Ngày 30/3, các nhà khảo cổ Ai Cập đã mở một cỗ quan tài bằng gỗ có niên đại 5.000 năm trong sa mạc gần Thủ đô Cairo. Đây là bằng chứng cổ nhất về tục ướp xác người tại quốc gia này. Xương được phủ một loại nhựa thông được sử dụng trong quá trình ướp xác. Giám đốc Hội đồng cổ vật Ai Cập Zahi Hawass cho biết: ''Đây là bằng chứng cổ nhất về ướp xác người tại Ai Cập''.
Quan tài được tìm thấy tại một trong hơn 20 nấm mồ xây bằng gạch bùn. Theo ông Hawass, nó thuộc về các quan chức sống vào khoảng từ năm 3100 tới năm 2890 trước CN dưới triều đại thứ nhất của Ai Cập. Giới khảo cổ đang tiếp tục khai quật để tìm hiểu rõ hơn về những nấm mồ này.
Kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập phát triển qua nhiều thế kỷ. Giới khoa học cho rằng người Ai Cập cổ đại biết ướp xác từ năm 2613 tới năm 2494 trước CN. Phương pháp được sử dụng từ năm 1567 tới 1200 trước CN là hiệu quả nhất trong việc bảo quản xác người chết. Thi thể của Ramses II, vị vua trị vì trong thời kỳ này, được ướp bằng kỹ thuật trên và hiện đang được trưng bày tại viện bảo tàng Ai Cập. Kỹ thuật ướp xác được sử dụng từ năm 1085 tới năm 945 trước CN là công phu nhất. Thi thể người chết được tắm rửa, sấy khô, được cuốn vải để bảo vệ và được phủ đồ trang sức nhằm xua đuổi tà ma.
. VietNamNet
|