Đưa nhạc Việt sang Nhật
18:1', 18/5/ 2003 (GMT+7)

Một giọng hát mềm mại thu hút, bền bỉ qua thời gian. Một gương mặt thanh tú với vóc dáng sang trọng đã trở thành dấu ấn tươi đẹp của sân khấu ca nhạc TP. Hồ Chí Minh suốt 20 năm, một hình ảnh sinh động nhất tiêu biểu cho lớp ca sĩ trưởng thành sau ngày giải phóng. Qua 3 năm lặng lẽ kín tiếng đầy bí ẩn, gặp lại Hồng Hạnh, bất ngờ nhận thông tin nữ ca sĩ đã thành công bước đầu cho một kế hoạch khá đặc biệt: Xây dựng hình tượng mới, phát hành chính thức đĩa nhạc Việt Nam đầu tiên tại thị trường âm nhạc Nhật Bản. Như vậy, cùng lúc Mỹ Linh thâm nhập thị trường Mỹ, Hồng Hạnh là ca sĩ Việt Nam đầu tiên bước vào đời sống âm nhạc chuyên nghiệp nước ngoài. PV thực hiện cuộc trao đổi với Hồng Hạnh tại bar No's- một phần ngôi nhà trên đường Tú Xương của chính nữ ca sĩ.

- Biểu diễn và phát hành CD First Memorial Album 2003 tại Nhật Bản có thể xem như sự kiện quan trọng trong đời ca hát của một ca sĩ tên tuổi. Vì sao chị lại giữ bí mật đến phút chót?

+ Một phần như lời ông bà mình ''Nói trước bước không qua''. Một phần cũng do học tính thận trọng kín đáo của người Nhật. Hạnh chuẩn bị thực hiện album này từ đầu năm 2000. Bay sang Nhật 12 lần, thực hiện mọi bước thăm dò thị trường, làm việc với manager và nhà sản xuất Nhật hết sức cặn kẽ, Hạnh mới đủ quen biết và tự tin để thiết kế album 10 bài hát của Việt Nam và Nhật Bản. Thực sự, mọi thứ khó hơn hình dung ban đầu của mình rất nhiều.

- Có phải những khó khăn do cách vận hành khác nhau giữa hai nền âm nhạc?

+ Cũng gần như vậy. Chẳng hạn, khi Hạnh muốn hát lại bài Đời như một dòng sông của ca sĩ quá cố Misora Hirari, Hạnh phải đợi công ty của ca sĩ này lựa chọn giữa các bản trình bày của ca sĩ tới từ Trung Quốc, Hàn Quốc mất 2 năm. Cuối cùng, họ chọn Hạnh vì mình đã hát ca khúc này hoàn toàn khác và có phần dịch lời Việt. Nhật là nước có nền công nghiệp âm nhạc lớn thứ nhì thế giới, nên khó khăn và mất thời gian cho vấn đề bản quyền. Nhưng khi có dấu bản quyền của Jasrac, CD có thể phát hành dễ dàng ở các nước khác.

- Kinh nghiệm quý nhất mà chị thu hoạch sau khi phát hành CD đầu tiên, nói ngắn gọn, là gì? Chị có ''lời'' khi biểu diễn và phát hành không?

+ Tất nhiên vẫn là câu trả lời như nhiều bạn bè ca sĩ có dịp ra nước ngoài làm việc: Sự chuyên nghiệp. Làm việc theo một guồng máy chặt chẽ kiểu Nhật khá vất vả. Thế nhưng về lâu dài quyền lợi của ca sĩ, nhạc sĩ được bảo đảm. Sự chuyên nghiệp bắt đầu từ các khâu rất nhỏ như chụp ảnh báo chí, quản lý hình ảnh... Quan hệ mật thiết giữa sáng tác của nhạc sĩ và biểu diễn của ca sĩ. Mỗi ca khúc chỉ được một ca sĩ trình bày. Tất cả phải được thương thảo qua manager của ca sĩ. 

Số lượng phát hành lần đầu là 1.000 CD, phát hành qua Internet. Hạnh thực hiện buổi diễn live ở Tokyo. Giá 1 CD là 2.500 Yen, vé bán ra ở live show là 5.000 Yen. Tất nhiên, đóng thuế cho CD hơi bị nhiều! Kinh phí vừa đủ. Nhưng cái ''lời'' lớn nhất chính là nhận được sự đánh giá của báo chí, người nghe bước đầu biết đến tên mình. Điều này giúp Hạnh vững tâm chuẩn bị album thứ hai thực hiện hoàn toàn ở Nhật cuối năm 2003.

- Đối tượng khán giả mà Hồng Hạnh hướng tới ở Nhật hẳn không phải là giới trẻ? Trước chị, cũng có một số ca sĩ Việt Nam trong nước và hải ngoại sang Nhật biểu diễn. Phản hồi của thị trường Nhật ra sao?

+ Thị hiếu âm nhạc người Nhật đa dạng, phân loại theo độ tuổi rõ ràng. Nếu nói mình chinh phục cả thị trường thì thật là... hoang tưởng. Hạnh chỉ muốn đưa nhạc của mình đến khán giả trưởng thành, có gu nhạc ổn định với dòng jazz, enka. Đấy mới là thị trường lớn. Trong các bài Hạnh trình diễn, khán giả tỏ ra yêu thích ca khúc Diễm xưa, Ca dao mẹ. Bởi các bài này rất gần với dòng nhạc enka - nhạc mùi, nhạc trữ tình của Nhật. Thực tế nghe nhạc Trịnh Công Sơn, khán giả dễ cảm nhận nên hưởng ứng rất chân thành.
Nhìn chung, các ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh, Ái Vân, Khánh Ly ở hải ngoại sang Nhật biểu diễn vẫn chỉ hướng vào đối tượng Việt kiều nhiều hơn. Phải nói thẳng là người Nhật biết rất ít về âm nhạc Việt Nam. Sau đêm diễn, Hạnh khá ''sốc'' khi tạp chí Syukan Bunsun viết rằng ''Việt Nam nổi tiếng với... món gỏi cuốn và sắp tới các ca khúc Việt Nam cũng sẽ được yêu thích''. Hóa ra, đây là lời khen rất thiện ý của người viết.

- Lý do sâu xa nhất khiến chị quyết định chuyển hướng thị trường ra ngoài biên giới?

+ Hát ở Việt Nam, sự chia sẻ cảm xúc vẫn mạnh hơn, đầy đặn hơn. Xin nói thật, Hạnh không biểu diễn hay phát hành CD ở Nhật như một cách làm sang, làm màu hay chăm chăm vào mục đích kiếm tiền. Làm ca sĩ, khi thấy mình đạt một độ chín nào đó, cần mạnh dạn chuyển đổi hình ảnh. Thậm chí mạnh dạn thử sức ở một không gian âm nhạc mới. Mặt khác, với sự ủng hộ của gia đình và bạn bè Nhật, tại sao Hạnh không thử sức ở một thị trường có nhiều thiện cảm với âm nhạc Việt Nam?

- Với 20 năm ca hát, gọi Hồng Hạnh là ''sao'' có lẽ không thoả đáng bởi tính thời vụ của danh từ này. Chị đúc kết một cách cô đọng những nỗi niềm của một người ca sĩ sau thời gian gắn bó với nghề dài lâu đến vậy?

+ Đi hát theo truyền thống gia đình, từng bước trưởng thành trên sân khấu, Hạnh nhận ra một điều: May mắn mình đã xem ca hát như công việc thoả niềm say mê, không nghĩ đến cơm áo gạo tiền khi làm nghề, thế nên không bao giờ thấy nghề bạc bẽo. Ngay cả khi im lặng, Hạnh vẫn đang chăm chút hết sức cho âm nhạc - tình yêu lớn của mình.

. (Theo Sinh Viên Việt Nam)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng nghề trên vai những người rất trẻ  (16/05/2003)
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện  (15/05/2003)
Quy Nhơn - Mùa sách đến sớm  (14/05/2003)
Thư viện - sức ép mùa thi  (13/05/2003)
Trắc nghiệm: Bạn có máu ghen không?  (11/05/2003)
Nhà thơ Trinh Đường dạy con  (09/05/2003)
Chuyên viên tin học - Nghề hấp dẫn   (07/05/2003)
Ăn cơm trước kẻng: S.O.S  (06/05/2003)
Học để đổi đời!  (05/05/2003)
Bạn biết gì về Head Sport?  (04/05/2003)
Ở một Xã Đoàn vững mạnh  (02/05/2003)
Bản lĩnh thanh niên thời nay  (01/05/2003)
Buồn… như Pháp !  (30/04/2003)
Xứng danh “đầu tàu” của thanh niên  (30/04/2003)
Sứ mệnh giáo dục sức khỏe sinh sản ở các trường học Bình Định  (29/04/2003)