Ở tuổi 33, Hoàng Đình Phi đã sở hữu một công ty riêng, tạo thu nhập ổn định cho 120 người và 200 lao động thời vụ. Chàng trai trẻ này đã có nhiều đóng góp cho nền công nghệ cơ khí nước nhà.
Hoàng Đình Phi là chủ nhân của một trong 10 Giải thưởng Sao đỏ năm 2002 - phần thưởng của T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam dành tặng những doanh nghiệp trẻ có thành tích xuất sắc trong kinh doanh và hoạt động xã hội. Anh cũng là người được T.Ư Ðoàn bầu chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2002. Quả là những vinh dự đối với chàng trai 33 tuổi này.
Ðể có thành công hôm nay, Hoàng Ðình Phi đã phải nỗ lực hết mình vượt qua bao khó khăn, gian khổ. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Nam Ðịnh, ngay từ nhỏ, Ðình Phi đã "chân lấm, tay bùn" với đồng ruộng quê hương. Năm chín tuổi, để có tiền ăn học, anh đã phải lăn lộn, bươn chải kiếm sống với nhiều nghề: phụ mộc, phụ nề, sửa chữa xe đạp, gia công cơ khí... Những ngày tháng đó, Ðình Phi làm và học, làm để đủ tiền ăn học. Năm 1986, Hoàng Ðình Phi trở thành sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ quân sự. Tinh thần học tập nghiêm túc, cần cù đã giúp anh có được kết quả tốt và được cử sang Liên Xô học tại Trường đại học Ngoại ngữ quân sự Liên Xô.
Năm 1993 là năm có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp của Hoàng Ðình Phi khi anh chuyển từ Học viện Quốc phòng sang công tác tại Công ty xuất nhập khẩu vật liệu, kỹ thuật xây dựng. Năm 1994, anh thành lập công ty riêng với tên gọi Sannam. Lĩnh vực mà Ðình Phi quyết tâm tiến vào là công nghệ cơ khí. Ðể đi đến quyết định táo bạo này, Hoàng Ðình Phi đã suy nghĩ và lựa chọn rất kỹ lưỡng. Anh trực tiếp đi nghiên cứu thị trường nhiều nước như Nga, Ðức, Pháp, Italy, Bỉ, Hà Lan, Trung Quốc, Thái-lan... đề ra nhiều phương án khác nhau, so sánh các phương án khả thi, rồi quyết định hướng đi riêng cho công ty của mình.
Hoàng Ðình Phi chia công ty của mình ra làm ba bộ phận chuyên ngành. Ðối với bộ phận tư vấn kinh doanh, chuyển giao công nghệ cơ khí và sản xuất công nghiệp, anh tự tìm hiểu, nghiên cứu, gặp gỡ, đàm phán và ký kết thỏa thuận về kỹ thuật và thương mại với hàng chục hãng chế tạo thiết bị công nghiệp ở châu Âu. Nhờ vậy, nhiều cán bộ của công ty được đào tạo kỹ thuật chuyên sâu miễn phí ở nước ngoài. Ðây là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định giúp Sannam hoàn thành xuất sắc nhiều dự án chuyển giao công nghệ cao trong cơ khí cho nhiều nhà máy công nghiệp nặng ở Việt Nam.
Ðối với bộ phận sản xuất cơ khí công nghệ cao, Ðình Phi cùng các chuyên gia kỹ thuật của Sannam nghiên cứu, đầu tư thành lập nhà máy cơ khí chuyên sản xuất các thiết bị chế biến thực phẩm và chuyên sửa chữa, phục hồi các loại tua bin, trục, trục khuỷu... bằng công nghệ cao của Mỹ, Ðức. Ðối với bộ phận chế biến hoa quả thực phẩm, Hoàng Ðình Phi nghiên cứu và chế tạo mô hình công nghệ tổng thể chế biến hoa quả nhiệt đới sấy khô bằng công nghệ sử dụng tia hồng ngoại và khử trùng UV. Sản phẩm của nhà máy được đem đi giới thiệu ở các nước Trung Quốc, Nga, Bỉ, Mỹ và sắp tới hàng chục tấn sản phẩm sẽ được xuất khẩu.
Công ty Sannam giải quyết việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 120 người, số lao động thời vụ là 200 người. Sau bốn năm, Hoàng Ðình Phi đã làm được điều mà trước đó nhiều người cho rằng "bất khả thi", khẳng định bản thân, trí lực và góp phần phát triển nền công nghệ cơ khí thủ đô.
. Theo báo Nhân Dân |