Khi sinh viên vay vốn
17:53', 15/4/ 2003 (GMT+7)

Tại Bình Định, chủ trương cho sinh viên vay vốn ngân hàng được triển khai từ năm 1995, với các quy chế, thủ tục theo quy định của Ngân hàng công thương Việt Nam. Có thể nói, đây là một cách làm thiết thực nhằm hỗ trợ cho những sinh viên nghèo ham học tiếp tục có điều kiện theo đuổi con đường của mình. Tuy nhiên, đã có không ít vướng mắc xuất hiện từ việc làm có nhiều ý nghĩa này.

* Vay vốn - lối thoát cho sinh viên nghèo:

Đi vay - đó là điều không ai mong muốn, nhưng với sinh viên nghèo lại là một lối thoát hiệu quả. Tại Bình Định, chủ trương cho sinh viên vay vốn ngân hàng được triển khai từ năm 1995, với các quy chế, thủ tục theo quy định của Ngân hàng công thương Việt Nam. Có thể nói, đây là một cách làm thiết thực nhằm hỗ trợ cho những sinh viên nghèo ham học tiếp tục có điều kiện theo đuổi con đường của mình. Đối tượng được vay vốn là sinh viên của trường Đại học sư phạm Quy Nhơn (ĐHSP QN) và trường Cao đẳng sư phạm Bình Định (CĐSP BĐ).

Trước đây, mức giải ngân cho mỗi sinh viên chỉ là 150.000đ/tháng. Kể từ khi có công văn 3265 CN - NHCTT6 ngày 15/10/2001, mức cho vay đã được tăng lên 2 triệu/năm, được chia thành hai đợt tương ứng với một năm học. 6 tháng sau khi ra trường, ngân hàng mới tính lãi suất 0,45%, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường. 2 triệu cho mỗi năm học không phải là nhiều nhưng cũng đủ để giúp nhiều sinh viên nghèo giải quyết trước mắt vấn đề tiền nong, thích nghi và ổn định dần cuộc sống. Một sinh viên trường CĐSP QN, quê tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Lúc mới vào trường, tôi gặp nhiều khó khăn, phần vì gia đình sống chủ yếu bằng nghề nông, phần các em tôi cũng đều đang học. Được nhà trường phổ biến qui chế và cách thức cho vay nên tôi đã mạnh dạn làm hồ sơ xin vay, lấy tiền trang trải chi phí học hành”.

Bình Định là nơi tập trung của sinh viên 19 tỉnh thành, nhưng chiếm đa số vẫn là sinh viên các tỉnh nghèo Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Do đó, số sinh viên có nhu cầu vay vốn là rất lớn. Từ năm 1995 đến nay, Ngân hàng công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Định đã tiến hành cho 1.660 sinh viên vay tiền, trong đó, trường ĐHSPQN có 1506 sinh viên và trường CĐSP BĐ 154 sinh viên.

Theo ông Huỳnh Quốc Tuấn - cán bộ Phòng kinh doanh Ngân hàng công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Định: “Vốn của ngân hàng chính là để đào tạo nguồn chất xám, đầu tư cho tương lai”. Vì thế, điều kiện để một sinh viên được vay vốn phải được thể hiện cụ thể thông qua kết quả học tập của học kỳ I hoặc năm học trước. Sinh viên thuộc diện chính sách hoặc có hộ khẩu thường trú trước khi nhập trường ở khu vực I phải đạt điểm trung bình chung mở rộng từ 5 điểm trở lên; sinh viên có hộ khẩu trường trú tại khu vực II phải đạt từ 6 điểm trở lên; sinh viên không thuộc diện chính sách và có hộ khẩu trường trú tại khu vực III phải đạt từ 7 điểm. Như vậy, để được hỗ trợ vốn học tập, sinh viên bắt buộc phải đạt loại khá giỏi. Nói về những tiêu chuẩn này, bạn Hữu Luân, quê ở huyện Ngư Thủy, tỉnh Quảng Bình, tâm sự: “Các anh chị đều lập nghiệp ở xa, nhà chỉ còn lại hai ông bà già nên mình phải cố học vừa để cho mình vừa để lần sau còn đủ điều kiện vay vốn học tập”. Và cứ thế, bốn năm liền như một chất men kích thích chàng trai xứ biển này vươn lên giành tấm bằng đỏ chói làm hành trang cho mình vào đời.

* Vẫn còn nhiều bất cập:

Bất cập lớn nhất chính là sự không nhất quán giữa ngân hàng và các cơ quan quản lý sinh viên: nhà trường, địa phương và gia đình. Hồ sơ vay vốn của sinh viên phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục: giấy đề nghị vay vốn, cam kết của phụ huynh và xác nhận của địa phương. Tuy nhiên, không ít vướng mắc lại xuất hiện từ đây.

Trong số 1.660 hồ sơ, hiện nay, số sinh viên còn nợ ngân hàng là 1300 với tổng vốn khoảng 2,6 tỷ đồng. Sau 6 tháng ra trường, ngân hàng bắt đầu gởi giấy báo nợ về địa phương và gia đình thì… bật ngửa vì không thể đòi được nợ. Hiện tại, mỗi tháng ngân hàng phải viết trên 500 giấy báo nợ/lần thông báo. Khổ nhất vẫn là sinh viên học theo hệ liên kết và sinh viên ngoại tỉnh vì nhà trường chỉ quản lý trong thời gian học, còn sau đó thì ngân hàng phải tự theo dõi. Có thể kể ra đây đủ trăm ngàn lí do, trong đó có việc không xác định được địa chỉ thật của nhiều sinh viên. Có địa phương tiếp nhận giấy báo rồi lại trả về cho ngân hàng với dòng nhắn không tìm được người có tên trong giấy. Còn trường hợp sinh viên ra trường, đi lập nghiệp xa, cả ngân hàng lẫn nhà trường, địa phương không quản lý được không phải ít.

Ông Huỳnh Quốc Tuấn đã đưa cho tôi xem 2 bộ hồ sơ có tên Bích và Đạo, sinh viên trường ĐHSPQN khóa học 1996 - 2000. cả hai đều ở Tây Sơn, Bình Định, nhưng đòi mãi không thấy hồi âm gì nên ngân hàng quyết định về tận nơi tìm hiểu thì được biết sau khi ra trường, địa phương không rõ hai sinh viên này đã chuyển đi đâu. Hoặc nếu có biết cũng là những dòng địa chỉ “mập mờ” kiểu như trường hợp Huỳnh Thị Thu Dung - đang dạy học tại Kon Tum. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh không hiểu vô tình hay cố ý phớt lờ mọi việc làm của con em mình. Vì thế, mới có tình trạng con vay vốn nhưng cha mẹ lại “Không biết gì về chuyện này cả. Bây giờ, nó đi làm xa, gia đình đâu biết chính xác mà nói”. Đã thế, nhiều sinh viên bị kỷ luật hoặc tự ý bỏ học nhưng nhà trường không thông báo đến khi ngân hàng làm việc thì hỡi ôi, đành phải… bắc thang lên hỏi ông trời.

Chính những sự bất cập trên đã hạn chế phần nào việc sử dụng vốn ngân hàng cho sinh viên vay. Khi được hỏi về cách giải quyết, theo ông Huỳnh Quốc Tuấn thì “chỉ có thể kêu gọi tính tự giác của mỗi sinh viên mà thôi”. Mong rằng, bên cạnh những sinh viên có ý thức tự giác cao, những bạn sinh viên còn lại được vay vốn cũng cần tự giác hoàn vốn lại cho ngân hàng khi đến hạn, bởi chính nhờ vào những đồng vốn vay ấy, các bạn mới có thêm điều kiện để hoàn tất 4 năm Đại học của mình rồi tung cánh vào đời.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dạy sinh viên cái gì và dạy như thế nào  (14/04/2003)
Lịch thi đại học, cao đẳng năm 2003  (14/04/2003)
Hai chàng sinh viên dùng bùn làm sạch nước thải  (13/04/2003)
Những Cascadeur trong …phòng thi  (10/04/2003)
Thiết kế thời trang: Nghề đang được giới trẻ yêu thích  (09/04/2003)
Rộn rã tháng tư  (09/04/2003)
Từ một góc nhìn  (09/04/2003)
Bạn đã làm gì để góp phần ổn định trật tự giao thông?  (08/04/2003)
Khoa Thanh: “Hãy cho tôi cơ hội…”  (09/04/2003)
Khi sinh viên làm thêm  (07/04/2003)
Dán keo xe - đẹp và xấu  (06/04/2003)
''Tình yêu khởi nguồn cho mọi sự sống''!  (04/04/2003)
Đưa Internet vào trường học   (03/04/2003)
Thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ có gì khác?  (02/04/2003)
Một cao nguyên để thương của Nguyễn Cường   (01/04/2003)