Phản hồi từ bài Khi sinh viên được vay vốn
16:59', 25/4/ 2003 (GMT+7)

Sau khi bài viết Khi sinh viên vay vốn đăng trên Báo Bình Định điện tử (cập nhật ngày 15-4-2003), Báo Bình Định có nhận được ý kiến phản hồi của một số bạn đọc. Trong đó đáng lưu ý là ý kiến của một bạn đọc có địa chỉ ngtuongthanh@yahoo.com. Bạn ngtuongthanh cho rằng, từ 2 năm gần đây, Ngân hàng công thương chỉ cho sinh viên sư phạm vay, còn sinh viên các ngành liên kết và tổng hợp thì không được vay, đó là một điều chưa hợp lý.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Bành Thị Ngọc Sương, Giám đốc Ngân hàng công thương Bình Định.

* Xin bà có thể nói rõ hơn về vấn đề mà bạn đọc ngtuongthanh đã nêu?

+ Bà Bành Thị Ngọc Sương: Thực hiện chủ trương cho vay đối với học sinh, sinh viên (HSSV) các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Ngân hàng công thương Bình Định đã tiến hành triển khai chủ trương này từ năm 1995 và chính thức thực hiện từ năm 1997. Đối tượng được vay là HSSV hai trường: Đại học sư phạm Quy Nhơn (ĐHSP QN) và Cao đẳng sư phạm Bình Định (CĐSP BĐ). Nếu sinh viên hội đủ các điều kiện cần có như: điểm học tập, đơn xin vay, xác nhận của địa phương và cam kết của đại diện gia đình hoặc người đỡ đầu hợp pháp của HSSV thì được vay vốn tín dụng học tập. Như vậy, vốn vay này dành cho mọi HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang học tập trên địa bàn tỉnh (không phân biệt ngành sư phạm hay liên kết).

Tuy nhiên, qua một thời gian hoạt động đã xảy ra một số vướng mắc trong khâu quản lý đối với HSSV học theo hệ liên kết ở trường ĐHSP QN. Khóa học của các HSSV này được chia thành 2 giai đoạn: tại Quy Nhơn và Hà Nội. Khi vào giai đoạn 2, nhà trường không quản lý được thời gian sinh viên thi tốt nghiệp và ra trường, do đó không thể định kỳ hạn nợ. Trong khi đó, sinh viên ra trường không bị ràng buộc nhiều về nghề nghiệp như sinh viên ngành sư phạm nên không xác định cụ thể địa chỉ liên hệ. Ngân hàng đã nhiều lần gởi giấy báo về địa phương, nhưng địa phương lại không biết số sinh viên này đang lập nghiệp ở đâu. Vì thế, trong hai năm gần đây, Ngân hàng đã tạm dừng việc cho vay vốn tín dụng đối với SV theo hệ này.

* Hiện nay, SV các ngành liên kết và tổng hợp tại trường ĐHSP QN ngoài chi phí học tập, sinh hoạt còn phải nộp một khoản học phí khá cao nên nhu cầu vay vốn là rất lớn. Vậy, Ngân hàng có tính đến việc sẽ giải ngân trở lại để tạo điều kiện cho SV học tập được tốt hơn?

+ Chúng tôi rất muốn giải ngân cho SV các ngành trên, nhưng phải có sự đồng ý của Ngân hàng công thương Việt Nam thì mới tiếp tục được. Tuy nhiên, nếu giữa Ngân hàng và các đơn vị quản lý SV (nhà trường, địa phương) cùng với gia đình có sự phối hợp chặt chẽ hơn, bản thân SV thật sự nghiêm túc và có tính tự giác trong việc thực hiện bản cam kết hoàn trả vốn vay sau thời gian ra trường 5 năm (bằng thời gian học ở trường) thì theo tôi, các SV có thể được xem xét để vay vốn, phục vụ mục đích học tập của mình.

Tôi cũng xin nói thêm, kể từ ngày 1-1-2003, Ngân hàng chính sách xã hội Bình Định là đơn vị chịu trách nhiệm giải ngân cho các đối tượng nằm ở diện cần vay vốn, trong đó có HSSV.

* Xin cảm ơn bà!

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm giàu cho mình là lý tưởng ?  (24/04/2003)
Ai giúp bạn chọn trường, chọn nghề ?  (23/04/2003)
Chí Nghĩa - Học giỏi và thích tình nguyện  (23/04/2003)
Trường nghề - Thêm một cơ hội để bạn trẻ chọn lựa   (21/04/2003)
Những quan niệm của giới trẻ về vấn đề tình dục thời hiện đại  (20/04/2003)
Sinh viên bắt trộm  (17/04/2003)
Đừng là người đứng bên lề  (17/04/2003)
Khi sinh viên vay vốn  (15/04/2003)
Dạy sinh viên cái gì và dạy như thế nào  (14/04/2003)
Lịch thi đại học, cao đẳng năm 2003  (14/04/2003)
Hai chàng sinh viên dùng bùn làm sạch nước thải  (13/04/2003)
Những Cascadeur trong …phòng thi  (10/04/2003)
Thiết kế thời trang: Nghề đang được giới trẻ yêu thích  (09/04/2003)
Rộn rã tháng tư  (09/04/2003)
Từ một góc nhìn  (09/04/2003)