|
Đinh Minh Khánh |
Đinh Minh Khánh may mắn là một trong số 20 học viên của cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga được học môn tin học, cả tin học văn phòng lẫn phần mềm photoshop (miễn phí). Có thể Khánh chưa phải là học viên xuất sắc nhất trong số 5 học viên khuyết tật được học photoshop, nhưng về ý thức vươn lên, khắc phục hoàn cảnh để học tập, để tiếp cận với công nghệ thông tin thì chàng trai 29 tuổi này cũng không thua kém ai.
Cách đây khoảng 2 năm, Đinh Minh Khánh, với đôi chân bị bại liệt, từ Gia Lai xuống Quy Nhơn và xin vào học tại cơ sở Nguyễn Nga. Với trí thông minh và sự nhanh nhẹn vốn có, chỉ sau 3 tháng, Khánh đã hoàn tất chương trình tin học văn phòng và tiếp tục được chọn để học phần mềm photoshop. Chị Nguyễn Nga, chủ cơ sở, cho biết: "Dù khuyết tật nhưng các bạn trẻ ở đây đều muốn có một nghề gì đó trong tay để khẳng định mình. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, ngoài lớp tin học văn phòng, tôi còn mời thầy về hướng dẫn các em học phần mềm photoshop. Học viên nào có khả năng đều được theo học". Còn Khánh thì nói: "Khi mới tiếp xúc là tôi đã thấy thích tin học rồi nên tôi cố gắng học".
Hiện giờ, Khánh đã xin được việc làm tại Trung tâm ảnh màu Trung Đức với công việc là phục hồi ảnh cũ, chỉnh sửa ảnh trên máy vi tính. Do điều kiện đi lại khó khăn, anh được chủ tiệm bố trí làm việc theo giờ hành chính. Tuy chỉ mới làm được 3 tháng và còn đang trong thời gian vừa học vừa làm để quen với thực tế công việc nhưng Khánh làm việc rất chăm chỉ. Anh Trung Đức, chủ tiệm, nhận xét: "Khánh rất cố gắng trong công việc để theo kịp với các đồng nghiệp đi trước. Chúng tôi biết tình trạng khuyết tật và hoàn cảnh của Khánh nên hết sức tạo điều kiện để anh được làm việc. Thời gian tới, khi anh thuần thục hơn thì thu nhập sẽ cao hơn". Khánh nói: "Nghề kỹ thuật viên xử lý ảnh rất phù hợp với tôi vì không yêu cầu đi lại nhiều. Tôi nghĩ là bây giờ mình đã có một nghề trong tay có thể sống được bằng nghề này rồi".
Không riêng gì Đinh Minh Khánh, nhóm 5 người bạn khuyết tật cùng học phần mềm photoshop với anh hầu hết đã có việc làm. Hẳn nhiều người đã từng biết anh Mạnh Cường - một người khuyết tật ở Nghệ An - dù bị liệt cả hai tay nhưng đã vượt qua số phận để nghiên cứu ra phần mềm soạn thảo thời khóa biểu (đã được tặng thưởng và được áp dụng ở nhiều trường học trong cả nước). Điều đó cho thấy, trong nhiều lĩnh vực nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, người khuyết tật vẫn có thể "góp mặt" nếu họ được tạo điều kiện. Và như thế, ngoài việc tự lo cho bản thân, họ còn có thể đóng góp cho xã hội.
NGUYÊN SƯƠNG |