“Do khó khăn về tài chính, chính sách, hạ tầng cơ sở… nên chất lượng dạy tin học còn bất cập, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn lúng túng”, ông Hoàng Ngọc Hà, Vụ trưởng KHCN, Bộ GD&ĐT, nhận định.
Theo ông Hà, nội dung giảng dạy của môn tin học trong trường phổ thông những năm 80, 90 còn nặng về lý thuyết. Phương tiện dạy học chủ yếu là một số giáo trình được soạn phù hợp với lối dạy chay, không có máy tính, học sinh ít được thực hành… Tuy những năm gần đây, CNTT trong trường học đã được quan tâm hơn, song một thời gian khá dài ngành GD&ĐT vẫn chưa kịp thời trong việc xác định những định hướng và giải pháp ở tầm vĩ mô.
Theo ông Trần Đình Liễn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, ngành giáo dục thành phố đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin Intranet, mạng LAN nội bộ, kết nối Internet cho các trường, đầu tư gần 10 tỷ đồng để trang bị máy móc, xây dựng phòng CNTT cho các trường THPT, THCS, trường mầm non, cơ sở giáo dục thường xuyên… Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho quá trình tin học hoá còn quá hạn hẹp so với nhu cầu. Nếu chỉ đầu tư cho mỗi trường học ở Đà Nẵng 1 phòng CNTT gồm 30 máy tính nối mạng thì đã tốn gần 45 tỷ đồng. Hiện đầu tư có tăng hằng năm nhưng chỉ ở mức 3-5 tỷ đồng/năm thì phải mất đến 15 năm sau mới đáp ứng nhu cầu.
Hiệu phó trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông Khánh Hoà Phạm Văn Anh cho biết, do máy móc thiết bị quá cũ, trong khi hầu hết gia đình học sinh đều trang bị máy mới nên càng về sau các em càng không tha thiết lắm với môn học này.
Theo Nguyễn Thành Sơn, học sinh lớp 10A9 trường THPT Thalmann (TP HCM), học tin học ở trường có nhiều bài tập, tuy nhiên chương trình chỉ tập trung vào soạn thảo văn bản. Những lúc ở nhà, em hay vào Internet để đọc tin tức quốc tế, thể thao và trau dồi tiếng Anh. Nhìn chung, chương trình học ở trường còn rất nghèo nàn và khô, không tạo sự hứng thú. "Em đã học tin học ở trường được 4 tháng, mới biết soạn văn bản sơ sơ chứ không thể tự soạn thảo một cách hoàn chỉnh”, Sơn nói.Thầy Kim Vĩnh Phúc, Hiệu phó trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), cho biết trường phổ cập tin học từ năm 1994, thuộc loại sớm nhất thành phố. Thế nhưng bao năm nay vẫn chưa có chương trình chính thức của Bộ nên dạy học sinh rất khó. Chỉ hai năm nay trường được chọn dạy thí điểm tin học trong nhà trường, thì mới có ba lớp khối 10 và ba lớp khối 11 được có cột điểm tin học chính thức trong sổ. Theo thầy Phúc, nếu đã xem CNTT là ngành mũi nhọn thì phải có sự đầu tư cơ bản từ cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy và đội ngũ giáo viên. Đặc biệt chương trình giảng dạy phải rõ ràng giữa các cấp. Về Internet, nếu đưa vào nhà trường thì một tuần ít nhất phải có một tiết để các em làm quen.
Hiện Bộ GD&ĐT đã bắt tay thực hiện đề án “Dạy học tin học và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường phổ thông VN giai đoạn 2001-2005”, với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Bộ đang điều tra nhu cầu và hiện trạng cơ sở vật chất về CNTT trong nhà trường ở 61 sở GD&ĐT và hơn 600 phòng giáo dục. Sắp tới, Bộ cùng với Bộ BCVT sẽ ký kế hoạch hợp tác. Theo đó, Bộ BCVT sẽ trợ giúp cơ sở hạ tầng, Bộ GD&ĐT nghiên cứu phương pháp giảng dạy, thống kê trong các trường, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2005 có 50% trường THPT nối mạng và tiến tới kết nối cho 100% trường.
Thời gian tới, Bộ cũng sẽ tổ chức các cuộc thi về phần mềm giáo dục, trong đó huy động từ các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là khoa tin học của các trường sư phạm quan tâm đến vấn đề này. Đồng thời, có chính sách khuyến khích không hạn chế các công ty xây dựng phần mềm giáo dục và sử dụng thành quả của hợp tác quốc tế (tuy nhiên, đa số phần mềm này đều được viết bằng tiếng Anh nên khó khai thác). Trong năm 2003-2004, Bộ cố gắng lựa chọn một số phần mềm cơ bản phục vụ giảng dạy môn tin và ứng dụng tin học trong giảng dạy các môn khác như: toán, lý, hoá, ngoại ngữ.
Bộ trưởng BCVT Đỗ Trung Tá nhận định để phát triển ứng dụng nhanh và hiệu quả công nghệ tin học trong các lĩnh vực nói chung và trong nhà trường nói riêng cần có 4 yếu tố quan trọng (4N), đó là: Nhận thức (trước hết là nhận thức các ngành phải được nâng cao), nhân lực (phải chuẩn bị nguồn nhân lực tương ứng trình độ), nội dung (xây dựng những chương trình nội dung phù hợp), và network (hệ thống mạng).
. Vnexpress |