Hoa tiền
18:45', 30/3/ 2003 (GMT+7)

Hơn 10 tỷ đồng vốn từ tay một chàng trai 23 tuổi. Chàng trai đã biến đống tiền ấy thành Công ty TNHH Hoàng Phương I - Vườn Hoàng Lan. Hơn 400.000 gốc phong lan các loại Hồ điệp, Dendro, Cattleya, Vanda, Địa lan, Lan hài... trong một khu vườn 100.000 m2. Tết đến là thu lãi lớn. đó là Nguyễn Trung Kiên - chàng ''háo sắc'', nhưng ''háo'' là ''háo'' cái sắc đẹp của thiên nhiên.

1. Khoái và tham lam

Mãi đến khi tốt nghiệp Marketing (ĐHKTQD), Kiên mới chính thức được coi là ông chủ, mặc dù đã vật lộn ở cái vườn này 7 năm rồi. ''Tớ bị ông chú ''đầu độc'', tự nhiên khoái hoa phong lan phát điên phát cuồng''. Khoái rồi đến tham lam và thích sở hữu, tính của chàng thế. Đi công tác Sài Gòn ông chú đem về một giò lan, cả nhà thích mê, riêng Kiên cứ đi đi lại lại và nhíu mày như ông cụ. Lúc đấy Kiên 16 tuổi: ''Chẳng lẽ đi cả Hà Nội không mua nổi một giò phong lan tử tế à?''. Ông chú lặng người, rồi phá ra cười. Thế rồi chàng ta đã thuyết phục được gia đình đầu tư...

2. Zoom trọn vào  cái cơ ngơi bạc tỷ

Nó là một trang trại hoa, một đại bản doanh của Kiên, nằm bên khu đầm Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội. Mất gần nửa năm hai chú cháu hì hục toát mồ hôi trước đống tài liệu cao lút đầu về phong lan.

Bao nhiêu cây giống, Kiên đều nhập từ Thái Lan, một phần nhỏ từ Đài Loan. Từ những chiếc que nhỏ cùng màu cuống hoa để nâng cành đến những chiếc kẹp hình nơ, hình chuồn chuồn, đều nhập khẩu hết. Hơn một vạn cây giống mỗi năm cùng các loại vật tư nuôi trồng, lưới, khung treo, ống nước, hệ thống xử lý nước, chất dinh dưỡng nuôi cây, thuốc phòng trừ sâu bệnh... mỗi năm cũng ngốn đến vài tỷ.

Tết năm nay, Kiên lấn sân sang cây cảnh. Phong lan vẫn là chủ đạo nhưng còn phải mở thêm điểm bán riêng lan rừng và địa lan, phục vụ các bậc ''cao thủ'' sành chơi. Rồi người ta sẽ đến nghiên cứu và thí nghiệm cấy ghép trên cơ ngơi của chàng ta. Kiên chỉ còn chờ đến bước ''cấy mô'' là hoàn thiện từ A đến Z chu trình trồng phong lan. Chàng ta  bảo: ''Trẻ tuổi, háo sắc, càng khó chinh phục càng cố. Chuyện thường ấy mà!''

3. Vì tham mà trời phạt

Kiên một mực không chịu cái kiểu quảng cáo thương mại, như kiểu sản phẩm sản xuất dây chuyền, mà định trình làng trong chương trình ''Hướng dẫn, tư vấn chăm sóc và thiết kế vườn Lan'' của VTV2. Thế là người ta biết chàng với tư cách một nghệ nhân chơi phong lan, thế mới khoái.

Nhưng vì không muốn nhấc thứ hoa vương giả ấy ra khỏi tự nhiên thành món đồ sản xuất hàng loạt, chàng khốn đốn vì cái khắc nghiệt của tự nhiên ấy. ''Tớ còn trẻ, chưa thể tỉ mẩn như mấy cụ già lão làng về chơi cây cảnh được. Mà chăm bọn phong lan này khổ hơn chăm con mọn''- Kiên nhăn nhó. Nhất là lúc cây sắp trổ bông và sau khi hoa tàn. Một cây giống sớm nhất cũng mất ba năm mới cho hoa, mà ngoại trừ lan Vũ nữ và lan Mokara thì mỗi cây chỉ ra hoa mỗi năm một lần. Trong mấy năm ấy phải xoay chuyển như chong chóng: có lúc cây cần 70% ánh sáng thì phải che một lớp lưới môi trường, lúc chỉ cần 50% ánh sáng thì phải che hai lớp. Rồi độ ẩm khoảng 30% thì phun tưới và chắn gió, nắng theo kiểu riêng...

Về mặt kỹ thuật, Kiên có 20 kỹ sư trồng trọt lo. Nhưng tham quá, lại ham hố cái đẹp, thế là bao nhiêu lần Kiên đau đầu: lúc thì phải dốc cả núi tiền nhập giống, lúc thì chẳng phải mùa lễ hội, hoa đầy ứ trong vườn, chỉ có chủ với nhân viên ngắm với nhau. Ngao ngán, mà tiền lương nhân viên vẫn phải trả đều đều, ngửa cổ kêu: ''Sao một năm trời không cho cỡ 2,3 cái Tết nhỉ?''

Nguồn giống trong nước không thiếu: ĐH Nông nghiệp I, công ty giống rau quả TƯ... Kiên bảo: ''Lan Việt Nam chỉ tốt ở khâu cấy mô thôi, đem ra trồng thì sức phát triển kém hơn hẳn giống nhập ngoại, bông nhỏ hơn, cành hoa ngắn hơn, mà giá thì đâu có thấp.''

Kiên vẫn nhập 100% giống nước ngoài, dù hải quan kiểm dịch cực kỳ khắt khe về vi khuẩn lây nhiễm. Kiên lúi húi lôi ra và chỉ cho tôi xem cả đống ảnh chụp những bông hoa dị thường. Chàng ta lẩm bẩm: ''Không muốn nhìn nhưng thỉnh thoảng lại phải ngó, ấm ức một chút để làm tốt hơn, như một sự trừng phạt tự nguyện ấy!''

4. Khi phong lan nở hoa

Vất vả, từ khâu chăm sóc đến vận chuyển cây từ ngoại thành vào Hà Nội. Chỉ một cành gẫy là ảnh hưởng đến cả năm cặm cụi. Khách mua 1 giò nhỏ 50.000đ  cũng phải cử nhân viên tư vấn đến tận nhà 3, 4 lần để hướng dẫn chăm sóc... bù lỗ bao nhiêu cho xuể. Nhưng cứ có thành quả là Kiên sướng, ngắm hoa của mình quên cả ăn. Có khi khách mà chàng ta quý, Kiên biếu luôn cả giò hoa gần triệu bạc. Lại có bữa, gặp ông khách cậy có tiền, đỏng đảnh chê cái giò hoa Kiên cưng nhất, tức khí cãi nhau một trận tưng bừng, rồi chàng ta  đùng đùng bỏ vào nhà, hôm sau trả tiền đặt cọc, không thèm bán nữa. Kệ, Kiên là thế đấy.

Những lúc cao điểm lễ tết, khắp Hà Nội hơn 20 điểm bán hồng rực màu băng rôn ''Vườn Hoàng Lan''. Lúc ấy, Kiên không còn là ông chủ của 50 nhân viên nữa mà số nhân viên lên đến cả trăm người, tối mặt tối mũi chuyển hoa lên xe, áp tải về các điểm bán.

Có thể gọi  Kiên là tỷ phú được rồi, vì cái cơ ngơi của chàng ta chắc chắn không chỉ là dăm ba tỷ ngày hôm nay. Trông bộ dạng Kiên vẫn còn trẻ ranh, mặc dù chàng ta rất hay xài bộ vét trịnh trọng để người ta thấy mình cũng chững chạc. Nhưng chẳng tội gì Kiên bỏ tính ''háo sắc'' với thứ hoa quý tộc, vừa đẹp, vừa đẻ ra tiền ấy.

. Đào Quỳnh Nga (Sinh viên Việt Nam)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đối thoại với thầy hiệu trưởng   (28/03/2003)
Ôi cá tháng tư !  (28/03/2003)
Sinh viên với việc ở trọ: khó mà dễ  (27/03/2003)
Những ấn tượng khó quên  (27/03/2003)
Các mô hình hoạt động của Xã Đoàn Phước Sơn  (26/03/2003)
Hậu của Chat  (26/03/2003)
Những người luôn trẻ  (26/03/2003)
Xao lòng ơi xao lòng !  (25/03/2003)
Người đi tìm quốc hiệu Việt Nam  (25/03/2003)
Tình yêu thời sinh viên  (24/03/2003)
Chú bé bán bánh mì và phần mềm diệt virus  (24/03/2003)
Kẻ gàn trên phố núi  (23/03/2003)
Những thông tin mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003  (21/03/2003)
Khi ta yêu  (20/03/2003)
Chàng trai táo bạo  (20/03/2003)