Chí Nghĩa - Học giỏi và thích tình nguyện
17:56', 23/4/ 2003 (GMT+7)

Nguyễn Chí Nghĩa

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Tổng khi Nguyễn Chí Nghĩa (sinh năm 1982) con trai thứ hai của ông chuẩn bị lên đường du học tại Nhật Bản. Năm trước em trai Nghĩa là Nguyễn Chí Hiếu cũng đã đi du học tại Anh quốc.

Khi còn là học sinh trường Quốc học Quy Nhơn, năm nào Nghĩa cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Tốt nghiệp phổ thông, Nghĩa thi vào 3 trường đại học (ĐHSP Quy Nhơn, ĐH Ngoại thương TP Hồ Chí Minh và ĐH dân lập Văn Lang) đều đậu cả ba và là thủ khoa cuả trường ĐHSP Quy Nhơn với số điểm gần như tuyệt đối về môn Tiếng Anh (9,5/10). Chọn Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh, khoa Kinh tế đối ngoại, Nghĩa muốn thử sức mình với một ngoại ngữ khác- tiếng Nhật. Và đây cũng là điều kiện để Nghĩa tiếp nhận cơ hội du học Nhật Bản khi đang học năm thứ ba. Nghĩa cho biết, các giáo sư trường Đại học Luật và quản trị Kinh doanh của Nhật đến trường để tuyển du học sinh Việt Nam đã bị Nghĩa chinh phục bằng khả năng nói tiếng Nhật lưu loát; càng bất ngờ hơn khi biết Nghĩa nói tiếng Anh còn giỏi hơn tiếng Nhật… Thế là, Nghĩa được xem như một trường hợp đặc biệt, được “chuyển ngang” sang học tiếp năm thứ ba đại học tại trường này. Ngày 16-4, Nghĩa đã bay sang Nhật để học tiếp 2 năm đại học với học bổng 10.000 USD/năm.

Ông Nguyễn Tổng, ba của Nghĩa nhận xét: “Nếu Hiếu sống theo chiều sâu thì Nghĩa là chiều rộng.” Thật vậy, hồi còn đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh, Nghĩa đã rất “ưa” các hoạt động xã hội. Cuối năm 2001 vừa qua, Nghĩa được chọn làm “đại sứ” sang Nhật tham dự chương trình giao lưu văn hóa Việt- Nhật. Tháng 4-2002, Nghĩa lại đăng ký làm tình nguyện viên thông dịch cho khách du lịch trong Lễ hội văn hóa đất phương Nam. Mùa hè năm 2002, Nghĩa có mặt ở Bến Tre trong chiến dịch “Mùa hè xanh”. Cuối năm 2002, Nghĩa đã đứng ra thành lập nhóm thanh niên tình nguyện “Vì SEA Games 22” với mong muốn mang đến cho bạn bè thế giới một “ấn tượng Việt Nam” trẻ trung, hiếu khách và rất năng động... Nhóm của Nghĩa có 37 thành viên do Nghĩa làm nhóm trưởng. Ngoài khả năng ngoại ngữ, các thành viên trong nhóm phải có kiến thức về nền văn hóa Việt Nam và các nước bạn để hướng dẫn, cung cấp những thông tin cần thiết cho du khách trong thời gian diễn ra SEA Games. Nhiều hoạt động của nhóm đã được triển khai dưới sự “chỉ đạo” của người trưởng nhóm năng động.

Tôi hỏi: “Đi du học tại Nhật, nhóm tình nguyện Vì SEA Games của Nghĩa sẽ ra sao?” Nghĩa nở nụ cười rất hiền: “Đành phải gởi gắm lại cho bạn!”. Tạm biệt Nghĩa, tôi nhớ mãi lời tâm sự của chàng trai đất Quy Nhơn này: “Tình nguyện là tự nguyện và niềm vui, đem những điều học được từ sách vở đến với cuộc sống. Và cuộc sống sẽ cho lại ta sự trưởng thành”.

. Ngọc Quỳnh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trường nghề - Thêm một cơ hội để bạn trẻ chọn lựa   (21/04/2003)
Những quan niệm của giới trẻ về vấn đề tình dục thời hiện đại  (20/04/2003)
Sinh viên bắt trộm  (17/04/2003)
Đừng là người đứng bên lề  (17/04/2003)
Khi sinh viên vay vốn  (15/04/2003)
Dạy sinh viên cái gì và dạy như thế nào  (14/04/2003)
Lịch thi đại học, cao đẳng năm 2003  (14/04/2003)
Hai chàng sinh viên dùng bùn làm sạch nước thải  (13/04/2003)
Những Cascadeur trong …phòng thi  (10/04/2003)
Thiết kế thời trang: Nghề đang được giới trẻ yêu thích  (09/04/2003)
Rộn rã tháng tư  (09/04/2003)
Từ một góc nhìn  (09/04/2003)
Bạn đã làm gì để góp phần ổn định trật tự giao thông?  (08/04/2003)
Khoa Thanh: “Hãy cho tôi cơ hội…”  (09/04/2003)
Khi sinh viên làm thêm  (07/04/2003)