Ăn cơm trước kẻng: S.O.S
15:21', 6/5/ 2003 (GMT+7)
Đám cưới miền quê (ảnh: Ngọc Tuấn)

Ở các vùng nông thôn Bình Định, “quan hệ” trước hôn nhân vẫn bị coi là “chuyện tày đình” dù các cô gái biện minh “hành động” của mình bằng nhiều lý lẽ. Trong số muôn vàn lý do như cả tin, cả nể, giữ người yêu, không làm chủ được mình... thì có một lý do nữa là “trên tivi em thấy ở các nước khác người ta “xởi lởi” thế, có mất gì đâu?”. Quả thật lý do này đang có xu hướng gia tăng…

* Yêu hồn nhiên

“Anh ấy nói như đinh đóng cột: “Anh chỉ yêu mình em”, vậy mà... ” Cô gái trẻ mới 18 tuổi nói trong nước mắt khi vừa trải qua ca nạo thai tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn. Tên khai trong y bạ của cô là Hoàng Thị T, ở tận Tam Quan lên đây để “giải quyết hậu quả” của những lần cả tin và cả nể. Người chị gái ngồi bên cạnh chì chiết: “Nó “chạy làng” rồi, bây giờ có ma nó lấy”. T buồn thảm: “Em chả cần, cùng lắm thì... ở vậy”.

17 tuổi, T nghe người yêu (cũng là một cậu “chíp hôi” mới 18 tuổi) dỗ ngọt ngào: “Xem phim nước ngoài, người ta “thoáng” lắm chứ, yêu nhau là phải dâng hiến. Mà đằng nào chẳng lấy nhau, “quan hệ” trước hay sau thì cũng vậy thôi!”. Yêu nhau được nửa năm thì T xiêu lòng. Khi đã “quen hơi bén tiếng”, T cũng chẳng buồn giữ gìn. Chỉ 3 - 4 tháng sau, T thấy ngay “hậu quả”, người yêu cô lấy cớ “đi mần ăn xa” chuồn mất, bỏ lại cô với cái thai 2 tháng. May chị gái phát hiện sớm, đưa T đi nạo thai “để có cơ hội làm lại cuộc đời”.

Trường hợp của Nguyễn Thị Th (Tuy Phước) cũng vậy. Mới 16 tuổi, Th đã yêu một cậu bạn cùng lớp, tên D. Hai đứa bỏ học đi chơi với nhau tối ngày. Khi cánh đồng làng không còn đủ “kín đáo” để tâm sự thì D kéo Th đến những vạt đồi vắng vẻ. Khi bạn bè khuyên can, Th còn hồn nhiên: “Ôi dào, “lẳng lơ thì cũng chẳng mòn... ”, nói dại, lỡ mình có làm sao thì uổng, không biết “mùi đời”. Mà đằng nào D chẳng lấy mình. Ổng đã hẹn thế rồi... ”. Khi gia đình biết được cũng là lúc nghe Th giục: “Cha sang nhà anh D giục cưới đi, con có thai 4 tháng rồi”.

Nhiều bạn gái tâm sự thẳng thừng: “Ở các nước phương Tây, thiếu nữ 15-16 đã được dạy làm thế nào để tránh thai. Chẳng như ở mình, mỗi “cái chuyện nớ” mà cũng “quan trọng hóa”. Người ta yêu thì người ta “dâng hiến”, có ảnh hưởng gì đến ai đâu?

* Liệu có hạnh phúc bền lâu?

Các cặp kết hôn ở tuổi “non thanh niên, già thiếu niên” do “lỡ dại” thường chịu nhiều bi kịch hơn là hạnh phúc. Nhiều “tổ” chưa được “ấm” hơi hạnh phúc thì đã tan. Những cô gái như Th, từ khi mang bầu đã phải chịu bao tủi hổ. Cha mẹ Th gần như vật nài “cho không” con gái để nhà trai tổ chức cưới nhanh nhưng bà mẹ chồng Th còn “làm cao”. Cuối cùng ngày cưới cũng đến. 4 tháng sau, Th. sinh con trai nhưng thằng bé bị dị tật ngẩn ngơ. Bác sĩ nói là do Th. nén bụng quá lâu. Nhìn con, Th. không kìm nổi tiếng thở dài. Th. buồn một thì D chán mười. Cậu bé lao vào rượu chè, cờ bạc tới mức gán cả chiếc xe đạp - tài sản có giá trị nhất của hai vợ chồng. Đến lúc này thì Th không thể chịu nổi nữa. Cô lặng lẽ ôm con về nhà mẹ đẻ.

Cũng giống như Th, Nguyễn Thị M, quê ở huyện Tây Sơn về làm dâu nhà Nguyễn Huy T, khi cái thai trong bụng cô đã gần 3 tháng. Gia đình chồng cô bảo con trai: “Nhà tau không có cái loại con dâu “ăn cơm trước kẻng”. Mi cưới nó về thì tự lo làm lấy mà ăn”. M tủi thân trào nước mắt. Những lúc giỗ chạp, các chị em dâu tíu tít làm cỗ, mình cô ngồi lẻ loi. Ban đầu, cuộc sống vợ chồng còn mặn nồng. Sau T cũng chán vì bị gia đình cô lập. Khi M bảo T chở đi khám thai định kỳ thì T mắng: “Làm sao phải khám. Tao không cưới thì liệu có dám đi khám không? ”. M tê tái lặng thinh không nói nên lời.

Chị gái Hoàng Thị T thì tâm sự thật lòng: “Nó dại quá, ở đâu không biết chứ ở làng nầy thì “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”. Hỏi 10 anh lấy vợ thì cả 10 đều muốn vợ mình còn trinh tiết chứ có ai muốn đi “đổ vỏ”. Dù cho họ có là người “đầu tiên” nhưng có “quan hệ” trước khi cưới, cuộc sống vợ chồng sau này cũng không thoải mái”.

* Sự thừa nhận thực tế

Theo một cuộc điều tra của ngành dân số về thái độ, hành vi của nam nữ thanh niên nông thôn từ 15 - 25 tuổi đối với việc quan hệ tình dục trước hôn nhân thì hiện nay có 30 - 40% thanh niên thừa nhận việc này. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng ở quê mình, hiện tượng quan hệ tình dục dễ dãi đã và đang phát triển khá mạnh. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn.

Theo một số nhà tâm lý học, sự bắt chước, học theo là một trong những “đặc tính” của tuổi mới lớn. Con số nêu trên liệu có đủ chứng minh về sự “lây nhiễm” lối sống của thanh niên phương Tây về hôn nhân và gia đình? Tuy nhiên, ở nước ta, nhất là các vùng nông thôn, mất trinh tiết thường bị coi là mất danh dự, mất đạo đức, mất đi sự đoan chính. Đó là nền tảng của hạnh phúc gia đình sau này. Hơn nữa, nhiều bạn gái hầu như chưa có hiểu biết về sức khỏe sinh sản đã vội buộc phải lựa chọn: hoặc là nạo thai, hoặc là làm mẹ. Cả hai “phương án” đều không ổn bởi rất nhiều cô gái không “lường” trước được, cái thai trong bụng phát triển 3 - 4 tháng mới biết, lúc đó “xử lý” thì đã quá muộn. Còn nếu để sinh nở thì buộc phải lo “làm thế nào để ảnh cưới ngay”. Nỗi lo chất chồng lên nỗi lo, liệu có đáng để đánh đổi?

. Tú Ân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Học để đổi đời!  (05/05/2003)
Bạn biết gì về Head Sport?  (04/05/2003)
Ở một Xã Đoàn vững mạnh  (02/05/2003)
Bản lĩnh thanh niên thời nay  (01/05/2003)
Buồn… như Pháp !  (30/04/2003)
Xứng danh “đầu tàu” của thanh niên  (30/04/2003)
Sứ mệnh giáo dục sức khỏe sinh sản ở các trường học Bình Định  (29/04/2003)
Chuyện về Hoa xương rồng  (28/04/2003)
Định hướng nghề nghiệp tương lai như thế nào?   (27/04/2003)
Phản hồi từ bài Khi sinh viên được vay vốn  (25/04/2003)
Làm giàu cho mình là lý tưởng ?  (24/04/2003)
Ai giúp bạn chọn trường, chọn nghề ?  (23/04/2003)
Chí Nghĩa - Học giỏi và thích tình nguyện  (23/04/2003)
Trường nghề - Thêm một cơ hội để bạn trẻ chọn lựa   (21/04/2003)
Những quan niệm của giới trẻ về vấn đề tình dục thời hiện đại  (20/04/2003)