ dạy hoặc làm những công việc trái với ngành nghề đã học. Nhưng dẫu sao, cũng gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin chúc họ sẽ vững bước trên con đường đã chọn và sẽ được đứng trên bục giảng sau khi ra trường.
. NGUYỄN PHÚC |