Gương mặt hai cô gái Việt Nam tham gia dàn nhạc trẻ Đông Nam Á
19:13', 9/3/ 2003 (GMT+7)

Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á 2003 đã hoàn tất việc thi tuyển nhạc công tại 9 nước với 115 người trúng tuyển trên tổng số hơn 400 người đăng ký dự tuyển. Lần đầu tiên, 17 sinh viên đại diện cho âm nhạc Việt Nam sẽ tham gia dàn nhạc. Trong số đó có hai cô gái xinh đẹp, tài năng: Khúc Hằng Nga và Lê Phan Như Quỳnh.

Hằng Nga sinh ra tại Hà Nội và đang là sinh viên năm thứ nhất Nhạc Viện Hà Nội chuyên ngành Violon. Sở dĩ cô chọn vĩ cầm vì mẹ Nga là một nhạc công violin của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và đã rèn cho con gái từng ngón đàn từ khi mới lên 4. Thành tích đầu tiên của Nga là giải thưởng liên hoan ban nhạc sinh viên 2002 cho ban nhạc mà cô là thành viên, Lan Tím. Không muốn bó hẹp mình trong dàn nhạc cổ điển, Nga cùng 2 bạn gái khác lập ra Lan Tím để thử nghiệm sự pha trộn các dòng nhạc từ jazz, pop, rock đến cả ca trù vào các tác phẩm do chính họ sáng tác và hoà âm, phối khí.

Với kỹ thuật chuyên ngành khá vững và được rèn luyện thường xuyên, Nga đã không mấy khó khăn khi trúng tuyển vào dàn nhạc trẻ Đông Nam Á đầu năm nay. Thật ngạc nhiên khi Nga là thí sinh trẻ nhất trúng tuyển. 20 tuổi, cô gái tài năng này mang trong mình nhiều tham vọng và mục tiêu tiếp theo của cô là vượt qua cuộc thi tuyển Dàn Nhạc trẻ châu Á sắp tới, kiếm suất học bổng toàn phần của một trường đào tạo âm nhạc Mỹ đặt tại Singapore và trở về làm một cô giáo dạy đàn violon. Nga giải thích: "Em tham gia các cuộc thi là để tích luỹ kinh nghiệm và thử thách khả năng. Nếu ở cuộc thi trước em đã thành công thì ở cuộc thi sau em sẽ phải cố gắng để vượt qua. Bản thân mình lúc nào cũng phải có ý thức tiến lên".

Còn Như Quỳnh thì cho rằng Cello gắn bó với cô như là số phận. Năm 8 tuổi, cô đã thi đỗ vào khoa đàn Tranh trường Đại học Huế với số điểm cao nhì lớp. Song Quỳnh lại được các thầy chuyển sang lớp học cello với lý do đàn này học khó, phải có năng khiếu như cô mới học được. Trong suốt những năm học phổ thông, thời gian biểu của Quỳnh luôn kín đặc vậy mà môn nào cô bé cũng hoàn thành xuất sắc.

Thời điểm khó khăn nhất đối với Quỳnh là khi cô học lên hệ trung cấp. Thầy giáo dạy Cello duy nhất cho Quỳnh lại được cử sang Nga. Suốt 3 năm trời, Quỳnh tự mày mò học qua sách vở, băng đĩa sưu tập được. Đã có lúc bố mẹ khuyên Quỳnh bỏ dở nhưng cô vẫn quyết tâm theo đến cùng. Và những nỗ lực không mệt mỏi đó đã được đền bù xứng đáng khi Quỳnh thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội.

Trong 4 năm thời sinh viên, Quỳnh đã 2 lần được đại diện cho trường đi biểu diễn tại Nhật Bản (1999, 2002) và tốt nghiệp với điểm trung bình 8,5. Trong ngày thi tuyển vào dàn nhạc trẻ Đông Nam Á, Quỳnh biểu diễn trôi chảy tất cả những bản nhạc người ta đưa đến trước mặt và lẽ dĩ nhiên là cô đậu. Cũng giống Nga, Quỳnh mơ ước được làm cô giáo. Hiện Quỳnh đang học năm thứ nhất cao học tại Nhạc viện Hà Nội. Quỳnh cũng nhận lời biểu diễn tại một số địa điểm và dạy kèm một số người nước ngoài để nuôi mình và một đứa em trai cũng đang theo nghiệp chị.

Ngày 15/4 tới, dàn nhạc trẻ Đông Nam Á sẽ tập trung tại Thái Lan và sẽ tới Nhà Hát Lớn, Hà Nội vào ngày 29/4. Chặng dừng chân tiếp theo của đoàn là Singapore và cuối cùng là về Thái Lan vào đầu tháng 5.

. Tuổi Trẻ TPHCM

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tình yêu là mãi mãi   (07/03/2003)
Khát sống  (06/03/2003)
Khí thế tháng 3  (06/03/2003)
Sức trẻ ở một Đồn Biên phòng   (06/03/2003)
Huyền thoại Beegees   (06/03/2003)
Ca sĩ Quang Dũng: “VCD đầu tiên sẽ là một câu chuyện rất riêng của tôi"  (04/03/2003)
Dancing Seaview - một sân chơi bổ ích  (22/02/2003)
Đôi nét về đất nước con người Bình Định  (22/02/2003)
Nộp hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng từ 25/3 đến 20/4  (21/02/2003)
Cậu bé ghiền trống trận  (21/02/2003)
Không chờ đến ra giêng, Minh Quang vẫn ghi bàn  (21/02/2003)
Norah Jones đăng quang giải Grammy  (21/02/2003)
Ngày càng tiếp cận và làm chủ những tiến bộ khoa học kỹ thuật  (22/02/2003)