Chỉ với tấm keo nilon mỏng nhiều màu sắc và một chiếc bật lửa ga, bằng sự khéo léo của mình, những người thợ dán keo xe sẽ biến đổi được hình thù của một chiếc xe gắn máy và thậm chí cả chiếc xe ôtô...
* Đáp ứng nhu cầu nhiều mặt
Qua khảo sát của chúng tôi, hiện nay tại TP Quy Nhơn có hơn 20 điểm chuyên về dịch vụ dán keo nằm rải rác trên các phố, nhưng tập trung chủ yếu và là khu địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng có nhu cầu là các điểm dán keo trên đường Lý Thường Kiệt.
Tại Quy Nhơn, nghề dán keo đã xuất hiện khoảng 12 năm nay. Khi ấy, nhu cầu dán keo xe là để bảo vệ lớp sơn chống xước, trầy, nắng mưa và sự ôxy hoá của sườn xe. Đa phần, với những người kỹ tính, khi chiếc xe được dắt ra khỏi salon thì họ đưa thẳng đến những hiệu dán keo xe. Hôm gặp tôi tại điểm dán keo Sài Gòn, anh Tân, quê ở An Nhơn, chủ nhân chiếc Spacy đập hộp, cho hay: “Trong 10 năm trở lại, đây là lần thứ 3 tôi mua xe mới và cũng là lần thứ 3 tôi mang xe đến điểm dán keo. Tiền dán keo cho một chiếc xe chỉ khoảng trên dưới 90 nghìn đồng tuỳ theo loại xe, nhưng hiệu quả của nó mang lại khá cao. Chiếc Dreem II tôi mua đã 10 năm nay, nhưng khi lột lớp keo ấy ra nước sơn vẫn còn bóng loáng, vì thế giá trị chiếc xe vẫn không giảm mấy.”
Keo nilon còn giúp cho những chiếc xe ôtô trở nên sang trọng hơn. Một lớp keo nilon màu sẫm đen được dán trên kính chắn xe ôtô không chỉ làm giảm bức xạ của ánh nắng xuyên qua những tấm kính trắng mà còn làm cho chiếc ô tô trở nên oách hơn bởi lớp nhựa phủ lên trông như kính màu. Hoặc với những chiếc ôtô khách, ôtô tải, ôtô du lịch, những mẫu quảng cáo đại loại như xe “chất lượng cao”, “bến xe miền Đông”, “Quy Nhơn - Sài Gòn”… thay vì viết bằng sơn thì giờ đây là tấm nilon nhiều màu, vừa rẻ tiền lại vừa đẹp. Ngày nay một số điểm dán keo xe đã tự tạo mẫu riêng theo sở thích của khách hàng bằng phần mềm trên máy vi tính. Chính những điều đó đã đáp ứng được khá nhiều nhu cầu cho người tiêu dùng.
Chủ hiệu dán keo Thợ Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi có thể tạo các mẫu tem dán xe của các loại xe. Tuy chất lượng của bộ tem do chúng tôi tạo ra thấp hơn so với bộ tem zin của chính hãng nhưng giá tiền thì rẻ hơn rất nhiều. Chẳng hạn, một bộ tem xe Viva Suzuki do chúng tôi tạo mẫu chỉ bán với giá hơn 20 nghìn đồng, thấp hơn nhiều so với giá của hãng Suzuki bán ra thị trường với giá 140 nghìn đồng.”
* Thời trang kinh dị
Bên cạnh tác dụng thực của những tấm keo nilon, nhiều người còn sử dụng nó như công cụ để tân trang cho chiếc xe của mình. Với những người có thẩm mỹ thì hình thù của chiếc xe được tạo ra sẽ rất đẹp, còn ngược lại thì sẽ tự biến chiếc xe thành dị hợm. Hiện nay, trên nhiều đường phố hoặc thậm chí ở nẻo quê, sự xuất hiện của những chiếc xe gắn máy được tân trang bằng nhiều màu sắc kỳ dị không làm cho mọi người ngạc nhiên nữa. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi thị trường xe máy Trung Quốc ồ ạt nhập qua Việt Nam cũng là lúc những loại xe máy kiểu ấy ra đời. Anh Tuấn, chủ một hiệu dán keo xe ở đường Lý Thường Kiệt giải thích: “Do giá xe này rẻ hơn nhiều so với các loại xe máy chính hiệu nên các chủ nhân của nó mạnh dạn hơn khi chơi theo sở thích của mình. Đối tượng thường thích chơi kiểu này là thanh niên”. Chỉ cần vài chục nghìn thì một chiếc xe máy có thể biến thành một “sân khấu” di động bởi hình ảnh của con cọp, con rồng hoặc những chiếc mặt nạ quái dị được cắt dán, chắp vá lung tung trên thân xe, hoặc thậm chí có cả hình ảnh của một cô gái khoả thân được cắt dán trên mũi xe…
Không chỉ thế, cũng với những chiếc xe ấy, nhiều chủ nhân của nó đã cho “lên đời” bằng cách thay đổi nhãn hiệu xe một cách vô tội vạ, thậm chí họ đã nối cầu các hãng sản xuất xe máy khi “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Điển hình như chiếc xe mang nhãn hiệu Honda, Loncin… do Trung Quốc sản xuất, chủ xe đã thay đổi bằng cách dán trên chiếc mặt nạ chữ Suzuki, sườn xe dán chữ Wave, còn bửng xe thì dán hình một lá cờ… nước Mỹ.
Những ai đã từng là chủ nhân hợp pháp của chiếc xe môtô, xe máy đều có trong tay giấy đăng ký xe môtô, xe máy. Phía sau giấy đăng ký có ghi quy định: “…Phải khai báo với cơ quan cảnh sát giao thông nơi đăng ký xe những trường hợp: Thay đổi toàn bộ màu sơn xe; thay đổi kiểu, dáng xe…”. Vậy thì, với kiểu “lên đời” bằng keo dán ấy, liệu họ có vượt qua tầm kiểm soát của cơ quan chức năng?
. Thu Anh
|