Hội Cựu chiến binh (CCB) và Tỉnh Đoàn Bình Định vừa ký chương trình liên tịch số 2 giữa 2 cơ quan về: “Giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ giai đoạn 2003 – 2007”. Năm nay là năm thứ 5 hai cơ quan duy trì chương trình này. Chú Võ Ngọc Quỳnh – Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh phấn khởi cho biết: “Nhiệm kỳ trước chúng tôi đặt 2 vấn đề: giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho TTN và củng cố, xây dựng các tổ chức Đoàn - Hội - Đội là ngang nhau; nhưng qua nhiệm kỳ này, chúng tôi chú trọng công tác giáo dục hơn vì hầu hết các cơ sở Đoàn yếu kém đã có bước tiến bộ”.
Với công tác giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, nhân các ngày lễ lớn như 3-2, 26-3, 30-4, 2-9, 22-12... hàng năm, Đoàn Thanh niên và Hội CCB các cấp đều phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc cho TTN, với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ..., tham quan Bảo tàng cách mạng, giao lưu giữa thanh niên và các đồng chí cách mạng lão thành, nói chuyện thời sự... Chỉ riêng trong đợt những ngày lễ 30-4, 1-5, 7-5 năm nay, các cơ sở Hội CCB của tỉnh đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, giáo dục truyền thống cho hơn 1.200 TTN. Còn từ năm 1999 đến 2002, đã có 682 đợt tuyên truyền, thông tin thời sự, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, 860 buổi nói chuyện truyền thống, tọa đàm, 120 đợt đi thăm các di tích lịch sử, nhà bảo tàng cách mạng... được Hội CCB và Đoàn Thanh niên phối hợp tổ chức, thu hút hàng ngàn lượt ĐVTN tham gia.
Không chỉ dừng lại ở các ngày lễ, công việc giáo dục thế hệ trẻ luôn được các chú thường xuyên quan tâm mọi lúc mọi nơi. Trong các cuộc họp của chi đoàn, các chú, các bác, bằng uy tín, sự hiểu biết, kinh nghiệm trong cuộc sống đã nhắc nhở, giáo dục cho các TTN về lối sống, cách ứng xử, những kinh nghiệm trong công tác quản lý, tập hợp thanh niên. Chú Trúc Phương – CCB phường Ngô Mây (Quy Nhơn) tâm sự: “Chúng tôi nói với các cháu cũng như nói với con cháu mình ở nhà vậy, bằng tình cảm là chính chứ không thể áp đặt được”. Còn Bình - một bạn trẻ cũng ở phường Ngô Mây thì kể: “Các chú nhắc nhở, chỉ bảo tụi mình rất tận tình, rất thẳng thắn là khác, nhưng với tinh thần góp ý chứ không phải chỉ trích nên các bạn tiếp thu rất thoải mái”.
Hai năm trở lại đây, năm nào Hội CCB phường Trần Quang Diệu (Quy Nhơn) cũng tổ chức gặp mặt vợ, con các CCB trong phường để ôn lại và nhắc nhở về truyền thống tốt đẹp của gia đình CCB. Đối với các cháu, Hội CCB phường mong muốn họ phải là những ĐVTN gương mẫu. Mặt khác, hễ Đoàn Thanh niên có tổ chức hoạt động gì mà thiếu kinh phí thì các chú CCB sẵn sàng ủng hộ. Nói về chuyện này, các cô, chú CCB đều cười và cho biết: “Già rồi, giúp gì được cho tụi trẻ thì giúp!”. Ngoài phường Trần Quang Diệu ra, phường Lê Lợi (Quy Nhơn), thị trấn Bình Định (An Nhơn), huyện Vĩnh Thạnh cũng là những địa phương được đánh giá là thực hiện tốt chương trình liên tịch.
Với vấn đề giáo dục TTN chậm tiến, hầu như xã, phường nào cũng có những đối tượng này. Đây là những thanh niên thường hay tụ tập uống rượu, quậy phá, đánh nhau, đua xe, ăn cắp vặt... Sau khi nắm danh sách số TTN này, cấp ủy các địa phương giao cho Hội CCB và Đoàn Thanh niên phối hợp giáo dục. Bằng tình cảm là chính, các chú cùng gia đình các TTN chậm tiến này tìm cách phối hợp giáo dục họ, rồi nói chuyện, khuyên nhủ và theo dõi chuyển biến của họ. Cứ vậy, mưa dầm thấm lâu, từ năm 1999 đến năm 2002, các cấp Hội CCB và Đoàn Thanh niên trong tỉnh đã phối hợp giáo dục, cảm hóa hơn 6.700 TTN chậm tiến, trong đó có gần 4.400 TTN được công nhận tiến bộ. Điều này đã góp phần làm hạn chế tình hình vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội trong TTN.
Ngoài ra, các mặt công tác khác như: thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có thanh niên nhập ngũ, gia đình cựu quân nhân khó khăn... mà hai bên phối hợp làm cũng là một cách nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Về công tác củng cố và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội, ở nhiều cơ sở Hội, hội viên Hội CCB được bầu làm “đoàn viên danh dự”, là “cố vấn”… Toàn tỉnh hiện có 15% Bí thư chi đoàn do hội viên CCB trẻ đảm nhận.
Chú Võ Ngọc Quỳnh nhận xét: “Đây là chủ trương rất đúng, sát với tình hình thực tế ở các cơ sở, và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị giao cho Hội CCB. Công tác giáo dục truyền thống cho TTN những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, và hoạt động phối hợp này nổi nhất là ở cơ sở. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng để công tác này được tiến hành thường xuyên và đều đặn hơn ở tất cả các cơ sở, chứ không phải chỉ những nơi nào cần, có yêu cầu thì mới làm”.