Học để đổi đời!
17:38', 5/5/ 2003 (GMT+7)

Thanh Truyền

Nếu lần đầu nghe Truyền nói chuyện, ít có người ngờ rằng cô bạn có vóc người roi roi với giọng nói nhỏ nhẹ và khóe miệng lúc nào như cũng cười ấy có một nghị lực đáng để nhiều người khâm phục.

Bà ngoại Truyền than: “Nó học suốt ngày. Sáng dậy nhen lửa nấu nước cũng cầm quyển vở, đến cầm cây chổi quét nhà cũng kè kè quyển vở bên cạnh. Tôi la nó hoài, học vậy làm sao mà vô được…” Còn ông ngoại Truyền thì trầm ngâm: “Hoàn cảnh đã vậy, nó nghĩ nếu không học thì không thể nào đổi đời được nên ra sức cố gắng”.

Nhà Trần Thị Thanh Truyền - học sinh lớp 12A3 Trường THPT Tuy Phước II – nằm trên một gò đất nổi giữa đồng ở thôn Tư Cung, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước. Muốn đến nhà phải đi sõng qua sông vì đường ruộng rất khó đi. Mùa mưa, ngôi nhà trở thành một ốc đảo giữa bốn bề ruộng nước.

Căn nhà trống trơn không có gì đáng giá, ngoài cái bàn học chất đầy sách vở của Truyền. Ở đó Truyền nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Và để đạt được ước mơ ấy, trong suốt 12 năm học qua Truyền đã cố gắng không ngừng, năm nào cũng đạt học sinh khá, giỏi. Tuy thi khối A nhưng liên tục trong 2 năm lớp 11 và 12 Truyền đều đạt giải (môn địa) trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh. Cùng với nỗ lực vươn lên trong học tập, Truyền còn phải nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống gia đình.

Từ khi Truyền lên cấp II, chuyện làm ăn của cha mẹ thất bại, cha Truyền lại bị đau, kinh tế gia đình sa sút từ đó. Gia đình Truyền phải bán hết ruộng và vay mượn khắp nơi để trang trải. Hiện giờ ba Truyền đau ốm không làm gì được, tất cả mọi khoản chi trong nhà dồn lên đôi vai tảo tần của mẹ với công việc phụ bán cho một quán ăn ở Quy Nhơn. Công việc của mẹ bận rộn lắm nên thỉnh thoảng mẹ mới rảnh để về thăm nhà. Khó khổ là thế nhưng mẹ nhất định không cho Truyền nghỉ học.

Hàng tháng, với số tiền mẹ gởi về và tiền của cậu em trai đã nghỉ học đi làm thợ xây, Truyền dùng để trả nợ dần, trả lãi vay ngân hàng và trang trải cho việc sinh hoạt, học tập của ba chị em (em út Truyền học mẫu giáo). Ông bà ngoại và bà con dù thương cháu nhưng cũng không giúp gì nhiều được cho chị em Truyền vì ai cũng khó khăn, riêng ông bà ngoại còn phải nuôi 3 đứa cháu nội mồ côi nữa.

Năm nay, Truyền đăng ký thi vào Học viện Quân y vì: “Nhiều khi ba đi chữa bệnh mà không có tiền, như bây giờ đây ba bị bướu cổ nhưng cũng chưa thể đi mổ được vì nhà không có tiền, em nghĩ mình nhất định phải thi đậu vào ngành y để sau này chữa bệnh cho ba em và cho những người nghèo khác. Em thi vào Học viện Quân y còn vì ra trường có việc làm ngay, ba mẹ em không phải nuôi em trong thời gian học, mà bản thân em cũng thích môi trường quân đội. Em quyết tâm phải thi đậu năm nay vì ba mẹ không đủ khả năng cho em thi lại một năm nữa”.

Truyền nói về những khó khăn của gia đình mình, về chuyện không biết sắp tới phải làm sao để có tiền đi thi đại học vì món tiền thưởng 500 ngàn đồng của Giải thưởng Lý Tự Trọng (Giải thưởng của Trung ương Đoàn dành cho cán bộ Đoàn xuất sắc là học sinh THPT) mà Truyền vừa nhận với dự định để dành đi TPHCM thi đại học đã phải đưa cho ba mẹ lo chuyện gia đình; về chuyện em sẽ phải tự lo cho bản thân, bằng cách xuống Quy Nhơn vừa đi dạy kèm vừa ôn thi lại nếu rớt đại học năm nay.… Với một giọng nhẹ tênh, như thể những vật cản đó chẳng là gì cả trên con đường đi đến với tri thức của em. Lý do mà Truyền không bao giờ chịu đầu hàng hoàn cảnh là: “Nếu không học thì nhà em sẽ nghèo hoài. Vả lại em còn phải học để làm gương cho các em. Ở trường, cô giáo hay kể chuyện các học trò cũ của cô, có người còn khó khăn hơn em nhưng vẫn cố gắng học giỏi và nay đã thành đạt nên em phải cố gắng thôi. Chỉ có bằng tri thức thì em mới có thể vươn lên để đổi đời được…”

Thế có lúc nào Truyền cảm thấy chán nản không? “Có! Nhiều khi em gần như mất hết niềm tin và tuyện vọng khi nghĩ về hoàn cảnh của mình. Nhưng em đã vượt qua được bởi lúc nào ông bà, thầy cô và bạn bè cũng động viên em. Em thấy bên em toàn là người tốt”. Ai gặp Truyền rồi cũng sẽ tin rằng không có khó khăn nào có thể làm cô gái nhỏ ấy chùn bước. Nhưng nếu có được một sự hỗ trợ nào đó từ các quỹ học bổng, có lẽ con đường đi đến với tri thức của Truyền sẽ đỡ phải vất vả hơn.

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bạn biết gì về Head Sport?  (04/05/2003)
Ở một Xã Đoàn vững mạnh  (02/05/2003)
Bản lĩnh thanh niên thời nay  (01/05/2003)
Buồn… như Pháp !  (30/04/2003)
Xứng danh “đầu tàu” của thanh niên  (30/04/2003)
Sứ mệnh giáo dục sức khỏe sinh sản ở các trường học Bình Định  (29/04/2003)
Chuyện về Hoa xương rồng  (28/04/2003)
Định hướng nghề nghiệp tương lai như thế nào?   (27/04/2003)
Phản hồi từ bài Khi sinh viên được vay vốn  (25/04/2003)
Làm giàu cho mình là lý tưởng ?  (24/04/2003)
Ai giúp bạn chọn trường, chọn nghề ?  (23/04/2003)
Chí Nghĩa - Học giỏi và thích tình nguyện  (23/04/2003)
Trường nghề - Thêm một cơ hội để bạn trẻ chọn lựa   (21/04/2003)
Những quan niệm của giới trẻ về vấn đề tình dục thời hiện đại  (20/04/2003)
Sinh viên bắt trộm  (17/04/2003)