|
Hội thi hút nước tại trường ĐHSP Quy Nhơn nhân kỷ niệm ngày 26-3 |
Trong một bài trả lời phỏng vấn Báo Sinh viên Việt Nam, Giáo sư Hoàng Tụy đã phân tích một cách rõ ràng và thú vị về vấn đề bản lĩnh của thanh niên thời nay. Dành cho bạn trẻ xin giới thiệu cùng các bạn một trong những vấn đề được đề cập trong bài phỏng vấn.
Để trả lời câu hỏi “Nhiều người thuộc các thế hệ trước thường chê rằng thanh niên ngày nay chạy theo vật chất, sống thiếu lý tưởng, không có bản lĩnh. Điều ấy có đúng không?”, Giáo sư Hoàng Tụy đã lý giải:
- Quả có một số như vậy, nhưng rất may, họ không phải là tiêu biểu. Bất cứ xã hội nào, bất cứ thời nào cũng có những người muốn hưởng thụ, chạy theo vật chất một cách mù quáng. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu ở ta có một số người (không phải chỉ thanh niên) coi vật chất và cá nhân quan trọng trên hết. Phần nào đó cũng là phản ứng tự nhiên khi một giai đoạn dài mấy chục năm mọi người phải tập trung cho mục tiêu cao nhất là chiến thắng ngoại xâm, tạm gác lại tất cả những gì riêng tư của cá nhân, rồi dần dần cách nghĩ ấy, cộng thêm tư tưởng cực đoan, máy móc, làm cho con người sống không thật. Sau đó, chuyển qua thời bình, xu hướng khó tránh là nhảy sang cực đoan khác, tôn thờ vật chất và cá nhân quá đáng, mà hiện tượng này, rất đáng tiếc, lại diễn ra trước hết và trầm trọng nhất ở một số không ít những người nay đã trở thành cha chú, thế thì làm sao khỏi ảnh hưởng đến thanh niên. Do đó theo tôi nghĩ, nên bình tĩnh xem xét lại cơ chế quản lý xã hội của ta, có gì chưa thuận, chưa thích hợp cần sửa đổi. Ở đây không phải là thanh niên, mà là cái cơ chế không thuận, đã dần dần hình thành trong xã hội một thang giá trị sai lệch, khiến cho cái đáng trọng bị ruồng bỏ, cái không đáng trọng lại lên ngôi.
Mặt khác cũng cần có cái nhìn rộng lượng, không nên khắt khe, hẹp hòi, vì thanh niên có những nhu cầu riêng của tuổi trẻ. Họ phải sống thoải mái chứ không thể gò bó như các thế hệ trước. Họ phải sống thật, dù cái thật ấy cần có giới hạn. Họ phải quan tâm đến đời sống vật chất, họ phải thấy rõ hơn chúng tôi là "nghèo" dễ đi đôi với "hèn", họ phải có gan, có chí muốn làm giàu, muốn giỏi, muốn nổi tiếng, họ phải "chịu chơi", phải mạo hiểm, chứ không thể rụt rè, phải lanh lợi chứ không thể hiền lành đến mức khù khờ để cho thiên hạ lợi dụng. Ranh giới phải trái ở đây không phải lúc nào cũng rõ ràng, cho nên quá đi một chút về phía này hay phía kia cũng là thường tình. Còn nếu có một bộ phận nhỏ hư hỏng thì cũng coi như cái giá phải trả, vì có bao giờ sản xuất mà không có phế phẩm, chỉ có vấn đề là phải hạn chế phế phẩm, và hơn nữa biết sử dụng phế phẩm vào việc thích hợp.
M.K (Ghi) |