|
Bướm và hoa (ảnh: Ngọc Tuấn) |
Giữa muôn mặt của cuộc sống, nhận ra được đâu là thật, đâu là giả đã khó, huống chi lại là thật giả trong tình yêu. Làm sao phân biệt được tình yêu đích thực với tình yêu “trong ngoặc kép”? Khi người ta nói “Anh yêu em!” hay “Em yêu anh!”, biết lời nói nào xuất phát từ đáy lòng và lời nào yêu mép, yêu môi? Đó là băn khoăn của không ít bạn trẻ khi mới bước vào thế giới lung linh, huyền ảo của tình yêu.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng tình yêu đích thực thường bao gồm bốn yếu tố sau đây:
* Tình cảm thẩm mỹ
Hay nói cách khác đi là sự rung động của chúng ta trước vẻ đẹp của “người ấy”. Không mấy ai thực sự yêu một người mà lại nghĩ rằng người đó xấu. Vẻ đẹp này không dựa trên một tiêu chuẩn thẩm mỹ nào cả. Nó mang tính chủ quan, phụ thuộc hoàn toàn vào “chủ thể thẩm mỹ” chứ không phải do “khách thể thẩm mỹ”. Chính tình cảm thẩm mỹ này đã làm nảy sinh những tình cảm khác, khiến ta muốn gần gũi, âu yếm, ta ngắm không biết chán người mà ta yêu. Có triết gia còn khẳng định: “Không phải ta yêu ai đó vì họ đẹp mà chính vì ta yêu nên ta thấy người đó đẹp.” Nếu đó không phải là vẻ đẹp toàn diện thì ít ra cũng là nét nào đó, có thể là đôi mắt - vì đôi mắt ấy nhìn ta say đắm. Có thể là cái miệng - vì khóe miệng ấy nói với ta những lời yêu thương. Có thể là dáng đi, mái tóc, là giọng nói, điệu cười… Nét đó, có thể người khác không nhận thấy, chỉ mình ta phát hiện được mà thôi. Nếu ta quyết định ăn đời ở kiếp với một ai mà ta luôn nghĩ rằng người đó xấu, chẳng có gì hấp dẫn cả thì đó không phải là tình yêu đích thực.
* Tình cảm đạo đức
Hay nói khác đi là cảm thấy người đó tốt. Không có ai đã thực sự yêu một ai đó mà lại nghĩ rằng người đó không tốt. Khái niệm “tốt” ở đây có thể hiểu là có những phẩm chất tốt đẹp theo chuẩn mực đạo đức của xã hội nhưng cũng có thể là “tốt” theo cách đánh giá của ta. Nếu con người đó không hoàn toàn tốt thì ít ra cũng có mặt cơ bản nào đó ta cho là tốt. Mặt tốt đó của người mình yêu, có thể mọi người không nhận thấy nhưng chỉ riêng ta phát hiện được. Thật đáng buồn khi có người nói rằng vẫn “yêu” ai đó nhưng lại cho rằng người đó không tốt. Như thế sao gọi là tình yêu đích thực.
* Tình cảm trí tuệ
Nói khác đi là sự cảm phục về trí tuệ, tài năng, sự khéo léo của đối tượng yêu. Là cái mà ta nghĩ rằng anh ấy “hơn hẳn người khác một cái đầu”. Sự thông minh khéo léo của người con gái cũng đem lại ma lực không kém đối với người đàn ông. Không một người đàn ông nào có thể thực sự yêu một người con gái, nếu anh ta nghĩ rằng người đó đần độn. Tất nhiên, có thể có những người đàn ông không thích những người phụ nữ quá thông minh sắc sảo hay quá tài giỏi. Nhưng nếu bỏ chữ “quá” đi thì đa số đàn ông vẫn cứ mê. Bởi vì cảm phục một ai đó đến yêu người ấy là một khoảng cách rất gần.
* Sự hấp dẫn tình dục
Đó là sự ham muốn nhau về thể xác. Có người không muốn đưa yếu tố này vào thước đo của tình yêu vì nó có vẻ “trần tục”, không xứng đáng với thứ tình cảm thiêng liêng này. Nhưng tiếc rằng nếu loại trừ yếu tố đó ra, làm sao phân biệt được tình yêu với tình bạn? Sự hấp dẫn tình dục chính là một trong những đặc trưng cơ bản của tình yêu trai gái. Tuy nhiên, không ít trường hợp, người ta dễ nhầm lẫn sự hấp dẫn tình dục với tình yêu. Bởi vì khát khao tình dục nhiều khi cũng làm người ta say đắm đến nhớ nhung khắc khoải, bồn chồn.
Đứng trước một tình yêu, nếu bạn tự hỏi liệu đây có phải là tình yêu đích thực hay không thì bốn yếu tố trên đây có thể là “dụng cụ đo lường” tình yêu của bạn. Có điều dụng cụ này không giống như máy soi tiền mà phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng nó. Có thể máy đo vẫn chính xác nhưng nếu nhìn vào bảng đồng hồ bằng con mắt của kẻ đang ngây ngất vì yêu thì các con số sẽ nhảy loạn xạ và cho ta những kết quả sai lầm. Vì vậy bạn phải thận trọng, tỉnh táo khi kiểm tra lại tình cảm của mình.
|