Khi sinh viên làm thêm
17:42', 7/4/ 2003 (GMT+7)

Những năm gần đây, làm thêm không còn là chuyện mới trong giới sinh viên. Trong cách nghĩ của giới sinh viên, con đường này không đơn thuần chỉ là để kiếm tiền phục vụ chuyện học hành mà còn là tự mình trau dồi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm trước khi ra trường.

* Làm thêm - chuyện thường ngày

Đó chính là lời khẳng định của hầu hết các bạn sinh viên đang vừa học vừa làm mà tôi đã gặp. Hầu hết, các bạn đi làm gia sư là chủ yếu, số còn lại đi làm tiếp tân ở các nhà hàng hay quán cà phê. Mỗi tối, nếu vào các quán cà phê dọc đường Nguyễn Tất Thành (Quy Nhơn), chúng ta bắt gặp không ít những cô gái, chàng trai tề chỉnh trong các bộ trang phục dành cho người phục vụ, cũng nhanh nhạy và có nghề lắm.

Khi tôi đến một khu nhà trọ nằm trên đường Ngô Mây nối dài thì gặp Tường Vi, sinh viên trường CĐSP Bình Định đang vội vàng với bữa tối của mình để kịp giờ đi làm. Cô bạn nhỏ nhắn nhưng khá dễ thương này đã có hai năm “trong nghề” với vai trò một gia sư dạy tất tần tật các môn học cho một “lớp” gồm ba cậu học sinh lớp 6.

Còn bạn Ngọc Hà, sinh viên năm thứ 3, trường ĐHSP Quy Nhơn lại đang là cô giáo cho hai cậu nhóc tì lớp ba và lớp bốn. Gia đình đông anh chị em, Hà lại là con đầu nên đã một lần từ bỏ ước mơ trở thành một nhà quản trị kinh doanh. Cô thi vào ngành sư phạm vì sẽ đỡ được cho gia đình gánh nặng học phí. Cô tâm sự: “Ngày mới vào trường, gia đình em phải chật vật lắm mới lo được cho em. Vì thế, em nghĩ mình phải làm gì đó để hàng tháng gia đình không phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn hay bán đi vài tạ lúa lấy tiền gởi xuống cho em.” Thế là, hành trình tìm việc làm thêm của Hà được bắt đầu bằng cách dò hỏi bạn bè và những người xung quanh.

Nhìn vào cuốn lịch nhỏ ghi chú của H.L, chàng sinh viên năm hai khoa liên kết, ngành quản trị kinh doanh (ĐHSP Quy Nhơn), tôi thấy thời gian biểu từ sáng đến tối dày đặc, không còn một chỗ trống. Gia đình L thuộc dạng khá giả, có đủ điều kiện để cậu yên tâm học hành, nhưng mỗi tối L vẫn tranh thủ sắp xếp để làm việc. Hiện, L đang là lễ tân của một khách sạn khá lớn ở Quy Nhơn.

* Cơ hội tự rèn luyện mình

Khi đặt câu hỏi: làm thêm vì nhu cầu thiết yếu hay chỉ là chạy theo phong trào, liệu việc làm thêm có ảnh hưởng gì đến chất lượng học tập, nhiều bạn sinh viên đã không ngần ngại thẳng thừng tuyên bố: làm thêm là để giảm bớt phần nào chi phí cho gia đình và cái chính là mình đã thực sự trưởng thành, thực sự tạo lập cho mình một cuộc sống tự lập, tự mình chịu trách nhiệm với chính bản thân. Tất nhiên, trong thời gian đầu, việc học cũng bị chi phối ít nhiều nhưng một khi đã chủ động thì có thể khắc phục và đi dần vào ổn định, không còn rơi vào tình trạng đuối sức. Ngọc Hà cho biết: “Tôi đi dạy, mỗi tháng cũng kiếm được 100.000 đến 150.000 đồng phụ cùng gia đình, hơn thế nữa qua đó, tôi có cơ hội áp dụng những kiến thức đã được học ở trường. Thật ra, những gì tôi tiếp thu được trong trường chỉ là một phần nhỏ không đáng gì so với thực chất nghề nghiệp. Khi mới tiếp xúc với công việc, tôi thấy mình khó trụ vững được nhưng bây giờ thì khỏe rồi, “vạn sự khởi đầu nan” mà”.

Bẵng đi vài tháng, tôi gặp lại cô bạn T.V. Vẫn gấp gáp, vừa học vừa chạy và có già dặn so với tuổi nhưng bù lại, cô nàng khoe đã học được hàng lô những điều nhà trường không có dạy. Khi tôi đặt vấn đề này với Đoàn trường ĐHSP Quy Nhơn, anh Dương Quang Thắng-Phó bí thư Đoàn trường cho biết: “Việc sinh viên đi làm thêm vì mục đích tiến bộ trong học tập và tạo tiền đề cho tương lai khi các bạn bước vào đời là điều mà xã hội khuyến khích. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng sự cổ vũ này mà bỏ bê việc học. Tình trạng sinh viên sau một thời gian làm thêm, thấy tiền nhiều, ham quá dẫn tới bỏ học cũng đã diễn ra ở nhiều trường. Riêng trường ĐHSP Quy Nhơn, vấn đề này được kiểm soát rất kỹ bằng cách tổ chức đánh giá gắt gao thái độ học tập mà cụ thể là kết quả thi cử cuối học kỳ nên nhiều năm qua vẫn chưa có tình trạng sinh viên lao theo việc đến nỗi bỏ học hoặc không theo được chương trình.”

Có thể thấy, sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống đang đòi hỏi thanh niên không chỉ vững vàng trong kiến thức mà còn tự mình tiếp thu lấy những kinh nghiệm thông qua thực tế công việc.

* Sinh viên làm thêm - mối quan tâm của xã hội

Việc sinh viên làm thêm không chỉ là điều đáng quan tâm của sinh viên, của  nhà trường mà còn mở rộng ra toàn xã hội. Phải làm gì để sinh viên vừa có cơ hội làm thêm vừa không bị sa đà hay sử dụng chất xám không đúng chỗ? Trong số đông sinh viên đang tự mình vận động, ai dám bảo đảm không có những điều đáng buồn đang xảy ra xung quanh chuyện này.

Lý giải tình hình này, anh Thắng cho biết: Cách đây hai năm, Hội sinh viên và Đoàn trường có tổ chức câu lạc bộ gia sư và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cách thức của trường chỉ mang tính chất giúp đỡ các học sinh nghèo nên khi một số trung tâm gia sư bên ngoài và do chính các bạn sinh viên tự mở ra rất mạnh thì câu lạc bộ lại chìm xuống. Hiện tại, đội sinh viên xung kích của trường dự kiến sẽ thành lập câu lạc bộ hướng nghiệp. Chúng tôi đang cố gắng bằng mọi cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị để có cơ sở nền tảng định hướng cho sinh viên trong việc làm thêm nhằm đảm bảo việc học của mình”.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dán keo xe - đẹp và xấu  (06/04/2003)
''Tình yêu khởi nguồn cho mọi sự sống''!  (04/04/2003)
Đưa Internet vào trường học   (03/04/2003)
Thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ có gì khác?  (02/04/2003)
Một cao nguyên để thương của Nguyễn Cường   (01/04/2003)
Phát hiện bằng chứng cổ nhất về ướp xác tại Ai Cập  (31/03/2003)
Vào đời bằng con đường đi vòng  (31/03/2003)
Hoa tiền  (30/03/2003)
Đối thoại với thầy hiệu trưởng   (28/03/2003)
Ôi cá tháng tư !  (28/03/2003)
Sinh viên với việc ở trọ: khó mà dễ  (27/03/2003)
Những ấn tượng khó quên  (27/03/2003)
Các mô hình hoạt động của Xã Đoàn Phước Sơn  (26/03/2003)
Hậu của Chat  (26/03/2003)
Những người luôn trẻ  (31/03/2003)