Khát sống
18:3', 6/3/ 2003 (GMT+7)

Tùy bút của Anh Đào

 

- Không biết bao giờ trời ngừng mưa?

Câu hỏi của anh kéo tôi về với thực tại. Nhìn vào đôi mắt anh, tôi bắt gặp ánh nhìn tuyệt vọng. Sao tôi vô tâm quá khi cứ mãi mộng mơ thả hồn mình theo từng giọt mưa thánh thót, không biết rằng bên cạnh mình còn có một người đang chờ đợi trời ngừng mưa. Anh là người đi bán vé số dạo nhưng anh không đi đứng được như những người bình thường. Nhìn dáng đi xiêu vẹo không chắc chắn của anh, tôi không sao hiểu được làm thế nào ngày ngày anh có thể chống gậy đi hết con hẻm này đến con hẻm khác, bán từng tờ vé số để kiếm tiền sinh sống. Trời mưa nhiều như thế này làm sao anh có thể đi bán được? Những lúc ấy có lẽ anh chẳng có gì để ăn? Với đôi chân bệnh tật, anh phải lây lất kiếm sống giữa dòng đời vì không còn nơi nào để bấu víu, dựa dẫm. Mọi sinh linh bé bỏng khi chào đời đều được cha mẹ chào đón, riêng anh cha mẹ đã chia tay nhau mà không cần biết số phận anh sau này sẽ ra sao. Chỉ có bà ngoại anh nhọc nhằn cưu mang đứa cháu mà cha mẹ nó không còn quan tâm đến…

Lúc anh mới chào đời cũng bụ bẫm khỏe mạnh, nhưng được ba tháng tuổi anh bị sốt bại liệt, đôi chân không đi đứng được nữa. Người mẹ trẻ vốn đã không mừng vui chờ đón anh, giờ đây khi thấy con mình tật nguyền, lại càng xa lánh. Đẩy trách nhiệm nuôi con sang cho bà ngoại, bà đi tìm một hạnh phúc mới cho riêng mình. Anh bơ vơ cô độc khi thiếu vắng tình thương và sự lo lắng của cha mẹ. Tâm hồn trong trắng ngây thơ anh luôn vọng lên những câu hỏi: “Sao cha mẹ lại bỏ con? Sao con không chạy nhảy như các bạn được?…”. Anh đâu biết rằng mỗi câu hỏi thơ ngây của anh đã làm cho bà ngoại anh cạn khô nước mắt. Bà thương đứa cháu mồ côi tật nguyền, nhìn anh ngồi một chỗ, tim bà đau thắt. Bà quyết dồn tất cả tình thương cho anh, mong có thể vá lành những vết thương lòng mà anh đã sớm mang trong tim.

Năm tháng tuổi thơ sống trong tình thương yêu bao la và sự chăm sóc chu đáo của bà, anh cũng lớn lên nhưng đôi chân thì không hề phát triển. Bà đã cố gắng chạy chữa cho anh bằng đủ cách nhưng đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu bế tắc. Mọi vật dụng trong nhà lần lượt bán đi tất cả, đến nỗi chỉ còn lại chiếc giường đã bị mối ăn không thể bán được. Bao công sức, của cải bà đổ ra cũng không thu được kết quả mong muốn. Bằng nỗ lực bản thân, anh đã chống gậy đi được, mặc dù rất yếu. Thấy chúng bạn đi học, anh cũng đòi bà cho đi học. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà cõng anh đến lớp rồi ra đồng làm lụng. Nhìn bà ngày một già yếu mà anh chẳng thể làm gì được để giúp bà, anh chỉ ước ao có thể tự mình đi học, tự mình nấu cơm dọn ra đợi bà về ăn. Mơ ước nhỏ nhoi ấy không bao giờ anh thực hiện được, nhưng đó là niềm an ủi, là sự động viên to lớn đối với bà anh.

Thời gian dần trôi, anh dần trưởng thành và bắt đầu ý thức được số phận hẩm hiu của mình. Anh biết rằng mình không thể tự nuôi sống bản thân, mình làm khổ bà quá nhiều. Nhìn bà ngoại lưng còng tóc bạc phải làm lụng vất vả để nuôi anh, anh không cam lòng. Có những lúc quá chán chường, anh đã nghĩ đến cái chết. Biết được nỗi dằn vặt của anh, bà ngoại đã nhìn vào mắt anh và nói: “Con nghe đây, ngoại cấm con không được nghĩ đến điều đó! Số phận không mỉm cười với con thì con phải đấu tranh để sống, để khẳng định rằng mình không vô dụng. Ngoại luôn ở bên con”… Hai bà cháu ôm nhau khóc, anh như nguôi ngoai trong vòng tay ấm áp của bà.

Những lời bà dạy luôn theo anh, thôi thúc anh phải đấu tranh để sống. Anh đã cố gắng làm được một vài công việc nhà để đỡ đần bà khi sức khỏe của bà ngày một yếu đi. Và điều mà anh lo sợ nhất là một ngày nào đó bà không còn ở bên cạnh anh. Điều ấy đã đến thật bất ngờ!… Lúc chết, bà anh không thể nhắm mắt vì thương đứa cháu mồ côi tật nguyền không biết sẽ sống ra sao khi không còn bà bên cạnh. Một năm ròng anh buồn chán không màng gì đến mọi việc xung quanh. Ngày ngày anh chống gậy ra mộ bà ngồi khóc. Với anh, không còn bà, mọi cánh cửa dẫn vào tương lai như đã khép chặt. Còn có ai nâng đỡ anh trong lúc khó khăn? Nhưng “con phải sống” là những gì bà căn dặn anh trước lúc đi xa. Anh không được đầu hàng số phận. Ngày quyết định rời quê đi kiếm sống, anh đến bên mộ bà và hứa với bà là bất cứ giá nào anh cũng sẽ sống, sẽ vươn lên. Anh tìm đến với cơ sở dành cho người khuyết tật Nguyễn Nga, được cô Nga tạo điều kiện chỗ ăn ở và cho một chiếc xe lắc tay để hàng ngày anh đi bán vé số. Sống ở đây, anh đã tìm thấy niềm vui và càng khẳng định mình phải sống bởi xung quanh anh còn có những người luôn đồng cảm với anh. Anh hiểu rằng cuộc sống này vẫn đẹp vô cùng và thật hạnh phúc khi có được cuộc sống. Sự khát khao hướng đến những gì tốt đẹp của những người bất hạnh như anh, như tất cả những người trong cơ sở này, sẽ mãi cháy sáng như ngọn lửa Đan Cô giữa núi rừng mù mịt…

A.Đ

(TT.GD trẻ khuyết tật Nguyễn Nga – Quy Nhơn)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khí thế tháng 3  (06/03/2003)
Sức trẻ ở một Đồn Biên phòng   (06/03/2003)
Huyền thoại Beegees   (06/03/2003)
Ca sĩ Quang Dũng: “VCD đầu tiên sẽ là một câu chuyện rất riêng của tôi"  (04/03/2003)
Dancing Seaview - một sân chơi bổ ích  (22/02/2003)
Đôi nét về đất nước con người Bình Định  (22/02/2003)
Nộp hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng từ 25/3 đến 20/4  (21/02/2003)
Cậu bé ghiền trống trận  (21/02/2003)
Không chờ đến ra giêng, Minh Quang vẫn ghi bàn  (21/02/2003)
Norah Jones đăng quang giải Grammy  (21/02/2003)
Ngày càng tiếp cận và làm chủ những tiến bộ khoa học kỹ thuật  (22/02/2003)