|
Lê Hoài Nam đang biểu diễn trống trận |
Đôi bàn tay của cậu bé như đang múa trên những mặt trống. Dưới bàn tay ấy, chiếc roi như có phép lạ, từng chuỗi âm thanh tuôn trào. Và từ đó, những hồi trống, có lúc khoan thai khi hành quân, có lúc dồn dập công thành, có cả niềm vui như vỡ òa khi khải hoàn, hiện hữu lên, bằng âm thanh…
Và bây giờ thì trước mặt tôi là Lê Hoài Nam, học sinh lớp 8A1 Trường THCS Quang Trung, người đã biểu diễn thật suất sắc tiết mục trống trận Tây Sơn: vóc dáng lanh lợi và nhất là: đôi mắt thật sáng dưới một vầng tráng thông minh, có chút láu lỉnh. Nhìn Nam, nếu không chứng kiến, ắt hẳn tôi không dám nghĩ là cậu bé khá nhỏ nhắn về tầm vóc này lại có thể làm chủ được dàn trống trận lúc nãy. Nam kể: “Lúc nhỏ, Nam đã được ông nội dẫn đi xem tuồng. Vốn dĩ ông nội Nam rất mê đánh trống chầu hát bội. Xem riết rồi nhập tâm từ lúc nào chẳng rõ. Cách đây mấy năm, một lần, em được ba dẫn đi xem cô Thuận biểu diễn trống trận Tây Sơn. Xem, em thấy mê lắm. Chỉ ao ước một lúc nào đó mình có thể tung tẩy với dàn trống kia”.
Khi đó, Nam đã là một thành viên đội trống Đội TNTP Hồ Chí Minh của nhà trường. Rồi một lần, nghe Nam đánh trống Đội, thầy giáo Nguyễn Hữu Thuần đã phát hiện ra Nam: “Cậu bé này đánh trống giữ được nhịp khá tốt đấy. Hay là cho tập thử với dàn trống trận”- thầy nói với ba mẹ Nam, cũng là hai giáo viên trong trường như vậy. Nghe nói vậy, ông nội Nam là người đầu tiên khuyến khích Nam học đánh trống trận. Đó là vào mùa hè năm lớp 6.
Lúc mới vào tập với thầy Nguyễn Triều Dâng, Nam được luyện với một chiếc trống để tập cách giữ nhịp, thể hiện cảnh hành quân chậm. Học mãi không xong, có lúc đã quá nản, Nam hỏi: “Sao mới có 1 trống mà em học mãi cũng chưa thành thục. Còn thầy, đánh với 12 trống mà cứ như không vậy?”. “Ráng tập từ từ. Thầy cũng mất mười mấy năm tập luyện mới tành thục được”- thầy Dâng an ủi Nam vậy. Và rồi phải mất hơn tháng rưỡi, cậu bé mới có thể học được cách đổ hồi. Sau đó, lại mất thêm hai tháng rưỡi mà chỉ đủ để vỡ được cách đánh với dàn 6 trống. “Thậm khó”- Nam kể vậy. Và rồi từ đó, dịp hè thì 3 buổi/tuần, ngày vào học thì 1 buổi/tuần, được Nam dành thời gian để học trống. Hai sư phụ là thầy Dâng, và thầy Nguyễn Gia Thiện thay nhau truyền nghề cho Nam. Ông nội cũng lại là người khuyến khích Nam nhiều. “Ráng đi tập cho đều nghe con. lúc nào đánh rành, nhớ dẫn ông nội đi xem”- ông thường nói với Nam như vậy. Và rồi khi được các cô chú trong Nhà hát cho chiếc trống cũ về tập, Nam cứ gõ thì thùng suốt ngày. Ông nội những không la, mà còn bảo: “Nam bày cho ông đánh với!”. Và rồi từ đó, hai ông cháu cứ suốt ngày rộn ràng bên chiếc trống.
Bây giờ thì Nam đã hoàn toàn bị những hồi trống trận Tây Sơn chinh phục mất rồi. “Ghiền mất rồi! Cứ cầm đến roi là đánh, em đã nhập tâm rồi mà”- Nam nói vậy. Chưa đánh được với dàn 12 trống, nhưng Nam đã có vẻ rất thạo với dàn 6 trống. 5 hồi trống, từ hành quân chậm, hành quân nhanh, ra trận, hãm thành, khải hoàn đã thật sự được thể hiện thành thạo dưới bàn tay Nam. Nam đã vài ba lần lên sân khấu biểu diễn, rồi quay cả truyền hình nữa. “Kể ra, lúc đầu mới lên sân khấu biểu diễn cho các bạn xem, em cũng rất run. Chỉ sợ đánh mà rớt roi. Các cô chú trong nhà hát cẩn thận, dạy thêm cách “ứng phó” mỗi khi lỡ bị rớt roi. May mắn là em chưa bị rớt roi lần nào”- Nam nói. Mới đây, trong Hội thi “Em yêu tiếng hát dân ca và tuồng” do Trường tổ chức nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Nam giật ngay giải đặc biệt.
Cũng bật mí thêm với các bạn, không chỉ giỏi đánh trống trận Tây Sơn, Nam còn là một cây cầu lông trẻ xuất sắc. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh năm 2002 vừa qua, mình Nam đã “ẵm” luôn hai huy chương vàng đôi nam và đôi nam nữ. Nam hiện còn là một liên đội phó năng nổ với các hoạt động của lớp, của trường. Nhiều sở thích, lắm đam mê là vậy, nhưng Nam luôn là học sinh giỏi từ năm lớp 1 đến bây giờ.
Tất nhiên, Nam hiểu là em sẽ còn phải cố gắng nhiều nữa mới học được hết kỹ thuật của các thầy. Kỹ thuật đánh trống của em hãy còn nhiều non nớt. Nam khoe với tôi là sắp tới, các sư phụ sẽ dạy Nam đánh 9 trống rồi tiến lên 12 trống. Với riêng tôi, tôi tin rằng nếu có thêm nhiều gương mặt trẻ như Nam, hẳn chúng ta sẽ phải lo lắng đến chuyện: mai một điệu hồn trống trận Tây Sơn nữa.
. Lê Viết Thọ |