Đối thoại với thầy hiệu trưởng
17:2', 28/3/ 2003 (GMT+7)

“Xin thầy cho biết những định hướng phát triển lớn của trường trong thời gian sắp tới?”. “Thầy có thể nói gì về những SV bị kỷ luật vì vi phạm quy chế thi vừa rồi?”  Đó hoàn toàn không phải là những câu phỏng vấn của nhà báo. Đó chỉ là một vài trong vô số những câu hỏi thông thường mà SV trường ĐHSP Quy Nhơn đưa ra với lãnh đạo trường mình trong các buổi hiệu trưởng tiếp SV.

Đối thoại trực tiếp với Ban giám hiệu

Một buổi tối cuối tháng 3. SV trường ĐHSP Quy Nhơn tập trung từ rất sớm ở hội trường B. Họ đang chờ để tham dự chương trình “Gặp gỡ và đối thoại” do Đoàn trường tổ chức. Khách mời của buổi giao lưu là những vị lãnh đạo nhà trường, như: thầy Hiệu trưởng, thầy trưởng Phòng Công tác chính trị, thầy Giám đốc Thư viện trường, cô trưởng Phòng Quản lý nội trú, Giám đốc Trung tâm phục vụ SV…

Những câu hỏi do SV đưa lên đã thực sự làm sôi động hội trường với hơn 600 SV đang dự. Một SV khoa ngữ văn đặt câu hỏi với thầy Phan Văn Cảnh – Giám đốc Thư viện trường rằng: “Thư viện có thể tăng số lượng sách văn học nước ngoài lên để phục vụ nhu cầu SV được không? Thái độ phục vụ của thủ thư có vẻ ít quan tâm đến bạn đọc là SV?” Vế thứ hai của câu hỏi như gãi đúng chỗ ngứa của đa số SV nên những tràng pháo tay dưới hội trường liên tiếp vang lên. Còn với thầy Hồ Xuân Quang – người mới thôi giữ chức bí thư Đoàn trường chưa lâu – thì nhận được câu hỏi từ các cán bộ đoàn Khoa ngoại ngữ rằng: “Thầy có thể nói gì với đội ngũ cán bộ đoàn hôm nay?”.

Trong khi đó, với thầy Trần Tín Kiệt, Hiệu trưởng nhà trường, có một vấn đề được rất nhiều SV quan tâm và gởi câu hỏi lên là: “Quan điểm của nhà trường đối với việc xử lý SV vi phạm quy chế thi, thi hộ và nhận thi hộ?”. “Tôi là hiệu trưởng 1 trường ĐH, vì thế tôi thấy rất xấu hổ vì một có một số SV sư phạm bị xói mòn đạo đức. Tôi không tin là có em trót dại đến …7 lần, vì thế phải xử lý nghiêm khắc. Nhưng quan điểm của lãnh đạo nhà trường là nếu những em vi phạm biết ăn năn, thành khẩn, thì chỉ cảnh cáo toàn trường chứ không đình chỉ hoặc buộc thôi học như quy chế của Bộ quy định. Chúng tôi mong các em SV ủng hộ quan điểm này của nhà trường”. Câu trả lời của thầy Hiệu trưởng đã nhận được những tràng vỗ tay hoan nghênh và đồng tình của đông đảo SV tham dự.

Và còn rất nhiều những câu hỏi đi thẳng vào các vấn đề liên quan mật thiết đến việc học, đời sống của SV, từ những chuyện “to tát” như: Một số định hướng của Đảng ủy đối với công tác Đoàn của nhà trường trong thời gian tới?, … cho đến những câu hỏi cụ thể như: Tại sao khi chúng em làm vỡ ống nghiệm thì vẫn phải đền trong khi đã đóng tiền bảo hiểm tài sản rồi, hay năm nay cán bộ lớp có được nhận tiền phụ cấp 100.000 đ/học kỳ như năm học trước nữa không, Hiện ở các KTX có rất nhiều muỗi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe SV, vậy Phòng nội trú có biện pháp gì để giải quyết… đã được các thầy cô trả lời trực tiếp cho SV.

Phát huy dân chủ trong trường học

Đây chỉ là một buổi giao lưu mà theo anh Lê Công Hạnh - Bí thư Đoàn Trường ĐHSP Quy Nhơn - là để tuyên truyền rộng rãi và tạo điều kiện cho SV phát huy hơn nữa quyền làm chủ của mình trong trường học.

Từ năm 1999 đến nay, BGH Trường ĐHSP Quy Nhơn luôn dành thời gian để tiếp cán bộ giáo viên và SV, định kỳ vào chiều thứ 6 hàng tuần. Tham gia buổi tiếp SV, ngoài thầy hiệu trưởng còn có một số thầy cô trong BGH nhà trường. Những SV tham gia buổi đối thoại này thường mang đến mọi thắc mắc về tất cả những vấn đề liên quan mật thiết đến mình nhưng không biết hỏi ai để có câu trả lời thấu đáo.

Thầy Trần Tín Kiệt - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo trường ĐHSP Quy Nhơn khi tổ chức các buổi gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với SV là nhằm phát huy tính dân chủ trong nhà trường. Tôi sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi của SV, còn với những câu hỏi chưa thể trả lời ngay được thì tôi sẽ ghi nhận để hội ý với các phòng ban và trả lời sau”. Thầy Kiệt còn cho biết thêm, ngoài những buổi đối thoại trực tiếp như thế thì trường còn có 1 hộp thư gởi hiệu trưởng ghi nhận các ý kiến, thắc mắc của giáo viên, SV trong trường. Và thông qua các hình thức đối thoại trực tiếp và gián tiếp như thế, thầy Trần Tín Kiệt đánh giá: “Việc này mang lại hiệu quả rất tốt. Nó giúp lãnh đạo trường thu nhận được nhiều thông tin từ giáo viên, SV để quản lý trường tốt hơn”.

Còn anh Lê Công Hạnh thì tỏ vẻ rất tâm đắc với các hình thức dân chủ hóa trường học này. Anh nói: “Nếu một SV mang vấn đề mình bức xúc lên gặp hiệu trưởng và được thầy trả lời thì cũng chỉ có một thầy một trò biết. Còn với những buổi gặp gỡ và đối thoại quy mô thế này thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn. Đây là lần thứ 3 Đoàn trường tổ chức chương trình gặp mặt giữa lãnh đạo nhà trường với SV thông qua hình thức đối thoại, và sắp tới sẽ tổ chức nhiều chương trình như thế, mỗi chương trình sẽ xoáy vào một nội dung cụ thể, như: tư vấn nghề nghiệp, các vấn đề liên quan đến thi cử… SV rất cần và rất phấn khởi khi được tham dự những buổi gặp mặt, đối thoại như thế này”.

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ôi cá tháng tư !  (28/03/2003)
Sinh viên với việc ở trọ: khó mà dễ  (27/03/2003)
Những ấn tượng khó quên  (27/03/2003)
Các mô hình hoạt động của Xã Đoàn Phước Sơn  (26/03/2003)
Hậu của Chat  (26/03/2003)
Những người luôn trẻ  (26/03/2003)
Xao lòng ơi xao lòng !  (25/03/2003)
Người đi tìm quốc hiệu Việt Nam  (25/03/2003)
Tình yêu thời sinh viên  (24/03/2003)
Chú bé bán bánh mì và phần mềm diệt virus  (24/03/2003)
Kẻ gàn trên phố núi  (23/03/2003)
Những thông tin mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003  (21/03/2003)
Khi ta yêu  (20/03/2003)
Chàng trai táo bạo  (20/03/2003)
Những đóa hoa xanh  (19/03/2003)