Nhạc sỹ Từ Huy:
''Tình yêu khởi nguồn cho mọi sự sống''!
17:57', 4/4/ 2003 (GMT+7)

Nhạc sĩ Từ Huy

Ngày ấy, khi còn là một cô nữ sinh cấp III, bao giờ cũng vậy, sau tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi, âm thành đầu tiên tôi chú ý là một giai điệu nhè nhẹ dặt dìu cất lên phát ra từ chiếc loa rõ to của trường bài hát có ca từ ''Nếu biển không có sóng, biển đâu còn dào dạt. Nếu chiều không hò hẹn, đâu thấy lòng nôn nao. Nếu đời không tình yêu, biển sẽ không có sóng. Nếu chiều không gió lộng thì tóc em đâu có bồng bềnh...''.

Sau này tìm hiểu, tôi được biết bài hát ấy là của nhạc sỹ Từ Huy, nó có tựa ''Nếu biển không có sóng''. Tự biết mình không thuộc tip người biết cảm thụ về âm nhạc, nhưng tôi vẫn cảm thấy bài hát ấy hay và... đúng! Giờ đây gặp tác giả bài hát ở Hội Âm nhạc TP.HCM, anh cười bảo: ''Tình yêu khởi nguồn cho mọi sự sống'', và đó cũng là lý do để tôi viết ''Nếu biển không có sóng''! Rồi anh mơ màng thả hồn theo  ''sóng'': ''... ngại chi sóng hỡi em, ngại chi gió hỡi em, sóng có xô thuyền ta đem đến bao ngày qua thì em ơi tình ta vẫn đậm đà, thì em ơi tình ta vẫn mặn mà...''. Ngưng lại giây lát, anh nói: ''Nhiều người cứ nghĩ khi người nhạc sỹ sáng tác một bài hát, nhất là về tình yêu là cứ phải... yêu một ai đó, phải có ''một em nào đó'' trong ấy. Nhưng thực tế không phải vậy, lời ca được thốt lên với những cảm xúc đến bất chợt và được đúc kết trong cuộc sống, vốn sống''.

* Trở thành nhạc sỹ tình cờ mà không tình cờ

Nói ''tình cờ'' bởi những đưa đẩy trong cuộc sống để Từ Huy trở thành một nhạc sỹ, nhưng lại ''không tình cờ'' ở chỗ, anh đến với nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ, bắt đầu bằng hội họa và thi ca. Những bài thơ đầu tiên của anh được đăng trên các báo Đối Diện, Điện Tín... Theo Từ Huy, lúc đó làm thơ chỉ là để vui chơi thôi, hứng lên là ''xuất bản'' ra thơ. Học hết phổ thông, chàng trai quê gốc Quảng Nam này đã quyết định ghi danh vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật (Huế). Tuy nhiên, việc học dang dở do có cuộc tổng động viên của chế độ cũ. Từ Huy quyết định vào Sài Gòn theo học trường Đại học Văn Khoa (nay là Đại học Khoa học xã hội & nhân văn) và đảm nhiệm vai trò Trưởng ban văn nghệ. Chính nơi đây, từ phong trào văn nghệ sinh viên - thanh niên, một Từ Huy - nhạc sỹ đã trưởng thành, có tên tuổi, được công chúng, đặc biệt là giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Anh đã thực sự có chỗ đứng trong làng âm nhạc Việt Nam. Năm 1975, trong niềm vui chung của cả nước, Từ Huy đã sáng tác bài ''Thơm ngát ơn người''. Những lời ca rộn rã như ''Nghe chăng em nhã nhạc vang trời. Đưa tin vui đến cả loài người. Việt Nam ta độc lập rồi. Cả thế giới hướng về chúng ta...'' nhanh chóng lan rộng trong giới sinh viên.

Năm 1991, nhạc sỹ Từ Huy cùng với những người anh (cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn), người bạn thân (Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên) đã thành lập ra sân chơi CLB Nhạc sĩ (ngay cạnh NVH Thanh Niên) thu hút sự quan tâm đáng kể với giới yêu âm nhạc không chỉ là khán giả thành phố mà còn cả ở các tỉnh lân cận tìm đến. (Cũng nơi đây cô Bống nhỏ Hồng Nhung đã thành danh, khi chân ướt chân ráo từ Hà Nội vào).

Từ Huy đam mê cả hội họa, thi ca, và âm nhạc, nhưng nghề chính của anh lại là nghề báo! Anh làm việc ở tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM với vai trò họa sỹ trình bày có đến hơn 20 năm! Giờ xin thôi làm, Từ Huy lại tất bật với những chương trình tổ chức cho các đơn vị, ca sĩ.

* Từ Huy và những thành quả

Tính đến nay, nhạc sỹ Từ Huy đã ấn hành 4 album cassette (Nhật ký tình yêu, Dường như mùa xuân, Tuổi biết yêu, Ngày em đến), và 3 CD (Tết và những ngày vui, Đêm nhớ, Cơn mưa chiều Chủ nhật). Về thơ ca, năm 1993, anh đã cho xuất bản tập thơ có tên khá dễ thương Hình như là... hình như. Trong thời gian không xa, Từ Huy sẽ trình làng thêm một tập thơ khác. Anh còn ''bật mí'', khoảng giữa mùa hè năm nay, sẽ ra mắt hai ca khúc ''Mùa hè tình bạn'' (chơi ghi ta thùng) và ''Thiên thần buồn''. Tôi có thắc mắc tại sao thiên thần lại buồn thì anh cười đầy tinh quái, ''muốn biết vì sao thì... chờ nhé!''

Nhắc đến nhạc của Từ Huy, không khó để ta kể ra những ca khúc của anh. Giai đoạn đầu thì có ''Hát nữa đi'' (Hát nữa đi người yêu người yêu hỡi, hát nữa đi bài ca của muôn triệu người...), ''Hãy đàn lên'', ''Những lời em hát'', ''Hòa bình để yêu nhau'' (hát tại Liên hoan hữu nghị Việt Xô), ''Mùa xuân tình yêu''... Kế tiếp đó có thể kể đến ''Ngày tên quê em'' (Tam ca Áo trắng trình bày rất thành công), ''Mong đợi ngậm ngùi (gắn với cặp song ca một thời Thế Sơn - Thủy Tiên), ''Một thoáng quê hương'' (viết cho cuộc thi Áo dài hoa hậu TP năm 1989)... Gần đây hơn thì có ''Ngày em đến'', ''Cơn mưa chiều chủ nhật'', ''Con gái Sài Gòn'', ''Lời chào bè bạn'', ''Ru em''... Tổng cộng, có đến 70 ca khúc của Từ Huy đã được công bố.

* Nhạc sỹ = tâm hồn + kiến thức văn học

Theo nhạc sỹ Từ Huy, sở dĩ một số tác phẩm của lớp nhạc sỹ trẻ hôm nay, có ca từ khá ''thô'', trần trụi vì họ không được trang bị đầy đủ về kiến thức văn học. Đó là một tình trạng đáng buồn, một bài hát ra đời chỉ ''sống'' được ít bữa rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng. Anh bảo mình may khi có vốn sống về văn học, nên thuận tiện rất nhiều trong việc sáng tác. Với anh, nhạc sỹ = tâm hồn + kiến thức văn học. Cần phải có một tâm hồn để cảm nhận về cuộc sống, rồi dùng chất văn học để hình thành nên ca từ. Từ Huy tâm sự: ''Tôi sáng tác và tất nhiên trong đó có cả những bài theo đơn đặt hàng, nhưng tất cả đều phải có cảm hứng''. Rồi anh lấy ví dụ: ''Như bài ''Một thoáng quê hương'' tôi viết cho cuộc thi đầu tiên của Hoa hậu áo dài TP, tất cả chỉ gói gọn trong một đêm (đoạn 2 Thanh Tùng viết), và sáng hôm sau là đem đi thu luôn!''.

Tính đến nay, Từ Huy đến với âm nhạc đã gần 20 năm, theo thời gian, tóc anh đã dần bạc, nhưng nhạc của anh vẫn thế, thật trẻ trung và gần gũi!

. Bảo Khánh (VietNamNet)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đưa Internet vào trường học   (03/04/2003)
Thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ có gì khác?  (02/04/2003)
Một cao nguyên để thương của Nguyễn Cường   (01/04/2003)
Phát hiện bằng chứng cổ nhất về ướp xác tại Ai Cập  (31/03/2003)
Vào đời bằng con đường đi vòng  (31/03/2003)
Hoa tiền  (30/03/2003)
Đối thoại với thầy hiệu trưởng   (28/03/2003)
Ôi cá tháng tư !  (28/03/2003)
Sinh viên với việc ở trọ: khó mà dễ  (27/03/2003)
Những ấn tượng khó quên  (27/03/2003)
Các mô hình hoạt động của Xã Đoàn Phước Sơn  (26/03/2003)
Hậu của Chat  (26/03/2003)
Những người luôn trẻ  (31/03/2003)
Xao lòng ơi xao lòng !  (25/03/2003)
Người đi tìm quốc hiệu Việt Nam  (25/03/2003)