Thư viện - sức ép mùa thi
17:23', 13/5/ 2003 (GMT+7)

      Tại phòng đọc Thư viện tỉnh

Tháng 5 hoa phượng bắt đầu chớm nụ. Nghĩa là một mùa thi nữa đang đến gần. Và, các thư viện như Thư viện khoa học tổng hợp (TVKHTH) Bình Định, thư viện trường ĐHSP Quy Nhơn … đang phải chịu một sức ép rất lớn bởi lượng bạn đọc ngày càng tăng.

* Khi mùa thi đến

Như một thói quen, vào các kỳ thi, bạn Mai Thị Thắm (sinh viên Khoa hóa tổng hợp trường ĐHSP Quy Nhơn) lại cắp sách lên thư viện của trường để học. Buổi sáng lên lớp thì buổi chiều Thắm lại có mặt ở thư viện, cứ thế thay phiên nhau và không có một ngày nào bỏ trống. Lý giải vấn đề này, Thắm cho biết: “Ở ký túc xá đông sinh viên nên khá ồn ào. Vào các ngày thi, hầu như cả phòng đều lên thư viện để tìm cho mình một chỗ học độc lập, người nào lo phần người nấy không bị ai quấy rầy”. Còn đối với cô bạn có tên Hoài (sinh viên năm 3 trường ĐHSP Quy Nhơn) thì cái việc lên thư viện để tranh thủ một góc học tập là chuyện rất đỗi bình thường. Cả năm học, cô tận dụng từng thời gian rảnh rỗi để lên thư viện. Không những thế, chuyện Hoài ở lại thư viện suốt cả ngày không mấy xa lạ với các bạn cùng phòng.

Xuân Linh (học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn) giải thích chuyện có mặt thường xuyên của mình tại TVKHTH là: “Em sắp thi học kỳ rồi nên hay đến thư viện để học. Xung quanh các anh chị sinh viên, ai cũng lo học nên em càng có thêm động cơ. Hơn nữa, đến đây em còn có thể mượn thêm nhiều sách để đọc, chứ ở nhà thì hơi khó”. Trong khi đó, với Nguyễn Phi Thịnh (quê ở Gia Lai, đang ôn thi tại Quy Nhơn) trừ những lúc đi học và thư viện không mở cửa, còn thì hầu như lúc nào cũng đều có mặt tại phòng đọc TVKHTH. Theo Thịnh: “Trước đây tôi không tin lên thư viện có thể học bài được. Nhưng theo mấy người bạn, riết rồi bây giờ cũng thành quen. Với lại, đã thi lại năm hai rồi, mà ở nhà trọ thì bạn bè, khách khứa ra vào thường xuyên nên tôi phải cố gắng”.

* Cung không đủ cầu

Thư viện trường ĐHSP Quy Nhơn mùa thi thu hút nhiều hơn những gương mặt lo lắng của các sinh viên. Nguyên thủy của thư viện là một tu viện nên kiến trúc phòng ốc rất nhỏ. Hiện, thư viện dùng tầng 2 và 3 làm phòng đọc với tổng diện tích khoảng 1.000 m2, phục vụ cho gần 700 chỗ ngồi. Vào ngày thường, số sinh viên đến phòng đọc chiếm 70 - 80%, nhưng đến mùa thi thì hầu như không còn chỗ trống. Trừ tối thứ Sáu, các ngày còn lại thư viện mở cửa từ sáng sớm đến 9 giờ 30 tối để sinh viên tận dụng mọi thời gian học tập.

Với diện tích khá khiêm tốn (120 m2, với 2 phòng thì 1 phòng dùng làm kho chứa, phòng còn lại dành cho phòng đọc), thư viện trường CĐSP Bình Định chỉ phục vụ không quá 50 sinh viên. Trong khi đó, tính riêng ký túc xá của trường đã có đến 450 sinh viên là có nhu cầu đến thư viện.

Còn tại TVKHTH, mới 7 giờ sáng, bãi giữ xe của thư viện đã đầy những dãy dài xe đạp, xe máy chen nhau xếp thành hàng. Tầng trệt là nơi để bạn đọc vào mượn sách và tài liệu tại phòng mượn sách và câu lạc bộ thông tin, nhưng có không ít bạn đọc đã ngồi chiếm chỗ trên các ghế đá. Những mái đầu chăm chú vào trang sách cho dù xung quanh, tiếng bước chân ra vào vẫn tấp nập. Bà Hoàng Thị Bích Thủy - Phó giám đốc Thư viện, cho hay: “Ở đây, bạn đọc chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường chuyên Lê Quý Đôn, Quốc Học, ĐHSP Quy Nhơn và trường CĐSP Bình Định. Từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 6 là thời gian các bạn đọc tập trung ôn thi nên thư viện đông hẳn lên. Năm nay, Quy Nhơn lại là một cụm thi tuyển sinh đại học nên lượng thí sinh vào ôn thi cũng rất nhiều. Do đó, thư viện đang rơi vào tình trạng quá tải, thiếu chỗ ngồi. Có em đến muộn hoặc chậm chân thì đành chịu bên ngoài”. Hiện tại, mỗi ngày có đến 400 lượt bạn đọc mượn sách. Phòng đọc tổng hợp chỉ có 120 chỗ ngồi nên thư viện đã huy động từ phòng đọc sách địa chí và nghiên cứu, phòng đọc sách ngoại văn cho đến hành lang phòng đọc mà vẫn không đủ chỗ. Thời gian này, tối đa thư viện chỉ có thể phục vụ cho gần 300 lượt bạn đọc/ngày.

* Giải pháp?

Theo các cán bộ TVKHTH Bình Định, một điều đáng nói là các học sinh, sinh viên thường xuyên đến đây vì thư viện trường có ít sách tham khảo. Hầu như 100% các thư viện trường chỉ đầu tư sách giáo trình hay những cái cần dùng trong chương trình học mà quên mất khả năng và nhu cầu cần tiếp nhận nhiều hơn nữa thông tin của học sinh, sinh viên.

Để giải quyết vấn đề phòng học và nhu cầu về sách, ngoài giải pháp buộc phải hạn chế số bạn đọc như TVKHTH, thư viện các trường đã được chú ý nhiều hơn đến việc tăng đầu sách và mở rộng cơ sở vật chất. Theo ông Nguyễn Tấn Tài - cán bộ trường CĐSP Bình Định, thì thư viện trường đang được mở rộng về cơ sở lẫn trang thiết bị. Với 6 phòng đọc, thư viện sẽ có ít nhất là 300 chỗ ngồi cho sinh viên và các đầu sách cũng được bổ sung đa dạng, phong phú về thể loại. Cùng đó, Dự án thư viện điện tử của Bộ GD&ĐT đang được triển khai tại trường ĐHSP Quy Nhơn với việc mở rộng diện tích lên 1.500 m2 và lắp đặt hệ thống mạng máy tính mạng LAN và Internet có thể phục vụ 5.000 lượt bạn đọc/ngày.

Hy vọng với những chuyển biến ấy, các thư viện trên địa bàn tỉnh sẽ phát huy hơn nữa năng lực của mình nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc nói chung và các sĩ tử nói riêng trong các mùa thi.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trắc nghiệm: Bạn có máu ghen không?  (11/05/2003)
Nhà thơ Trinh Đường dạy con  (09/05/2003)
Chuyên viên tin học - Nghề hấp dẫn   (07/05/2003)
Ăn cơm trước kẻng: S.O.S  (06/05/2003)
Học để đổi đời!  (05/05/2003)
Bạn biết gì về Head Sport?  (04/05/2003)
Ở một Xã Đoàn vững mạnh  (02/05/2003)
Bản lĩnh thanh niên thời nay  (01/05/2003)
Buồn… như Pháp !  (30/04/2003)
Xứng danh “đầu tàu” của thanh niên  (30/04/2003)
Sứ mệnh giáo dục sức khỏe sinh sản ở các trường học Bình Định  (29/04/2003)
Chuyện về Hoa xương rồng  (28/04/2003)
Định hướng nghề nghiệp tương lai như thế nào?   (27/04/2003)
Phản hồi từ bài Khi sinh viên được vay vốn  (25/04/2003)
Làm giàu cho mình là lý tưởng ?  (24/04/2003)