Hai sinh viên Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trần Thanh Tịnh và Phan Thanh Tân đã nghiên cứu thành công đề tài sử dụng bùn đáy để hấp thụ các kim loại nặng, mở ra một giải pháp mới cho công nghệ xử lý nước thải. Đề tài được trao giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục – Đào tạo năm 2002.
Các khảo sát, thí nghiệm mà hai bạn sinh viên thực hiện đã chứng tỏ bùn có khả năng loại bỏ khá triệt để các kim loại nặng như đồng, niken... trong nước thải, hiệu suất xử lý đạt ở mức 95%. So với những phương pháp xử lý nước thải đang được sử dụng phổ biến ở nước ta như tạo kết tủa, lọc ly tâm, thẩm thấu ngược, khử ion hóa..., phương pháp dùng bùn để hấp thụ các chất kim loại nặng trong nước là một giải pháp thích hợp, hiệu quả cho công nghệ xử lý nước thải, đặc biệt ở nguồn nước dễ bị ô nhiễm gần khu công nghiệp tại các thành phố lớn. Không giống như các công nghệ xử lý khác, khi bùn đáy được sử dụng làm công nghệ hấp thụ sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể bởi bùn đáy là nguyên liệu có sẵn; quá trình vận hành công nghệ hấp thụ bùn đáy đơn giản, dễ thực hiện, không tốn nhiều công (vì các phương pháp khác phải tốn thêm chi phí tạo nguyên liệu hấp thụ nhân tạo).
Đề tài "Khảo sát khả năng hấp thụ của bùn đáy đối với một số ion kim loại" của Thanh Tịnh và Thanh Tân đã nhận được giải nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2002. Hiện tại, hai bạn đang tiếp tục nghiên cứu, thiết kế thử nghiệm một mô hình dây chuyền công nghệ xử lý bằng bùn đáy, để có thể mau chóng ứng dụng vào thực tế.
. (Theo báo Thanh niên)
|