Đó là một từ ngắn gọn nhưng lại hàm chứa trong nó cả mùi vị của… cà phê, chè, nước mía…
Những con đường dẫn đến…khao thì có ngàn lẻ một lối. Bạn vừa nhận được học bổng? Khao đi chứ! Bạn vừa có được chiếc xe xịn để hàng ngày bon bon đến trường? Khao đi chứ! Bạn vừa “cua” được cô nàng cùng khoa à? Khao đi chứ! Những người đề nghị khao thường nhằm vào sự dễ dãi hoặc sĩ diện của “khổ chủ” để họ cầm lòng không đậu mà dốc hầu bao ra khao bạn bè.
Thực ra, việc khao cũng có ý nghĩa tích cực của nó. Khi ta có niềm vui mà chia sẻ với bạn bè thì niềm vui đó sẽ được nhân lên. Ví như một bạn nào đó vừa nhận được học bổng, đó thực sự là một món quà rất ý nghĩa ghi dấu sự cố gắng vươn lên trong học tập của bạn ấy. Nếu bạn ấy mời một vài người bạn thân của mình, hoặc những người đã giúp mình trong quá trình học tập, đến một quán nước mía hay một quán cà phê để có thể cùng nhau nhâm nhi niềm vui ấy thì thật là hay. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc có nhiều bạn đã lạm dụng chuyện khao.
Có lần, anh chàng sinh viên ở chung phòng trọ với tôi nhận được học bổng. Ngay chiều hôm đó cậu và mấy người bạn đi chợ mua thịt thà, rau cá, lại thêm vài chai bia. Đi làm khuya về, tôi thấy trong phòng ngổn ngang chai lọ. Anh chàng kể: “Khi làm vài chai sương sương rồi, mấy ông tướng bạn em muốn uống thêm, em gọi luôn một sọt, cứ thế phát sinh ra, bây giờ thì không chỉ tiền học bổng đi đứt mà còn âm cả vào tiền thuê nhà…”
Chuyện anh bạn sinh viên ở chung phòng với tôi chỉ là một trong muôn vàn cái hậu dở khóc dở cười của chuyện khao. Nhiều bạn khi nghe đề nghị khao, sợ bạn bè nghĩ mình là người kibo, hà tiện, nên cũng đành dốc ví ra khao, rồi ngày mai ra sao sẽ tính tiếp… Vậy là dẫn đến việc thiếu thốn, thậm chí thâm hụt cả vào tiền học phí, tiền thuê nhà… để rồi hàng tháng phải xin thêm bố mẹ!
. Trang Phương |