Dạy sinh viên cái gì và dạy như thế nào
17:16', 14/4/ 2003 (GMT+7)

Tôi còn nhớ cách đây trên 30 năm, có một lần giáo sư Tạ Quang Bửu (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Đại học - Trung học chuyên nghiệp) đến nói chuyện với cán bộ giảng dạy trẻ chúng tôi tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ông nói: "Khối lượng kiến thức của sinh viên chúng ta ngày nay nhiều hơn Archimedes, nhưng có lẽ khả năng phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, nói chung là bản lĩnh khoa học không bằng Archimedes". Chúng tôi trăn trở với câu nói này và dần dần chiêm nghiệm thấy đúng. Giáo trình khoa học cơ bản chúng tôi dạy cho sinh viên, kể cả giáo trình chúng tôi đã học qua gần như là lịch sử của môn khoa học đó. Bắt đầu ra sao, ai đưa ra thuyết gì, trải qua suốt quá trình thuyết này bị thuyết kia thay thế như thế nào... Đúng là một khối lượng lịch sử về kiến thức của một ngành quá là đồ sộ càng ngày càng được bổ sung, phủ định lẫn nhau, cứ dài theo năm tháng mà chúng tôi cố nhồi nhét cho sinh viên chẳng khác chi "nhồi vịt để vỗ béo". Với cung cách chọn nội dung kiến thức như vậy, khó có quỹ thời gian đủ để truyền thụ những kiến thức mới đang phát triển như vũ bão và khó có thể nói đến đón đầu đi tắt...

Có lẽ chỉ cần dạy bản chất của việc phủ định lẫn nhau giữa các thuyết, những mốc chính đánh dấu sự tiến bộ, phát triển và dành thời gian cho những kiến thức đương đại, các trường phái đang đóng góp cho xu thế phát triển. Tóm lại việc chọn cái gì để dạy, để học là tối cần thiết nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong một biển trời kiến thức vô bờ bến hiện nay. Nếu không, chúng ta chỉ ngụp lặn vô vọng trong nó mà chẳng thấy bến bờ. Tôi đã từng nghe nhà văn hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, giới thiệu lịch sử Việt Nam từ thời Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh cho người nước ngoài một cách ngắn gọn, súc tích, khúc chiết, đầy đủ và rõ ràng chỉ trong 20 phút. Ông nói khả năng này ông có được thời trẻ đi học y khoa bên Pháp, giáo trình là những quyển sách dày cộp yêu cầu phải học trong vài ngày nên phải tóm tắt, nắm bắt những ý chính của giáo trình, cái thần của giáo trình mà nhờ đó sau này ông có khả năng tóm tắt, rút gọn, cô đặc một khối lượng kiến thức, thông tin đồ sộ về một lĩnh vực nào đó, tất nhiên là có cộng thêm sự thông minh bẩm sinh.

Lâu nay chúng ta cung cấp kiến thức cho sinh viên chỉ quan tâm nhiều đến đầu vào mà không quan tâm đến định hướng đầu ra - định hướng năng lực. Việc định hướng đầu ra phải dựa chủ yếu vào tư chất của sinh viên, thí dụ như chỉ số thông minh của từng cá thể (chỉ số IQ - intelligent quotient). Không nên có tư tưởng cào bằng. Kinh nghiệm cho thấy rằng nếu định hướng đầu ra - định hướng năng lực cho những người làm việc trong lĩnh vực cần nhiều sáng tạo (phát minh, sáng chế, đề xuất, tham mưu chiến lược...), nếu nghĩ rằng chỉ cần "nhồi nhét" nhiều kiến thức thì sẽ có đầu ra như dự kiến thì quả thật sai lầm. Ở các nước chủ trương đào tạo theo định hướng đầu ra - định hướng năng lực, họ mô phỏng theo ba mô hình đào tạo như sau:

Mô hình thứ nhất: Đào tạo người lái tàu hỏa (xe lửa), loại này yêu cầu có tính chấp hành cao, đi đúng giờ, đậu đúng ga, đến đúng giờ không cần nhiều tính linh hoạt.

Mô hình thứ hai: Đào tạo người lái tàu thủy yêu cầu đi đúng hải trình, biết xử lý các tình huống về thời tiết, sự cố trên biển, trên tàu và đến đúng cảng. Theo mô hình này, tính linh hoạt bắt đầu cao hơn đào tạo người để lái tàu hỏa.

Mô hình thứ ba: Đào tạo như đào tạo cầu thủ đá bóng, phải có năng khiếu tư chất, có kỹ thuật cơ bản, tư duy chiến lược, thay đổi lối đá tùy từng đối thủ... Mô hình này đào tạo những người ra làm việc rất linh hoạt, sáng tạo.

Tất nhiên sự mô phỏng, cũng là cách thí dụ so sánh, vì thế không tránh khỏi méo mó. Tuy nhiên nó cũng giúp ta có một cái nhìn khái quát về việc đào tạo theo định hướng đầu ra - định hướng năng lực mà xây dựng giáo trình tùy thuộc vào sự định hướng này. Bên cạnh đó, cách dạy cho sinh viên vẫn mang nặng tư duy ban phát kiến thức một chiều. Thầy giáo cứ nói, cứ giảng, sinh viên cứ nghe, không nghe mặc kệ. Cách giảng dạy như vậy được gọi là dạy thụ động. Ngày nay người ta thường áp dụng cách dạy tích cực. Thầy giáo đóng vai trò hỗ trợ viên (facilitator) đưa ra vấn đề gợi mở, sinh viên chia thành nhóm thảo luận, nhóm đưa ra những chính kiến của nhóm mình, trao đổi, tranh luận giữa các nhóm khác. Chân lý, những kết luận đúng thường bật ra trong khi trao đổi và tranh luận. Thầy giáo lúc này có trách nhiệm tổng hợp, xâu kết các ý kiến. Cách giảng dạy tích cực bắt sinh viên động não, trau dồi khả năng phản biện, rèn bản lĩnh tư chất khoa học, tư duy độc lập. Chính ở môi trường học, dạy tích cực dễ phát hiện được những cá thể ưu trội. Cũng qua cách giảng dạy tích cực bộc lộ người thầy (hỗ trợ viên) có đủ bản lĩnh hay không.

Mục đích cuối cùng của cách truyền thụ kiến thức và cách chọn khối lượng nội dung kiến thức là để tạo ra những con người có năng lực. Theo một định nghĩa, năng lực là cái gì đó cao hơn cả bằng cấp. Nó bao gồm: kỹ năng, kiến thức kinh nghiệm, các mối quan hệ của con người và trình độ văn hóa (hệ thống các giá trị) của một con người (văn hóa ở đây phải hiểu rộng không chỉ là học vấn, vì có người có học vấn nhưng không có văn hóa). Có một cách ẩn dụ, ví năng lực như một bàn tay đủ năm ngón. Ngón cái là kỹ năng, ngón trỏ là kiến thức, ngón giữa là kinh nghiệm, ngón đeo nhẫn là các mối quan hệ, còn ngón út là trình độ văn hóa theo nghĩa rộng của một con người (hệ thống các giá trị mà họ chấp nhận theo đuổi). Năm ngón hợp lại thành một bàn tay tượng trưng cho năng lực.

Dĩ nhiên năng lực có nhiều cấp độ, nhưng nếu đặt con người nào đó vào vị trí đúng với năng lực của mình thì chắc chắn anh ta sẽ dễ dàng thích nghi và xử lý tốt những vấn đề ở vị trí đó đặt ra.

. Diệp Văn Sơn - Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ

(Báo Tuổi trẻ)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lịch thi đại học, cao đẳng năm 2003  (14/04/2003)
Hai chàng sinh viên dùng bùn làm sạch nước thải  (13/04/2003)
Những Cascadeur trong …phòng thi  (10/04/2003)
Thiết kế thời trang: Nghề đang được giới trẻ yêu thích  (09/04/2003)
Rộn rã tháng tư  (09/04/2003)
Từ một góc nhìn  (09/04/2003)
Bạn đã làm gì để góp phần ổn định trật tự giao thông?  (08/04/2003)
Khoa Thanh: “Hãy cho tôi cơ hội…”  (09/04/2003)
Khi sinh viên làm thêm  (07/04/2003)
Dán keo xe - đẹp và xấu  (06/04/2003)
''Tình yêu khởi nguồn cho mọi sự sống''!  (04/04/2003)
Đưa Internet vào trường học   (03/04/2003)
Thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ có gì khác?  (02/04/2003)
Một cao nguyên để thương của Nguyễn Cường   (01/04/2003)
Phát hiện bằng chứng cổ nhất về ướp xác tại Ai Cập  (31/03/2003)