Người đi tìm quốc hiệu Việt Nam
17:21', 25/3/ 2003 (GMT+7)

Nguyễn Phúc Giác Hải

Ông là người có số phận thật kỳ lạ. Từ một cử nhân, thầy giáo, ông trở thành nhà nghiên cứu về ngoại cảm (chứ không phải là nhà ngoại cảm). Ông bỏ ra 14 năm trời về tự nghiên cứu lịch sử, thiên văn, dự báo học... Ông là Nguyễn Phúc Giác Hải, người được coi là có những phát hiện táo bạo nhất trong số những nhà nghiên cứu về vấn đề “quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ?”

Người có công bảo vệ học thuyết Menden.

Tốt nghiệp cử nhân Sinh học Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1954-1958, Nguyễn Phúc Giác Hải về dạy Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương, sau đó là Trường Bổ túc Văn hóa Trung ương. Học trò của ông lúc ấy nhiều người đã nổi tiếng như anh hùng Núp, anh hùng La Văn Cầu, anh hùng Nguyễn Thị Chiên... nhiều người sau này cũng rất nổi tiếng với các chức vụ lãnh đạo Nhà nước.

Năm 1964, ông được phân công về Viện Khoa học Việt Nam, nghiên cứu di truyền học. Khi đó, ngành di truyền học Việt Nam còn đi theo học thuyết của Michurin, tài liệu về di truyền rất hiếm, đặc biệt, học thuyết của Menden-Morgan, càng hiếm hơn. Tiếp cận học thuyết của Menden-Morgan, Nguyễn Phúc Giác Hải lập tức linh cảm đó chính là tương lai của di truyền học Việt Nam. Ông ra sức tuyên truyền bảo vệ học thuyết của Menden-Morgan. Một bài báo ông viết trên tạp chí Tin tức hoạt động khoa học tháng 12-1965 về học thuyết Menden gây ra cuộc tranh luận quyết liệt. Song, ông vẫn vững tin ở bản thân, một phần vì bài báo đã được chính GS Tạ Quang Bửu, khi đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước duyệt. Nhờ sự khuyến khích của GS Tạ Quang Bửu, Nguyễn Phúc Giác Hải đã mạnh dạn bảo vệ học thuyết của Menden. Năm 1968, học thuyết này bắt đầu được đưa vào giáo trình ĐH, sau đó là sách giáo khoa phổ thông.

Mã số vũ trụ

“Có những  điều ngày nay khoa học vẫn chưa giải thích, nhưng tôi tin đó là cơ duyên”, ông Hải tâm sự. Nhà ông trước ở phố Ngô Quyền, hàng ngày, trên đường từ Viện Khoa học Việt Nam về nhà, ông phải đi ngang qua phố Đội Cấn, qua nhà cụ Nguyễn Đức Cần, một nhà ngoại cảm nổi tiếng. “Khi đó cụ Cần có rất nhiều bệnh nhân đến chữa, điều kỳ lạ là cụ không dùng thuốc, có người cho cụ là phù thủy”. Chiều nào đi làm về ông Hải cũng ghé vào xem, quan sát cách chữa bệnh của cụ Cần. Và qua cách giải thích “tôi chữa bệnh bằng cái đầu”, ông hiểu ngay đó là trường sinh học. Năm 1964, khi viết cuốn Những điều kỳ lạ trong thế giới sinh vật, ông đã coi đó là một hiện tượng khoa học. Từ 1971, ngoài di truyền học, ông lao vào nghiên cứu ngoại cảm, một lĩnh vực rất nhạy cảm. Không lâu sau đó, cụ Cần bị Sở Y tế Hà Nội cấm hành nghề, ông đã tìm mọi biện pháp, gõ cửa mọi nơi có thể để bảo vệ ông cụ. Sự nhiệt tâm của ông đã phải trả giá bằng quyết định buộc thôi việc kéo dài 14 năm trời. Mãi đến năm 1990, nhờ sự can thiệp của Hội đồng Bộ trưởng, ông mới được trở lại vị trí công tác cũ, nghiên cứu về ngoại cảm.

14 năm ấy với người khác có thể là khoảng thời gian dễ gây tuyệt vọng, còn với Nguyễn Phúc Giác Hải thì: “Phải cảm ơn 14 năm đó. Nhờ nó, tôi được làm những việc tôi thích”. Nhưng đó là nói một cách lạc quan như thế, chứ để sống, ông đã phải làm gia sư, phải nhận lời viết những cuốn sách rẻ tiền, nhảm nhí... Vượt lên khó khăn, Nguyễn Phúc Giác Hải đã biếân khoảng thời gian đằng đẵng thành những ngày có ích: Ông đã nghiên cứu Kinh Dịch, Chu Dịch, Sấm Trạng Trình. Ông cũng là một trong số ít người đọc và nghiền ngẫm Thái Huyền kinh - pho sách còn huyền bí hơn Kinh Dịch với 81 quẻ, mỗi quẻ có 4 vạch. Trên lĩnh vực thiên văn ông được coi là một trong những người đầu tiên khám phá về mã số vũ trụ cùng một người Việt Nam khác là Trịnh Xuân Thuận, Việt kiều Mỹ.

Quốc hiệu Việt Nam có tự bao giờ?

Nhiều năm trước, tình cờ đọc Báo Người Lao Động, Nguyễn Phúc Giác Hải chú ý đến ý kiến của một độc giả (ông Phan Trọng Hiền, số 6 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TPHCM) với đầu đề “Một lỗ hổng trong sách giáo khoa”. Ý kiến này viết, có mấy ai biết và nhớ tên nước ta mang tên Việt Nam tự bao giờ? Lý do rất dễ hiểu, nhà trường đâu có dạy các em điều này. Ai không tin, xin cứ giở hết các sách từ lớp 1 đến lớp 12 do Bộ GD-ĐT xuất bản xem có chỗ nào nói tên nước Việt Nam có từ khi nào không? Tuyệt nhiên không!”. Cái câu hỏi quốc hiệu Việt Nam có tự bao giờ trên đã khiến ông phải giật mình. Bởi ngay từ năm 1974, ông đã tình cờ phát hiện trong tập Sấm Trạng Trình của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (bản AB 444) hai tiếng Việt Nam được ghi ngay trong dòng đầu tiên: Việt Nam khởi tổ xây nền. Trong khi đó, chính sử lại ghi hai tiếng Việt Nam bắt đầu từ thời Nguyễn do nhà Thanh bên Trung Hoa năm 1804 đã đảo ngược hai chữ Nam Việt mà Gia Long đề nghị sắc phong, trong chính sử nhà Nguyễn Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất ký cũng có ghi lại sự kiện này. Và vấn đề đặt ra cho nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, có thật hai chữ Việt Nam đã được dùng cách đây 500 năm để chỉ tên gọi đất nước? Liệu có những bằng chứng khảo cổ về vấn đề này? Sau khi đọc Sấm Trạng Trình, Nguyễn Phúc Giác Hải chuyển qua tra cứu  thơ văn của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, và thật bất ngờ, hai tiếng Việt Nam đã được cụ nhắc tới 4 lần. Không chỉ thế, nhờ một số nhà khoa học ở Viện Hán Nôm, ông còn tìm thấy ở bia trùng tu chùa Phúc Khánh (Quế Võ, Bắc Ninh), năm 1664, phần bài Minh có câu Việt Nam cảnh giới, Kinh Bắc thừa tuyên. Sau đó là bia trùng tu chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558, Việt Nam đại danh lam bất tri kì cơ; bia chùa Cam Lộ (Hà Tây) năm 1590, Chân Việt Nam chi đệ nhất. Tuy nhiên, phát hiện quan trọng nhất đối với Nguyễn Phúc Giác Hải là tấm bia Thủy Môn Đình ở biên giới Lạng Sơn do trấn thủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), có câu Việt Nam hầu thiệt trấn ải Bắc quan (Cửa ải phía Bắc Việt Nam). Tấm bia này tuy có niên đại muộn hơn những tấm trước nhưng có danh tính người soạn, lại là mệnh quan triều đình, là phát ngôn chính thức. Tìm được tấm bia này cũng là một chuyện tình cờ  đối với Nguyễn Phúc Giác Hải. Năm 1991, một chuyên viên Ban Biên giới Chính phủ đọc bài viết của ông đã báo cho ông biết, năm 1969, vị cán bộ này trên đường đi Bắc Kinh đã nghỉ chân ở ngọn đồi có tấm bia Thủy Môn Đình, tạc năm 1670, trong đó có đề cập đến hai chữ Việt Nam. Thời gian đã lâu, vị cán bộ cũng không còn nhớ chính xác tấm bia nằm ở khu vực nào, ông lại lặn lội lên biên giới, giữa ngổn ngang bom mìn sót lại sau chiến tranh để tìm kiếm, và cuối cùng, đã tìm ra.

Những dự định cuối đời

Đã gần đến tuổi thất thập, nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải bảo, từ giờ đến cuối đời, ông có 5 việc cần phải hoàn thành, đó là hoàn thiện cuốn sách Đi tìm nguồn cội đất nước: Hai tiếng Việt Nam có tự bao giờ?; công bố công trình nghiên cứu về mã số vũ trụ; hoàn thành công trình: Những vấn đề bí ẩn về hoạt động bộ não con người; Kinh Dịch dưới ánh sáng khoa học và cuối cùng là Dự báo tương lai và những nhà tiên tri xuyên thế kỷ.

Chỉ vào tập bản thảo dưới chân giường, ông bảo đây là công trình mã số vũ trụ, sẽ hoàn thành trong vài năm tới. Đó có lẽ cũng là công trình cuối cùng. Công trình này chứng minh rằng vũ trụ hình thành theo một quy luật dãy số nhất định. Không phải ngẫu nhiên Gagarin bay vào vũ trụ trong 108 phút, chuỗi tràng hạt nhà Phật có 108 hạt, Việt Nam có 54 dân tộc anh em...

. (Theo Người lao động)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tình yêu thời sinh viên  (24/03/2003)
Chú bé bán bánh mì và phần mềm diệt virus  (24/03/2003)
Kẻ gàn trên phố núi  (23/03/2003)
Những thông tin mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003  (21/03/2003)
Khi ta yêu  (20/03/2003)
Chàng trai táo bạo  (20/03/2003)
Những đóa hoa xanh  (19/03/2003)
Các hoạt động hưởng ứng Tháng thanh niên 2003 của tuổi trẻ Bình Định  (19/03/2003)
“Phong trào thanh niên tình nguyện đã tạo ra bước đột phá mới, đầy sức sống…”  (19/03/2003)
Có gì mới trong album Acoustica   (18/03/2003)
Cần lắm những sân chơi dành cho sinh viên  (17/03/2003)
Có nên thường xuyên đi chát ?  (17/03/2003)
Leo đỉnh Olympia cùng Minh Vũ  (16/03/2003)
Tại sao hiện nay học sinh Việt Nam thích du học ở Pháp?  (14/03/2003)
Ucraina- Địa chỉ du học đáng quan tâm  (14/03/2003)