- Ăn… như Pháp, mà giờ này còn lăn ra ngủ!
Tiếng la mắng của bà hàng xóm dành cho đứa con lười biếng đã xé tan màn sương buổi sớm ở quê tôi. “Như Pháp” là một từ ngữ đã trở thành quá quen thuộc với cả cái vùng quê này. Tôi cố gắng tìm tòi, dọ hỏi mãi mà chẳng lần ra được xuất xứ của nó. Và, cũng chẳng biết nó đã du nhập vào vùng quê này từ bao giờ. Chỉ biết rằng nó đang ung dung “bén rễ” tại đây. Xin nêu ra một số ví dụ điển hình như sau:
Một hôm trong tiệm hớt tóc, mặc dù đến trước, nhưng tôi đã nhường lượt của mình cho một người đã luống tuổi. Để tỏ lòng, ông ta bắt tay tôi và nói:
- Cảm ơn em, em lịch sự… như Pháp!
Dạo nọ, trong một buổi tiệc cưới, tôi cố gắng trả lời một câu đố khó. Lập tức được người ra đố “thưởng” ngay một câu:
- Anh thông minh… như Pháp!
Hôm trước, tôi có dịp mục kích cuộc trao đổi giữa hai vị phụ huynh học sinh. Một phụ huynh than vãn, thở dài:
- Thằng Tý nhà tôi nó học dở… như Pháp!
Mới hôm qua đây thôi, tôi chở vợ đi chợ. Trong lúc chờ đợi, tôi lại vừa kịp chứng kiến cảnh kẻ mua, người bán mặc cả với nhau. Có lẽ vì bực mình với “thượng đế”, bà bán hàng gắt gỏng:
- Hàng tốt như thế này, mà trả rẻ… như Pháp!
Qua đó đủ thấy rằng từ “như Pháp” đã trở nên “loạn trào” ở vùng này. Một số người coi nó như một thứ từ đệm, luôn đi sau những nhận xét, đánh giá. Vô hình chung đã làm cho những nhận xét, đánh giá đó trở nên vô nghĩa, phản tác dụng, mà hầu như họ không hề hay biết. Đáng tiếc, có một số ít người được coi là “học hành đến nơi, đến chốn” mà vẫn sử dụng nó một cách thản nhiên… như Pháp!
May thay, hình như chưa có người Pháp nào rành tiếng Việt lui tới vùng này. Nếu không lại sẽ… buồn như Pháp (!)
. Phạm Văn Sang
(HTX NN 2 Cát Hanh – Phù Cát)
|