|
Thợ trẻ và sản phẩm do chính họ làm ra |
Bình Định hiện có 41 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho khoảng 13.800 lao động. Chưa có một con số thống kê chính thức, nhưng một điều có thể khẳng định: những người trẻ tuổi chính là lực lượng lao động chính ở các làng nghề này. Ngoài ý nghĩa giải quyết việc làm, sự hiện diện của thợ trẻ cho ta niềm tin vào tương lai của làng nghề, bởi truyền thống là gì, nếu không phải là sự tiếp nối?
* Nối nghiệp
Trần Quốc Xí, năm nay tròn 21 tuổi, là một thợ trẻ đang làm việc tại cơ sở của ông Bùi Tú Vinh (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn). Xí cũng là người Nhơn Hậu. Cũng như một số không ít thanh niên nông thôn khác, học xong phổ thông, Xí không có việc làm. Năm 1999, Xí được nhận vào học nghề tiện gỗ tại cơ sở. Sau một năm miệt mài, Xí ra nghề và được nhận vào làm ngay tại cơ sở. Hiện nay, sau khi trừ tiền ăn, mỗi tháng Xí còn được nhận khoảng 600.000 đồng/tháng. Không chỉ mình Xí mà rất nhiều thanh niên Nhơn Hậu đã có việc làm nhờ nghề truyền thống. Làng nghề khảm xà cừ thôn Cẩm Văn (Nhơn Hưng- An Nhơn) chẳng hạn. Thợ trẻ chiếm phần lớn số lao động ở đây. Anh Trần Văn Hùng, chủ của một cơ sở cùng tên, cho biết: mỗi thợ trẻ theo học nghề này mất một năm rưỡi; sau khi ra nghề có việc làm ngay với thu nhập bình quân khoảng 900.000 đồng/người/tháng. “Với thanh niên nông thôn, có việc làm ổn định, mức thu nhập như vậy đã là lý tưởng” - anh Hưng khẳng định.
Đến với những làng nghề truyền thống, ta mới thấy lực lượng lao động chính ở các làng nghề truyền thống hiện nay chủ yếu vẫn là cánh trẻ. Chính họ mới là người tạo nên sức sống của làng nghề. Bên cạnh đó, ngoài ý nghĩa giải quyết việc làm, sự hiện diện của thợ trẻ cho ta niềm tin vào tương lai của làng nghề. Hơn thế nữa, chính thợ trẻ chứ không phải ai khác, là những người miệt mài nhất với việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật và tìm kiếm mẫu mã mới để sản phẩm làng nghề đứng được trên thị trường. “Không đổi mới công nghệ, kỹ thuật, không nghiên cứu mẫu mã mới và tìm kiếm thị trường, làng nghề sẽ không còn đất sống” - tâm sự ấy của thợ trẻ Bùi Xuân Thượng (27 tuổi) ở làng tiện gỗ Nhơn Hậu, cũng là tâm sự chung của những thợ trẻ hôm nay.
Chàng thanh niên Đỗ Văn Tuấn, người làng Kim Châu (thị trấn Bình Định - An Nhơn), là một ví dụ. Năm nay mới hơn ba mươi tuổi, nhưng Tuấn đã có trên dưới 15 năm gắn bó với nghề đúc đồng. Sinh ra trong một làng đúc đồng giàu truyền thống như làng Kim Châu, tiếp nối vốn nghề nghiệp này của ông cha, tưởng không có gì lạ. Cái đáng nói ở Tuấn là anh rất có ý thức tìm tòi, sáng tạo mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước tình trạng đầu ra của sản phẩm khó khăn, Tuấn phải khăn gói lên đường tìm thị trường và trang bị thêm phương tiện kỹ thuật; đồng thời, nghiên cứu mẫu mã mới. Đến nay, sản phẩm của anh đã tiêu thụ khắp trong Nam, ngoài Bắc, cạnh tranh được trên thị trường. Mỗi tháng, cơ sở của Tuấn sản xuất hàng trăm đèn, lư, đỉnh… trong đó có những bộ đèn cao 1,1 m trở lên, nặng trên 50 kg đúc theo đặt hàng của các đình, chùa. Những sản phẩm kiểu này, không phải thợ đúc nào cũng làm được, nhất là với độ tinh xảo, cân đối như sản phẩm của lò đúc này. Đặc biệt, năm 2001, Tuấn đã tự mày mò đúc những sản phẩm tượng Chăm giả cổ. Ngoài sự tinh thông trong kỹ thuật tạo khuôn, đúc, mỗi bức tượng còn là kết quả của sự tìm tòi để phủ được lớp áo thời gian, trông giống như tượng cổ. Những sản phẩm này bước đầu đã được một số khách hàng quan tâm.
Nhờ những sự sáng tạo như vậy, cơ sở của Tuấn là một trong ba cơ sở còn bám trụ với nghề truyền thống ở Kim Châu. Hành trình này của Tuấn có thể gợi hướng cho hành trình của những người trẻ tuổi hôm nay khi tiếp thu vốn nghề nghiệp và tinh hoa của ông cha: không chỉ tiếp thụ đơn thuần, vấn đề là làm thế nào để vốn quý đó tiếp tục phát triển và đứng vững trong thời hiện tại.
* Đầu tư cho tương lai làng nghề
Sự có mặt của những người thợ trẻ, đã đem lại cho chúng ta niềm tin vào sự tương lai của các làng nghề truyền thống. Hiện nay, để phát triển các làng nghề truyền thống, Bình Định đang triển khai những việc làm cụ thể nhằm phát triển làng nghề: xây dựng hệ thống thông tin về thủ công mỹ nghệ trên website của tỉnh; có phương án phát triển sản phẩm một cách toàn diện; xây dựng chương trình khôi phục một số ngành nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, để đầu tư cho tương lai làng nghề, đã đến lúc những người thợ trẻ cần được quan tâm hơn.
Trong Quy định chính sách học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với học sinh học nghề của tỉnh Bình Định, với một số đối tượng nhất định, nếu theo học nghề truyền thống, ngoài việc được hưởng chính sách học nghề theo quy định chung, còn được tỉnh trợ cấp khuyến khích thêm 70.000 đồng/tháng, thời gian được hỗ trợ tùy theo từng nghề học, nhưng tối đa không quá 24 tháng. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng với một số đối tượng nhất định.
Điều cần thiết là Nhà nước cần có sự hỗ trợ để các cơ sở làm nghề tích cực hơn trong việc dạy nghề truyền thống cho thanh niên, góp phần đào tạo một lớp thợ trẻ nắm được tinh hoa của làng nghề. Đây chính là nguồn lực phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan, cần tư vấn cho bạn trẻ cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường.
Chính những người trẻ mới là lực lượng cầm nắm tương lai làng nghề. Bởi vậy, đầu tư cho họ chính là đầu tư cho tương lai làng nghề.
. Lê Viết Thọ
|