Thanh niên với công nghệ thông tin:
Từ một góc nhìn
17:47', 9/4/ 2003 (GMT+7)

Tin học trong đời sống hàng ngày

Công nghệ thông tin (CNTT) đã làm thay đổi tích cực cách thức chúng ta sống, học tập, làm việc; nó thúc đẩy sự phát triển các mối quan hệ xã hội, tạo ra hiệu quả và thúc đẩy tính sáng tạo cao hơn. Đồng thời nó cũng dựng lên trước mặt mỗi một cá nhân, doanh nghiệp, và cả cộng đồng nhiều thách thức trên những lĩnh vực nó thâm nhập đến.... Chính vì những lẽ như vậy mà các vấn đề liên quan đến CNTT đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là giới thanh niên. Đêm giao lưu “Thanh niên với Công nghệ thông tin” mà Trường ĐHSP Quy Nhơn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNTT (Cedasit), Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế (QUY NHƠN APTECH) tổ chức mới đây là một minh chứng.

Chủ đề CNTT không thu hút nhiều sinh viên tham gia (đêm giao lưu chỉ có chừng 250 – 300 sinh viên) nhưng phải nói rằng gần như mỗi một sinh viên đã đến với đêm giao lưu với những trăn trở của mình. Phương - một nữ sinh viên của lớp Tin 2 quê ở Phù Cát cho biết: “Theo dõi thông tin về nhu cầu tuyển dụng trên bình diện rộng, chúng tôi hy vọng rất nhiều về tương lai nghề nghiệp của mình. Đáng tiếc là ngay tại Bình Định khi muốn được nghe dự báo về nhu cầu nhân lực, lao động của tỉnh về CNTT chúng tôi chưa nhận được câu trả lời cụ thể, mặc dù đã có Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNTT. Chúng tôi hy vọng lần này sẽ được giải đáp một cách chi tiết". Không chỉ băn khoăn về những nhu cầu tầm xa, những vấn đề có tính vĩ mô, ngay trước mắt chính những sinh viên khoa Tin học của Trường ĐHSP QN cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề thoạt nhìn hết sức bình thường nhưng thật ra lại rất bức xúc. Quyên - một sinh viên của lớp Tin 2 quê ở An Nhơn cho biết: “Tài liệu phục vụ học tập của khoa Tin học nói riêng và của các vấn đề liên quan đến CNTT phải nói là rất đắt tiền. Thư viện của Trường ĐHSP khá lớn nhưng số lượng tài liệu không bao giờ đủ để sinh viên tham khảo. Đơn giản như tạp chí “Thế giới vi tính” thôi cũng không có đủ để đọc. Còn internet thì quá đắt tiền với sinh viên nếu sử dụng để học. Chúng tôi hy vọng từ những đêm giao lưu như thế này, giữa nhà trường và Cedasit sẽ xác lập những mối quan hệ để từ đó sinh viên sẽ có điều kiện tiếp cận với nhiều tài liệu học tập”. Thanh - một sinh viên quê ở Nghệ An “hiến kế”: “Internet là phương tiện học tập có hiệu quả rất cao. Nhờ đó mà một sinh viên có thể tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu ở khắp nơi trên mạng, có thể trao đổi thảo luận về những vấn đề mình quan tâm với nhiều dạng đối tác. Nên chăng tỉnh Bình Định thành lập những điểm truy cập cực rẻ hoặc miễn phí dành riêng cho sinh viên. Làm được như vậy cũng là một cách hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên”.

Đánh giá về thái độ và khả năng của thanh niên Bình Định trong việc tiếp cận với CNTT, anh Huỳnh Thanh Xuân – Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định phân tích: “Bình Định vừa ban hành một loạt chính sách hỗ trợ phát triển CNTT và dự án đầu tư đào tạo nhân lực CNTT. Một mặt tỉnh rất quan tâm, dành nhiều chế độ đãi ngộ đối với cán bộ CNTT có trình độ cao để thu hút họ về Bình Định công tác đào tạo. Mặt khác, vẫn xem công tác tạo nguồn tại chỗ là chiến lược lâu dài. Thời gian qua, Tỉnh Đoàn Bình Định cũng đã cố gắng kiến tạo một số sân chơi về CNTT cho thanh niên như cuộc thi tin học trẻ không chuyên, khuyến khích đoàn viên thanh niên tham gia những cuộc thi tin học cấp quốc gia. Trong chương trình công tác của mình, cả Đoàn lẫn Hội Thanh niên đều đưa ra mục tiêu đoàn viên thanh niên phải là những người ham học hỏi, làm chủ công nghệ tiên tiến tại nơi mình công tác… Những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các bạn sinh viên trong đêm giao lưu đã gợi mở cho chúng tôi nhiều vấn đề rất thú vị, có thể học tập triển khai”.

Hiếm có lĩnh vực nào lại có sức phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ may học tập, nâng cao tri thức cho con người như CNTT. Từ đêm giao lưu, thông tin về chủ trương chính sách của tỉnh về vấn đề khuyến khích phát triển CNTT một lần nữa lại “tuôn” về phía những người trẻ tuổi. Sinh viên ĐHSP QN nói riêng và thanh niên Bình Định nói chung đón nhận, thực hiện những chủ trương chính sách mới này như thế nào? Để có câu trả lời, chưa thể từ một vài hoạt động như đêm giao lưu kể trên. Nhưng điều mà chúng ta có thể chắc chắn là những trí thức trẻ, những người tiên phong của xã hội đã sẵn sàng để làm chủ lĩnh vực khoa học công nghệ này.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bạn đã làm gì để góp phần ổn định trật tự giao thông?  (08/04/2003)
Khoa Thanh: “Hãy cho tôi cơ hội…”  (09/04/2003)
Khi sinh viên làm thêm  (07/04/2003)
Dán keo xe - đẹp và xấu  (06/04/2003)
''Tình yêu khởi nguồn cho mọi sự sống''!  (04/04/2003)
Đưa Internet vào trường học   (03/04/2003)
Thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ có gì khác?  (02/04/2003)
Một cao nguyên để thương của Nguyễn Cường   (01/04/2003)
Phát hiện bằng chứng cổ nhất về ướp xác tại Ai Cập  (31/03/2003)
Vào đời bằng con đường đi vòng  (31/03/2003)
Hoa tiền  (30/03/2003)
Đối thoại với thầy hiệu trưởng   (28/03/2003)
Ôi cá tháng tư !  (28/03/2003)
Sinh viên với việc ở trọ: khó mà dễ  (27/03/2003)
Những ấn tượng khó quên  (27/03/2003)