Kẻ gàn trên phố núi
17:9', 23/3/ 2003 (GMT+7)

Các cầu thủ HAGL vui mừng sau khi ghi bàn thắng trong trận gặp Bình Định trên sân Quy Nhơn.

Hoàng Anh đã thành danh trên thương trường từ hơn chục năm qua. ''Dream team'' Hoàng Anh nổi đình nổi đám hơn một năm nay, đặc biệt là sau ngày Kiatisak về đầu quân nơi phố núi Pleiku. Nhưng, có lẽ ít ai biết bầu Đức là nhân vật như thế nào...

Bụng đói mắt mờ vượt dốc đến trường

Một tối lạnh lẽo nơi phố núi Pleiku, bên tách cà phê, bầu Đức đã kể lại với tôi về quãng đời đã qua của anh. Câu chuyện được mở đầu bằng giọng nói đầy xúc động: ''Cầm tiền tỷ trong tay, nhưng tôi luôn nhớ lại thuở hàn vi, cơ cực của mình ở những năm đầu mới giải phóng. Tôi cũng có một thời cắp sách đến trường như biết bao bạn trẻ khác. Quê ở Bình Định, nhưng Pleiku là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi và 11 anh chị em khác trong gia đình. Cả bọn cùng lớn lên, phương trưởng trong sự thương yêu của cha mẹ, và được nuôi sống bằng nghề y tá của cha. Nhà cách trường đến hơn 20 cây số, ngày ngày, tôi phải vượt qua biết bao ngọn dốc để đến lớp trên chiếc xe đạp cọc cạch. Ngày ấy, đất nước còn muôn vàn khó khăn, nên những bữa cơm của gia đình cũng hết sức chật vật, thiếu thốn. Tôi luôn đến trường với chiếc bụng sôi ùng ục vì... đói. Đói đến hoa cả mắt.''

Tôi học rất giỏi toán, và cũng không tệ lắm ở các môn khác, luôn nằm trong nhóm đứng đầu của những năm cuối cấp III, song đến lúc khăn gói đi thi Đại học, tôi và hai người khác luôn bị trượt, đi thi đến lần thứ ba vẫn thế. Còn 34 người còn lại của lớp, chỉ sau một lần thi đều ung dung ngồi vào giảng đường Đại học. Hoài bão và ước mơ vào Đại học tan đi, để lại trong tôi nỗi buồn không nguôi. Nhưng không lẽ cứ ngồi nhà than thân trách phận và ăn bám cha mẹ, tôi quyết định làm nghề gì đó để mưu sinh. Thuở ấy, ở phố núi rộ lên phong trào vào rừng sâu hạ gỗ, xẻ ván. Thấy người làm được, tôi quyết chí xin theo. Được mươi bữa nửa tháng, tôi thấy mình khó có thể ''thọ'' được với nghề thợ xẻ. Ngồi nhìn thợ hạ cây, xẻ gỗ, tôi chợt nảy ra ý: tại sao mình không tổ chức thợ cưa, xẻ ra gỗ rồi mang đi bán lại như bao ông thầu khác. Nói là làm. Tôi tổ chức một nhóm bạn đi theo ý định ấy. Ngày lại ngày qua, từ những đồng lời ít ỏi, tôi ky cóp được một số vốn kha khá và xin mở tổ hợp sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất. Tự tôi vẽ nên kế hoạch, mẫu mã cho tổ hợp. Sản xuất thì dễ, nhưng đi chào hàng để tìm nơi tiêu thụ sản phẩm mới là điều quan trọng. Rồi mọi chuyện cũng trôi qua, tổ hợp làm ăn thịnh vượng, và tôi đã mở thêm xưởng cưa bằng tiền lãi của tổ hợp. Trong nhà có ai giúp đỡ vốn liếng, hay có ai làm nghề để dìu dắt tôi đi lên ,vì không một ai trong gia đình tôi biết đến cưa, gỗ, bào xẻ hay đục đẽo. Cho tận ngày hôm nay, trong xí nghiệp Hoàng Anh với hơn 4700 công nhân, không một ai là anh em ruột thịt của tôi cả. Anh em trong nhà đều sinh sống bằng những ngành nghề khác, và đều đi ra từ những giảng đường Đại học, trừ tôi.

Cơ ngơi ngày một phát triển, việc sản xuất hàng trang trí nội thất được mở rộng ra với nghề xẻ đá granit, trồng rừng cao su, sản xuất bao bì carton. 6 phân xưởng nơi Pleiku, Quy Nhơn, TPHCM luôn tấp nập người đến đặt hàng, giao nhận hàng. Từ sau ngày tiếp nhận đội Hoàng Anh từ phía ngành thể thao, doanh số của Hoàng Anh đã tăng vọt hơn 100%, dẫu chạy hết công suất, hàng làm ra vẫn không kịp giao cho khách hoặc xuất đi nước ngoài.

Đường đến với bóng đá chuyên nghiệp

Tôi không biết gì về quả bóng tròn, ngoại trừ sự đam mê cháy bỏng như bao người hâm mộ khác. Năm năm trước, một hôm đi Hà Nội công tác, tình cờ tôi hay tin đội U-21 Gia Lai vào tứ kết, thế là tôi hăm hở đến sân để xem. Nhìn các cầu thủ trẻ thi đấu một cách hồn nhiên và khát khao chiến thắng (dẫu rằng sau đó bị loại sớm), tôi chợt nảy ra ý định: vì sao mình không đầu tư cho lớp trẻ này để có được một Gia Lai danh tiếng ngày mai. Sau đó, tôi liên hệ với Sở TDTT Gia Lai để đầu tư từng phần. Đến lúc bóng đá Việt Nam chuyển mình đi lên chuyên nghiệp, tôi tự nhủ rằng: đã đến lúc mình phải làm điều gì đó cho đội bóng quê nhà. Con người - điều quan trọng nhất của mỗi cuộc chơi - chưa có và chưa đủ mạnh, vậy thì phải đi ''trải thảm đỏ'' mời gọi họ về đầu quân bằng những hợp đồng hậu hĩnh. Cứ thế, từng bước chúng tôi có trong tay những: Hữu Đang, Phi Hùng, Mạnh Dũng, Quang Trãi, Minh Đức, Văn Hạnh, Trung Tuấn, Sĩ Hùng, Việt Thắng rồi thì Kiatisuk, Dusit, Sakda, Chukiat đến từ Thái Lan.

Ngày đưa Kiatisak ngược lên phố núi, nhiều người dân địa phương vẫn không tin, dù người thật bằng xương bằng thịt trước mắt. Có người bảo tôi là đồ điên, đồ khùng. Năm xưa, nhiều người cũng gọi tôi là một gã điên khi đổ hàng núi tiền xuống đất để trồng 300 hecta cao su theo chương trình phủ xanh đồi trọc đất trống. Mặc cho họ nói, việc của tôi tôi cứ làm. Cái ''điên khùng'' của gần 10 năm trước, giờ đây đã cho tôi lợi nhuận lớn. Rừng cao su đã đến hạn khai thác. Nói thật, chỉ cần ngần ấy mủ cao su từ 300 hecta kia, tôi thừa sức nuôi đội bóng trong một năm mà chẳng cần quảng cáo, đánh bóng tên tuổi. Cái điên khùng của tôi đã có lý, và đủ lý để đánh bạt những lời dè bỉu năm xưa.

Tôi luôn tâm niệm rằng: đội bóng chuyên nghiệp cũng như một gánh hát, phải có đào kép hay đẹp, giỏi nghề thì mới thu hút được người xem. Quan niệm ấy không sai khi mỗi trận Hoàng Anh luôn có sau lưng hàng vạn cổ động viên nhiệt tình. Sang chơi sân khách, chúng tôi cũng mang đến một lượng khán giả rất lớn để thoả tính hiếu kỳ khi được chiêm ngưỡng Kiatisuk, Dusit, Hữu Đang, Văn Hạnh, Sĩ Hùng... chơi bóng. Tôi ưu đãi cầu thủ, trả lương cao, bảo đảm thu nhập ổn định, xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ. Tóm lại, họ chỉ lo mỗi việc tập luyện và thi đấu. Nhưng, sự chiều chuộng ấy có giới hạn bởi những nội quy nghiêm ngặt. Ai đó vi phạm, cứ chiếu theo đó mà xử lý bằng cách phạt tiền, trừ lương rất nặng, kể cả với danh thủ số một Kiatisak.

Điều ít biết về bầu Đức

Sau bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm, bầu Đức trở thành nhân vật thể thao nổi tiếng trong năm 2002. Cũng như bầu Thắng, bầu Đức đã xây dựng một quần thể về cơ sở vật chất ''trên cả tuyệt vời'' chỉ để phục vụ riêng cho đội bóng như : 2 sân tập, năm dãy nhà nghỉ, công viên, bể bơi, phòng tập thể lực, phòng mát xa, phòng bóng bàn, sân tennis v.v… ''Bầu Đức rất thương và chiều chuộng cầu thủ, nhưng đó cũng là một người đàn ông hết sức bộc trực, nóng tính (sinh năm 1962, cầm tinh con Cọp), sẵn sàng phản ứng một cách gay gắt về những bất công, sai luật. Chẳng hạn như lời tuyên bố sẵn sàng giải tán đội bóng nếu như LĐBĐVN không xử lý dứt điểm trường hợp chuyển đổi màu áo của Lê Quang Trãi từ Đồng Tháp về Hoàng Anh.

Với chiếc quần jean bạc màu cố hữu, cùng chiếc áo sơmi phong phanh và chiếc mũ lưỡi trai, bầu Đức luôn giấu mình trước đám đông. Nhìn dáng vẻ bất cần đời, ăn mạc sơ sài ấy, ít ai ngờ rằng đó là người đàn ông đang có trong tay hàng trăm tỷ bạc. Là tỷ phú, nhưng khó thấy được sự kênh kiệu, se sua nơi người đàn ông này. Từ Pleiku về TPHCM công tác hay kiểm tra sổ sách của các cửa hàng, ông luôn di chuyển bằng xe taxi hoặc xe ôm. ''Chẳng phải mình hà tiện hay cố tình ra vẻ khác người, mà đó là điều mình thích vì xâm nhập thực tế với cuộc sống đời thường, hiểu thêm về tầng lớp có thu nhập thấp trong xã hội, và biết đâu từ những cuộc trò chuyện như thế, họ sẽ giúp cho mình vẽ nên những mẫu mã hàng hoá mà người bình dân có thể mua sắm được.'' Bầu Đức tâm tình như thế.

. (Theo Sinh viên Việt Nam)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những thông tin mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003  (21/03/2003)
Khi ta yêu  (20/03/2003)
Chàng trai táo bạo  (20/03/2003)
Những đóa hoa xanh  (19/03/2003)
Các hoạt động hưởng ứng Tháng thanh niên 2003 của tuổi trẻ Bình Định  (19/03/2003)
“Phong trào thanh niên tình nguyện đã tạo ra bước đột phá mới, đầy sức sống…”  (19/03/2003)
Có gì mới trong album Acoustica   (18/03/2003)
Cần lắm những sân chơi dành cho sinh viên  (17/03/2003)
Có nên thường xuyên đi chát ?  (17/03/2003)
Leo đỉnh Olympia cùng Minh Vũ  (16/03/2003)
Tại sao hiện nay học sinh Việt Nam thích du học ở Pháp?  (14/03/2003)
Ucraina- Địa chỉ du học đáng quan tâm  (14/03/2003)
Trên 100.000USD Australia tài trợ học bổng cho HS, SV Việt Nam du học Australia  (14/03/2003)
Thiếu định hướng trong việc đưa tin học vào nhà trường  (14/03/2003)
Ý kiến bạn trẻ: “Khao!”  (12/03/2003)