Sinh viên với việc ở trọ: khó mà dễ
17:27', 27/3/ 2003 (GMT+7)

Ông bà ta từ xưa đã có câu “An cư lạc nghiệp”, điều đó cho thấy cái việc “an cư” quan trọng đến chừng nào. Đối với sinh viên (SV), trong quá trình “lạc học” thì “an cư” cũng đóng vai trò hết sức quan trọng…

Tôi nay ở trọ…

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết trong ca khúc “Ở trọ” rằng: “ Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ dưới khe, tôi nay ở trọ trần gian…”. Hơn thế nữa, tôi nay ở trọ TP Quy Nhơn để học. Ngay những ngày đầu tiên đặt chân đến cái thành phố xa lạ này, tôi như lạc giữa mê hồn trận trước những lời chào mời của các bác tài chạy xe ôm: Đi về đâu vậy em? Đi học hả? Lên xe anh chở đến chở ở trọ luôn cho! Học trường nào?…

Rồi mấy bác, mấy anh kể ra hàng loạt các con đường có nhiều nhà trọ cho SV thuê. Ví như học ở trường Đại học sư phạm, phải đến thuê nhà ở những đường: Nguyễn Lữ, Ngô Mây, Lữ Gia, Nguyễn Văn Trỗi… thì đi học sẽ gần. Còn nếu học ở trường Cao đẳng sư phạm thì đến các đường như: Bạch Đằng, Trần Quý Cáp… May cho tôi là trong lúc tôi còn đang băn khoăn chưa biết nên chọn đi đâu, thì gặp một anh SV cùng quê, đã vào Quy Nhơn học được 2 năm rồi, anh cười khi nhận ra tôi: “Tuấn phải không ? Đứng đó đợi anh một chút rồi anh chở về luôn, chỗ nhà anh còn phòng cho thuê đấy…”

Tối đầu tiên xa nhà tôi không tài nào ngủ được, phần vì lạ nhà, phần vì khu nhà trọ kế bên hát ca ồn ào quá. Sáng ra chủ nhà mắng sa sả ai đó đã để nhà cầu mất vệ sinh, rồi quần áo phơi không đúng chỗ. Tôi chợt thấy cay cay nơi khoé mắt. Nhà trọ chứ không phải là nhà mình.

Ở trọ: giúp ta trưởng thành hơn

Trước khi vào thành phố nhập học, ba tôi căn dặn: “Nhập gia tuỳ tục, đáo xứ tuỳ thân” nghen con. Nôm na là phải sống như thế nào đó cho thích nghi với cuộc sống mới, nơi đất khách quê người.

Cuộc sống ở nhà thuê, phòng trọ của SV rất phức tạp. Nhiều bạn cứ nghĩ là : mình bỏ tiền ra thuê nhà, cũng có nghĩa là mình có quyền sống thoải mái, không cần quan tâm đến cái nề nếp, lề lối sinh hoạt của chủ nhà. Như thế là nhầm to. Bạn phải thật chú ý đến tính cách, lề lối sinh hoạt của gia chủ, rồi từ đó có hướng điều chỉnh cho lối sống của bản thân mình cho phù hợp. Sao cho chủ nhà xem bạn như chính thành viên trong gia đình. Khi ấy bạn đã thật sự an cư để lạc học

Bạn Thanh L. đang học ĐHSP Quy Nhơn có lần than thở rằng: “Ông chủ nhà trọ của mình khó tính quá, bạn bè đến thăm chơi ổng hỏi đủ điều, lại chỉ cho vào thăm chừng 30 phút là ổng yêu cầu phải về…”

Như thế chưa hẳn là không tốt đâu. Sở dĩ chủ nhà người ta “cảnh giác” như thế là vừa để bạn lo học tập, không đàn đúm bạn bè mà xao lãng chuyện bài vở. Nhất là họ đã thực sự xem bạn như người trong nhà. Chỉ khi nào chủ nhà chẳng thèm quan tâm tới nề nếp sinh hoạt của bạn, bỏ mặc bạn muốn làm gì làm, mới đáng lo.

Bạn Hương Giang (ĐHSP Quy Nhơn) cho biết: “Mình vốn được ba mẹ cưng chiều, khi ở trọ gia chủ bắt phải như thế này, như thế khác, mình nản lắm, ấy thế như qua 1 năm ở trọ, những điều mà gia chủ bắt buộc ấy đã thành cái nếp của mình và khi mình về thăm nhà được ba mẹ khen đáo để…”

Có thể thấy phần lớn các bạn khi ở trọ sẽ thấy mình trưởng thành rất nhiều, bởi lẽ cuộc sống tự lập của nơi ở trọ khiến bạn phải tự lo lắng cho bản thân và nhất là những yêu cầu khắt khe của chủ nhà sẽ khiến bạn lớn hơn theo thời gian.

Một yếu tố quan trọng khác là bạn đừng bao giờ chậm trễ trong việc đóng tiền thuê nhà hàng tháng đấy nhé. Nếu bạn thực hiện điều đó tốt thì không những bạn chẳng bị chủ nhà la rầy mà còn tập cho bạn cái tính: sống có qui phạm, biết chu đáo trong lối sống, làm chủ về tài chính.

Cũng đừng bao giờ đưa bạn bè vào phòng chơi mà không hỏi ý kiến chủ nhà. Đừng làm ồn ào, nhất là vào các giờ cao điểm như buổi trưa, lúc khuya. Nếu cố gắng thực hiện tốt những điều đó, bạn sẽ thấy: Nhà trọ thực sự là… một cõi đi về, điểm tựa bình yên trong quá trình học tập nơi quê người.

. Nguyễn Tuấn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những ấn tượng khó quên  (27/03/2003)
Các mô hình hoạt động của Xã Đoàn Phước Sơn  (26/03/2003)
Hậu của Chat  (26/03/2003)
Những người luôn trẻ  (26/03/2003)
Xao lòng ơi xao lòng !  (25/03/2003)
Người đi tìm quốc hiệu Việt Nam  (25/03/2003)
Tình yêu thời sinh viên  (24/03/2003)
Chú bé bán bánh mì và phần mềm diệt virus  (24/03/2003)
Kẻ gàn trên phố núi  (23/03/2003)
Những thông tin mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003  (21/03/2003)
Khi ta yêu  (20/03/2003)
Chàng trai táo bạo  (20/03/2003)
Những đóa hoa xanh  (19/03/2003)
Các hoạt động hưởng ứng Tháng thanh niên 2003 của tuổi trẻ Bình Định  (19/03/2003)
“Phong trào thanh niên tình nguyện đã tạo ra bước đột phá mới, đầy sức sống…”  (19/03/2003)