Ai giúp bạn chọn trường, chọn nghề ?
17:58', 23/4/ 2003 (GMT+7)

Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thi vào ĐH vừa kết thúc. Những nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 được ghi trong hồ sơ sẽ quyết định con đường tương lai của rất nhiều bạn. Thế nhưng, qua một mùa tuyển sinh nữa mới thấy vai trò tư vấn cho học sinh khi chọn trường, chọn nghề để thi vào ĐH, CĐ, THCN của những người làm công tác giáo dục ở ta vẫn còn rất mờ nhạt.

n Chọn trường, chọn ngành: nhiều lý do

Cẩm Nhung (học sinh lớp 12A3 trường THPT Tuy Phước I) năm nay đăng ký thi vào Khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM. Bạn lý giải về sự chọn lựa của mình là: “Tôi thấy mình có khả năng trong lĩnh vực này, mà học ngành này ra trường cũng dễ tìm việc làm”. Ngược lại, Trần Duy Hưng, cũng học lớp 12 cùng trường với Cẩm Nhung thì thi vào ĐH An ninh nhưng với một lý do hoàn toàn khác: “Nhà Hưng có chú làm trong ngành Công an nên ba má và chú muốn hướng Hưng đi thế, chứ thực ra Hưng thích học bên ngành công nghệ thông tin hơn”. Như vậy, một bên là tự chọn theo khả năng và nguyện vọng của mình; một bên là phải theo ý kiến của gia đình. Cả hai đều cho biết trường các bạn có hướng dẫn học sinh cách làm hồ sơ, cách ghi nguyện vọng và giới thiệu các trường có nhiều chỉ tiêu. Còn việc chọn học ngành nào, trường nào thì hoàn toàn là qua tìm hiểu ở sách báo; hỏi các anh chị đi trước; theo ý của người thân và tự bản thân quyết định.

Tại Trung tâm luyện thi ĐH Quy Nhơn, bạn Hữu Thịnh (cựu học sinh trường THPT Hùng Vương) cho biết: “Năm trước, gia đình bảo tôi thi vào Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, nhưng tôi không đậu. Năm nay, tôi đăng ký thi vào trường Công nhân kỹ thuật. Bây giờ, thị trường cần thợ chứ ít cần thầy, học ĐH ra chưa chắc gì đã có việc làm…”

Cũng đang ôn thi như Thịnh, bạn Trần Thị Hạnh vẫn chọn khoa địa lý ngành Sư phạm vì một lý do khá đơn giản: bạn học không khá nên sợ thi vào sư phạm văn hay sử sẽ không đậu vì tỉ lệ chọi cao, hơn nữa đó cũng là ý muốn của gia đình bạn. Còn Kim Loan, quê Phù Cát, đang ôn thi ĐH ở Quy Nhơn thì cho biết lý do bạn đăng ký thi vào trường CĐSP Bình Định là: “Từ khi học lớp 7, tôi rất thích cô giáo dạy văn của mình. Mặt khác, so với bạn bè, tôi thấy mình cũng có chút khả năng văn học nên tôi muốn trở thành giáo viên văn”. Tuy nhiên, khi được hỏi bạn có chuẩn bị một kế hoạch nào, ví dụ đi học nghề gì nếu thi trượt ĐH thì Loan lúng túng: “Tôi cũng không biết là nếu rớt ĐH thì mình sẽ làm gì, vì tôi chẳng biết hỏi ai để được tư vấn về chuyện này cả”.

Mặt khác, ở nông thôn hiện vẫn đang phổ biến tâm lý phụ huynh thích con cái mình thi vào sư phạm vì ra trường dễ xin việc làm (?!), hơn nữa học sư phạm thì không phải nộp học phí. Vì thế, có không ít bạn cứ nộp đơn thi vào sư phạm mà không thực sự hiểu mình có khả năng trong công việc này hay không.

n Để có sự lựa chọn đúng cho tương lai

Qua tham khảo ý kiến của nhiều học sinh chuẩn bị thi ĐH, CĐ, THCN, chúng tôi nhận thấy rằng các bạn thiếu rất nhiều thông tin về yêu cầu của thị trường lao động để giúp mình đánh giá và lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và đáp ứng yêu cầu. Những thông tin như: nhu cầu về tuyển dụng lao động của các ngành nghề, tình hình việc làm của số HS, SV tốt nghiệp các trường ĐH, THCN&DN, cũng như việc dự báo về nhu cầu việc làm trong tương lai… không nhiều.

Mặt khác, vai trò định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh của bộ môn giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông dường như bị bỏ ngỏ. Hiện nay, các trường chỉ dạy nghề cho học sinh khối 8 và khối 11. Học từ hai khối này có lợi cho học sinh chuẩn bị lên khối 9 và 12 là... được cộng điểm vào điểm thi tốt nghiệp. Có lẽ, mục đích chính chỉ là vậy nên dẫn đến tính hình thức trong việc học nghề ở các cấp phổ thông, một số học sinh và phụ huynh xem nhẹ việc học nghề.

Từ đó, một điều dễ thấy là nhiều bạn lựa chọn ngành nghề để thi chỉ theo cảm tính: thấy trường nào, ngành nào có nhiều chỉ tiêu, mang tính thời thượng thì chọn thi vào chứ hoàn toàn không căn cứ vào những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra của xã hội cũng như sở trường, năng lực của mình.

Cô Phạm Thị Liệu – GV Trường Quốc học Quy Nhơn nhận xét: “Tôi thấy ở nhiều trường, việc tư vấn cho học sinh thuộc về các thầy cô giáo có nhiệm vụ nhận hồ sơ dự thi của các em, và họ chỉ dừng lại ở mức hướng dẫn thí sinh ghi hồ sơ dự thi sao cho đúng, chứ chưa thật sự là tư vấn nghề nghiệp. Còn dưới góc độ phát hiện thiên hướng cá nhân và giúp học sinh định hướng việc chọn trường, chọn nghề cho tương lai cũng chỉ diễn ra với tư cách cá nhân, giữa thầy cô với một vài học sinh, chứ chưa mở rộng hơn”.

Nhưng đồng thời với việc hướng nghiệp, tư vấn, hướng dẫn học sinh chọn nghề nghiệp trong tương lai, việc tư vấn cho học sinh tự trang bị cho mình khả năng thích ứng khi cánh cửa trường ĐH không mở ra trước mặt cũng là rất cần thiết. Vấn đề “ĐH có phải là con đường duy nhất để tiến thân không?” năm nào cũng được nhắc lại trong các kỳ thi tuyển sinh, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Trong khi chờ các đợi các chính sách cải cách mang tính vĩ mô của cả đất nước như: chuyển hướng mạnh mẽ chiến lược công nghiệp hóa để tạo ra nhu cầu lớn về nghề nghiệp, về lao động có trình độ THPT; tinh giản nhanh bộ máy quản lý cồng kềnh làm việc thiếu hiệu quả… thì việc cổ vũ, kêu gọi mọi người trở lại với tinh thần "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" là điều cần thiết.

. Bích Sương - Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chí Nghĩa - Học giỏi và thích tình nguyện  (23/04/2003)
Trường nghề - Thêm một cơ hội để bạn trẻ chọn lựa   (21/04/2003)
Những quan niệm của giới trẻ về vấn đề tình dục thời hiện đại  (20/04/2003)
Sinh viên bắt trộm  (17/04/2003)
Đừng là người đứng bên lề  (17/04/2003)
Khi sinh viên vay vốn  (15/04/2003)
Dạy sinh viên cái gì và dạy như thế nào  (14/04/2003)
Lịch thi đại học, cao đẳng năm 2003  (14/04/2003)
Hai chàng sinh viên dùng bùn làm sạch nước thải  (13/04/2003)
Những Cascadeur trong …phòng thi  (10/04/2003)
Thiết kế thời trang: Nghề đang được giới trẻ yêu thích  (09/04/2003)
Rộn rã tháng tư  (09/04/2003)
Từ một góc nhìn  (09/04/2003)
Bạn đã làm gì để góp phần ổn định trật tự giao thông?  (08/04/2003)
Khoa Thanh: “Hãy cho tôi cơ hội…”  (09/04/2003)