|
Trương Minh Nhật Quang |
Năm nay 38 tuổi, thạc sĩ tin học Trương Minh Nhật Quang được nhiều người biết đến qua phần mềm diệt virus D2 và D32. Để được như ngày hôm nay, anh đã phấn đấu không ngừng vừa học, vừa làm, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ.
Tuổi thơ của Trương Minh Nhật Quang gắn bó với quê hương Hà Tiên, biên giới Tây Nam. Mẹ là giáo viên, nhà có tám anh em, nên mới 14 tuổi, anh Quang đã lao động để kiếm thêm. Anh kể: "Phải mất hai năm, chúng tôi mới học xong chương trình lớp 8. Cô giáo tôi chết vì một quả pháo rớt vào trường học. Tôi thì may mắn hơn, chỉ phải nằm trạm xá hơn một tháng do vướng kíp nổ".
Chiến tranh lắng dịu, gia đình anh về lại thị trấn, cất một túp lều nhỏ trên nền nhà cũ. Những đêm mưa lớn, không ai ngủ được vì mưa tạt và gió thốc. Thời gian này, anh đi bán bánh mì dạo, từ 4 giờ sáng đến 6 giờ, cuốc bộ thêm bốn cây số đến lớp học. Tan trường, anh trở về nhận bánh mới và tiếp tục bán đến 12 giờ khuya mới về nhà, sau đó tranh thủ ngủ để 4 giờ trở lại lò... Anh đã cố gắng sắp xếp lại thời khoá biểu, tranh thủ học vào những lúc chờ lấy bánh và đoạt được giải nhì kỳ thi học sinh giỏi toán của huyện...
Để có được sự thành đạt như hôm nay, anh Quang còn phải tiếp tục trải qua nhiều chặng đường khác gian khổ không kém. Để có thể học hết PTTH, ngoài việc bán bánh mì, anh làm đủ nghề: sửa xe lề đường, bốc vác ở bến xe - bến tàu, dọn hàng chợ, rồi làm thợ hồ, cào ruộng muối, thậm chí nhận cả việc bốc mộ thuê... Thấy con ham học, ba má anh đã cố lo cho Quang và đứa em kế lên TP Hồ Chí Minh học, ở nhờ nhà người bác. "Cuối năm đó, tôi tốt nghiệp PTTH loại giỏi, lên nhận phần thưởng trong bộ quần áo thùng thình quá khổ (của anh họ tôi cho, vì đêm trước kẻ trộm đã lẻn vào dọn sạch mấy bộ quần áo đi học của tôi)" - anh Quang kể.
Thi rớt đại học, anh vừa tham gia công tác trong Đội Thanh niên xung kích của địa phương, vừa miệt mài tự ôn thi đại học. Anh học bất cứ lúc nào có thể, dù trên bờ kênh mới đào hay dưới mái hầm dã chiến. Ban đêm giữa đồng không có đèn, anh đốt vỏ tràm một mình ôn luyện. Năm 1985, anh đăng ký thi vào trường Đại học Cần Thơ và trúng tuyển diện chính quy với 18,5/30 điểm, đứng sau người cao nhất tỉnh 0,5 điểm.
Bốn năm đại học thật vất vả với những khó khăn muôn thuở của một sinh viên nghèo. Anh vừa học vừa làm thêm nghề như chạy xe đạp ôm, dạy kèm, làm thuê... Càng vất vả, anh càng cố gắng học tập. Do kết quả học tập đạt loại giỏi ở năm thứ ba, anh được nhận học bổng của Canada dành cho sinh viên Đại học Cần Thơ. Tốt nghiệp Đại học với số điểm 44/50, anh về công tác ở trường PTTH Hà Tiên.
Cuối năm 1990, anh lập gia đình nhưng vợ vẫn công tác ở Cần Thơ. Tuy vậy, cuộc sống của họ vẫn chưa hết sóng gió: vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo, anh phải xin nghỉ việc để nuôi vợ từ Cần Thơ tới TP Hồ Chí Minh. Những lúc thiếu tiền, anh gửi vợ cho các dì phước trông nom rồi rong ruổi khắp miền Tây bằng nghề giao ảnh để kiếm tiền mua thuốc cho vợ. Một năm sau, khi về lại Cần Thơ, vợ Quang vẫn còn yếu chưa đi dạy được trong khi anh lại thất nghiệp nên cuộc sống của họ càng thêm khó khăn. Ngoài việc chạy xe đạp ôm, nuôi cá bột, làm cỏ mướn, anh còn về quê mượn lúa, xay gạo chở qua Cần Thơ bán lẻ kiếm tiền chợ.
Sau đó nhờ có người giới thiệu, Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ đã nhận anh và tạo điều kiện cho anh được học Tin học theo nguyện vọng. Thế là anh gởi vợ về sống với ba má để lên TP Hồ Chí Minh, học tin học sáu tháng ở Trung tâm của Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh... "Tháng 2-1992, một máy tính ở cơ quan tôi xuất hiện một đồng hồ nhỏ trên màn hình. Biết máy bị nhiễm virus, tôi rất lo lắng vì chưa tìm được chương trình diệt virus Clock ấy. Ý tưởng tạo ra một phần mềm diệt virus để tự bảo vệ mình đã thôi thúc tôi lao vào nghiên cứu ngôn ngữ Assembly. Sau bốn tháng miệt mài trên chiếc máy xách tay của cơ quan, tôi đã biên dịch thành công chương trình chống virus Dir2/FAT, loại virus từng gây lúng túng cho không ít phần mềm chống virus lúc bấy giờ. Do nghe nhầm tên virus, tôi đã đặt tên cho sản phẩm của mình là "D2". Về sau, vì muốn giữ lại tên gọi đầu tiên, tôi chỉ giải thích đơn giản: D2 là "Detect anh Destroy Viruses" (Tìm và Diệt Virus) ...", - Trương Minh Nhật Quang tiết lộ.
Virus thứ hai được anh cập nhật vào chương trình "D2" là Little Girl. Virus này đã phá vỡ cấu trúc "D2" trên nền duyệt đĩa vật lý, khiến anh lại phải làm việc cật lực để thay đổi cấu trúc chương trình giúp "D2" có thể diệt các F-virus khác. Virus thứ ba là Clock, khiến anh phải thêm một phen mày mò phương pháp diệt các B-virus... Lúc này, vợ anh đã có thể đi dạy được, tích lũy một thời gian, để dành được một triệu đồng, anh mua một chiếc máy tính 286 màn hình mono, không có đĩa cứng. Giá máy lúc ấy là 5.100.000 đồng, khoản tiền còn thiếu do họ hàng và bạn bè cho mượn.
Để có tiền trả nợ, anh Quang tổ chức một lớp tin học ngay tại nhà. Lớp đầu tiên chỉ có bốn học viên, gồm bà chị họ, anh hàng xóm, một sinh viên ở trọ cạnh nhà và... vợ anh. Lớp thứ hai, thứ ba rồi thứ tư có "khả quan" hơn nên tám tháng sau, vợ chồng anh trả dứt nợ.
Thời gian đầu viết "D2" trên đĩa ảo của máy, anh rất vất vả vì lập trình hợp ngữ thường gây treo máy. Khi viết các thủ tục video, anh phải ... tưởng tượng màu trên màn hình ... mono đơn sắc. Mãi tới đầu năm 1995 khi mua được chiếc máy tính 386 SX-25, công việc của anh mới nhẹ hơn đôi chút. Tuy vậy viết "D2" không mang lại chút lợi nhuận nào cho Trương Minh Nhật Quang.
Năm 1995, anh Quang thi đậu vào khóa đầu tiên của Viện Tin học sử dụng tiếng Pháp (IFI) ở Hà Nội. Ngoài thời gian học trên lớp, anh vẫn kiên trì phát triển "D2"; tìm cách áp dụng những kiến thức mới vào sản phẩm của mình. Năm 1997, anh tốt nghiệp Cao học với đề tài "Hệ chẩn đoán thông minh virus lạ", được Hiệp hội Công nghệ thông tin và Toán ứng dụng của Canada mời báo cáo tiếp cận mới về công nghệ tri thức (tuy vậy, chuyến đi của anh không thành vì... không có tiền mua vé máy bay!).
Đến năm 1998, anh được mời báo cáo tại Hội nghị Công nghệ Thông tin các nước ASEAN tổ chức ở Hà Nội. Sau đó năm 1999, anh có dịp báo cáo đề tài "Nhận dạng virus lạ" ở hội nghị Quốc tế về Công nghệ thông tin Tiên tiến do Hàn Quốc tổ chức. Kể từ đó, thuật ngữ "Detect" (Phát hiện) đã được thay bằng "Diagnose" (Chẩn đoán) trong tên gọi của "D2".
"Cuối cùng thì thế kỷ XX cũng khép lại ở năm 2000. Cũng năm này, Microsoft giới thiệu hệ điều hành Windows 2000, chính thức loại bỏ MS-DOS ra khỏi Windows. Trước sự kiện đó mặc dù "D2" còn chạy được trên Windows 9x, tôi vẫn quyết định ngưng phát triển "D2" để đầu tư cho phiên bản chạy trên Windows. Như vậy, sau chín năm phát triển (1992-2001), "D2" đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử của nó, trở thành phần mềm chống virus chạy trên DOS có thời gian sống lâu nhất của Việt Nam." - anh Quang nói.
Sau một thời gian nghiên cứu, vào đầu tháng 2-2001, phần mềm mới của Trương Minh Nhật Quang (chống virus trên Windows) đã hoàn tất. Anh kể mình cứ phân vân mãi khi đặt tên mới cho phần mềm này. Bởi thông thường, các chương trình chống virus (anti-virus) thường đặt tên với hậu tố AV. Tên mới phải kế thừa từ tên cũ "D2", vốn đã vượt ngoài thông lệ, vì vậy các tên có hậu tố AV lần lượt bị gạt bỏ. Sau nhiều ngày đắn đo mà vẫn chưa đặt được tên gọi cho phần mềm, tối 19-2-2001 khi đọc bức e-mail có câu "Tôi muốn xin chép phần mềm D3 của anh...", anh đã tìm được ý tưởng: Đây chính phần mềm "D3 mới" mà mọi người đang kỳ vọng. Phần mềm này chạy trên nền Windows 32 bit, phát triển từ "D2" nên được đặt tên là ... D32 - Diagnose anh Destroy Viruses for Windows 32. Phần mềm ra mắt mọi người vào ngày 20-2-2001, trùng với ngày sinh của người sáng tạo nên nó.
“Mặc dù còn quá sớm để đánh giá vai trò của "D2" và "D32" trong những năm qua nhưng chúng tôi rất tự hào vì đã sống và làm việc thật có ích. Tôi mong mình có đủ nghị lực đi tiếp con đường đã chọn, góp phần nhỏ vào việc bảo vệ an toàn dữ liệu cho người Việt Nam sử dụng máy tính" - anh Quang bộc bạch.
. Ngọc Hân
(Tuần tin e-CHÍP)
|