Cả lớp Sử K24A trường Đại học Quy Nhơn đều gọi anh lớp trưởng kiêm Phó bí thư Liên chi đoàn của mình như vậy. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình từ ông đến cha đều là bộ đội, mẹ là giáo viên tiểu học, nên Phạm Xuân Vạn (quê Liên Thành - Yên Thành - Nghệ An) như được kết hợp hài hòa giữa tình yêu sư phạm với ước mơ trở thành Bộ đội Cụ Hồ.
Tốt nghiệp cấp III, Xuân Vạn thi vào Đại học Sư phạm Vinh nhưng không thành công. Không nản chí, anh tiếp tục bước vào con đường học vấn với chuyên ngành kế toán doanh nghiệp sản xuất tại khoa Tài chính - Kế toán (trường Đại học Quốc gia Hà Nội). Vừa ra trường được một năm, đang yên vị ở Công ty lương thực Yên Thành, Xuân Vạn lại "đề xuất" ý kiến với cả nhà cho đi bộ đội. Cũng chẳng ai có lý do lạ đời như anh khi "ngang xương" bỏ công ăn việc làm để nhập ngũ: "Hồi đó, tôi cứ muốn thử sức mình với nhiều môi trường, cho dù nghề giáo vẫn là niềm đam mê của tôi".
Nhập ngũ chưa được bao lâu, anh lính trẻ của Phòng Chính trị trường Kỹ thuật tăng - thiết giáp (Nghệ An) được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thấy anh nhanh nhạy lại ham học hỏi, trường cử anh sang học lớp sửa chữa vũ khí xe tăng. Anh lại lao vào khám phá cái mới, rồi ra trường với quân hàm chuẩn úy chuyên nghiệp. Sau 4 năm "ăn cơm" bộ đội, Xuân Vạn trở về nhà và không quên hạ quyết tâm thi vào ngành sư phạm.
Kể về những ngày ấy, Xuân Vạn vẫn còn nhớ như in: "Thật ra, tôi cũng rất muốn phục vụ trong quân đội nhưng cứ hễ cầm đến cây viết là tôi lại không thể quên được ước mơ từ nhỏ. Lúc ấy, bạn bè đều đã đi làm, vài người còn có cả một gia đình hẳn hoi. Nghe tôi có ý định thi sư phạm, bạn bè ai cũng đều ủng hộ, thậm chí có đứa còn bỏ hẳn vài tuần để giúp tôi củng cố kiến thức đã bỏ từ lâu. Ngay bản thân tôi cũng cảm thấy rất tự tin, vẫn muốn thực hiện ước mơ của mình". Năm 2000, Xuân Vạn thi đậu vào khoa Sử trường Đại học Quy Nhơn cũng là lúc cha anh qua đời do di chứng của chiến tranh.
Thu nhập từ đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ không đủ chu cấp cho 3 đứa em đều đang ăn học, nên anh chấp nhận chân phụ hồ do Đoàn trường giới thiệu, nhưng không quên dốc sức cho học tập. "Năm đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ nên nhiều lúc tôi không theo kịp bạn bè. Bây giờ thì đã quen với môi trường và phương pháp học rồi nên có khá hơn". Đó chỉ là sự khiêm tốn của Xuân Vạn, chứ bạn bè trong lớp Sử đều phục lăn thành tích "chú bộ đội". Không phục sao được khi tập thể lớp có 96 thành viên thì chỉ có 51 sinh viên học hệ chính quy còn lại đều là cử tuyển nhưng anh vẫn cố gắng để đưa một nửa lớp vào chỉ tiêu khá giỏi. Không chỉ lo trau dồi cho riêng mình, Xuân Vạn còn dày công lên "kế hoạch" thành lập tổ học tập, cử cán bộ phụ trách từng môn, sắp xếp vị trí ngồi học... để vực dậy những bạn học yếu.
Học giỏi đã đành, Xuân Vạn còn rất "trội" trong các phong trào của lớp và trường. Làm đầu tàu của lớp và khoa cũng đủ mệt, Xuân Vạn còn là Phó bí thư chi bộ sinh viên của trường. Anh "bật mí" cách thức lãnh đạo của mình: "Sinh viên không thích sự lặp lại nên để lôi kéo được họ phải tổ chức phong trào vừa thiết thực vừa sôi động. Và thành công hay không là do người đứng đầu có để các bạn của mình cùng tham gia vào công việc hay không?". Hiểu được điều này, sang năm học thứ 2, Xuân Vạn đã tự giác "nhường" nhiệm vụ Bí thư chi đoàn lớp Sử K24A cho một sinh viên khác trong lớp, còn mình chỉ làm với tư cách cố vấn.
Với những gì đã làm được, năm học vừa rồi chi đoàn lớp Sử K24A là đơn vị duy nhất của trường Đại học Quy Nhơn được Tỉnh đoàn tặng bằng khen, bản thân anh cũng có được niềm vui ấm áp khi được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên. Khi bị hỏi: "Có bao giờ anh áp dụng kỷ luật nghiêm khắc của quân đội với các bạn sinh viên của mình không?" Xuân Vạn lắc đầu xua tay quầy quậy: "Không được đâu! Các bạn sinh viên còn rất trẻ, phải để cho họ được thoải mái và vui vẻ chứ!".
Là anh nói thế nhưng ở cái tuổi 30 của anh, tương lai mới chỉ bắt đầu.
LTH |