Có một bút nhóm thơ, văn dành cho những bạn trẻ khuyết tật. Và những tác phẩm thơ, văn được viết ra từ những khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống, như những đóa hoa xương rồng, biết vươn lên mạnh mẽ từ đất cát cằn khô…
Bút nhóm chỉ gồm 9 thành viên, là những bạn học sinh khuyết tật đang học nghề tại Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga (Quy Nhơn). Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng có một điểm chung: họ gặp nhiều khó khăn hơn so với những bạn trẻ khác trên con đường vào đời.
Các bạn trẻ này đã đến với việc viết lách thật tự nhiên và tình cờ. Đầu tiên, chỉ như những trang nhật ký, những mẩu tâm sự viết vội một cách cảm tính và thô sơ, như chỉ dành cho riêng mình. Rồi cách đây hơn một năm, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ cơ sở dạy nghề, đã có ý tưởng thành lập một bút nhóm, dành cho các bạn trẻ yêu văn thơ tại cơ sở. Bút nhóm ra đời từ đó. Hoa xương rồng, một loài hoa biết chắt chiu nhựa sống từ đất đai khô cằn, đã được chọn làm tên của bút nhóm. Cái tên như một lời tự động viên: hãy vươn lên từ cuộc sống gian khó, vượt qua triền dốc số phận và vững bước vào đời.
Mỗi tuần một lần, anh Nguyễn Thanh Xuân, người hướng dẫn của bút nhóm, lại đến sửa bài, chia sẻ cùng các bạn những nghĩ suy về văn chương và cuộc đời. Tất nhiên, không thể thiếu những buổi sinh hoạt, đọc thơ cho nhau nghe thật sôi nổi. Một bạn trẻ trong bút nhóm tâm sự: “Mỗi khi có sáng tác mới là tụi mình lại đọc cho cả phòng cùng nghe, cùng chia sẻ”.
Không có tham vọng làm nghệ thuật, với những bạn trẻ này văn chương chỉ như một cách để thổ lộ lòng mình, nói hộ những tâm sự rất thực của họ với cuộc đời. Không có điều kiện đến trường, đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa khác, kiến thức có chỗ, có lúc còn bị hẫng hụt; nhưng bù lại, cuộc đời đã ban tặng cho những bạn trẻ này một trái tim thật nhạy cảm. Nhạy cảm và lo nghĩ về những nỗi đau, phần nhiều là của người khác, cho người khác hơn là cho bản thân mình. Anh Nguyễn Thanh Xuân cho biết: “Tôi vẫn thường tâm sự với các bạn rằng: kiến thức là cái có thể học được, bằng nhiều con đường khác nhau. Nhưng sự nhạy cảm thì không ai dạy được. Hãy lắng nghe và đọc cuộc sống từ trái tim mình”.
Bây giờ thì trước mắt tôi là bản thảo tuyển tập thơ văn Phía trước là bầu trời vừa được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép, kết tinh thành quả từ hơn một năm chuyên tâm sáng tác của 9 thành viên bút nhóm. Nếu Những vì sao mơ ước (Nguyễn Thị Thúy Hoa), Phía trước là bầu trời (Yến Hòa)… như những tâm sự rút ra từ những trải nghiệm của đời mình, thì Bạn tôi (Đặng Thành Tâm), Một đôi (Nguyễn Thị Tuyết), Khát sống (Anh Đào)… lại là những sẻ chia dành cho những số phận bất hạnh khác. Câu chữ khá giản dị, mộc mạc, hồn nhiên; dành chỗ cho những tình cảm, khát vọng bình dị, những lo nghĩ cho người khác, những nghĩ suy về cuộc đời… Vẫn là trăng/Dẫu tròn hay khuyết,/Sáng lung linh/Như đôi mắt em nhìn/ Nghe tiếng gió rì rào chiếc lá./Nghe nỗi niềm/Qua nhịp đập trái tim/ Em vẫn nói/ Bằng lời cử chỉ,/ Tôi lặng im/ Nghe bằng mắt em ơi… (Nói với em- Phạm Ánh).
Điều đáng ngạc nhiên là trong toàn bộ tập thơ - văn, câu chữ chỉ sáng lên bằng tình yêu đời, dạt dào khát khao giao cảm với cuộc đời. Tất cả những bi quan, hay tuyệt vọng không có chỗ trong tâm hồn của các bạn. Có lẽ, chính bằng những tác phẩm đầu tay như vậy, có khi mới chỉ ở dạng bản thảo nằm trong tập sách, cuốn vở của các bạn, nhưng đã giúp cho các bạn thật nhiều tự tin, thật nhiều niềm vui sống, thật nhiều ước mơ, khi phía trước họ là bầu trời.
Họ đã viết, thật tự tin, rằng: “Tôi vững tin bước đi về phía bầu trời ấy… Bầu trời tương lai của cuộc đời tôi” (Phía trước là bầu trời- Yến Hòa).
. Lê Viết Thọ
|