Du học qua mạng - Ai sẽ mở cửa?
17:51', 1/6/ 2003 (GMT+7)

Trong chuyến thăm và làm việc Việt Nam mới đây, ông Anthony Cleaver, Chủ tịch Hội đồng Anh (British council) đã giới thiệu mô hình đào tạo qua mạng - một mô hình giáo dục được chính phủ Anh quan tâm đầu tư và Hội đồng Anh là tổ chức triển khai ở các nước thông qua văn phòng đại diện ở các quốc gia trên thế giới.

* Một nhu cầu của thời đại

Phải khẳng định rằng việc học qua mạng có những ưu điểm nổi bật. Người học có thể sắp xếp thời gian cho phù hợp cũng như lựa chọn địa điểm để việc học tập của mình diễn ra thuận lợi, đạt được hiệu quả cao nhất. Học viên có thể tự học theo kinh nghiệm của mình, và khi có chỗ nào chưa hiểu, học viên có thể quay trở lại tìm hiểu vấn đề cho tới khi nắm được một cách thấu đáo. Cách học này cũng phát huy tính tư duy độc lập của mỗi học sinh.

Khắc phục nhược điểm là học viên học qua mạng không thể tiến hành học theo nhóm, người ta đã bước đầu xây dựng chương trình học có những bước cải tiến như: Mỗi giáo viên sẽ phụ trách từ 15 đến 20 học viên. Giáo viên sẽ giao đề tài, bài tập cho từng nhóm 4 đến 5 học viên. Trong nhóm, các học viên đều có thể hỏi và đặt câu hỏi cho các thành viên cũng như với thầy cô giáo phụ trách mình. Qua đó giáo viên có thể theo dõi sự tiến bộ của mỗi học viên. Ngoài ra còn có thể xây dựng các chương trình giao lưu, học hỏi giữa các trường đại học với nhau.

Mô hình du học qua mạng tuy mới mẻ, hiện đại, nhưng thời gian để chúng ta làm quen với nó sẽ không lâu. Nhất là khi Hội đồng Anh cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác để nhanh chóng triển khai ứng dụng mô hình du học qua mạng. Nói như ông Anthony Cleaver - Chủ tịch Hội đồng Anh, một nước giàu tiềm năng du học như nước Việt Nam, chương trình này sẽ mau chóng đi vào cuộc sống.

* Làm gì để tiếp nhận cơ hội này?

Việc Hội đồng Anh khuyến khích du học qua mạng là một hướng mở mới cho những ai có nhu cầu vươn ra tri thức của thế giới. Học viên sẽ vẫn có thể được theo học và được cấp bằng từ những trường đại học có uy tín cao của nước Anh cũng như các nước khác trên thế giới.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày một tốt hơn, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận với dạng tiện nghi đặc biệt này của thời đại Công nghệ thông tin (CNTT). Phát triển du học qua mạng sẽ không phức tạp lắm ở những địa phương vốn được ưu tiên phát triển CNTT như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Nhưng với một tỉnh như Bình Định, vấn đề chắc chắn sẽ không đơn giản.

Hiện nay toàn tỉnh có 345 cán bộ có trình độ cử nhân tin học đang công tác tại cơ quan nhà nước (cả nước có khoảng 20.000), 165 người có trình độ trung cấp. Lực lượng lao động CNTT của Bình Định đã mỏng, chất lượng lại thấp do hầu hết được đào tạo theo những chương trình quá cũ, trong khi đó chương trình đào tạo CNTT nói riêng và bản thân CNTT nói chung có tốc độ thay đổi đến chóng mặt. Với trình độ lạc hậu như vậy, việc tiếp cận với những công nghệ, chương trình, ứng dụng mới trở nên rất khó khăn. Để cải thiện tình hình, UBND tỉnh đã ký hợp đồng đào tạo với Tập đoàn APTECH (Ấn Độ) để từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực. Nhưng nếu chỉ bằng mỗi một dự án này thì sẽ chỉ như “muối bỏ biển”. Xã hội hóa việc nâng cấp đội ngũ nhân lực CNTT theo hướng du học qua mạng không phải là một đề xuất vô lý nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ.

Tin từ Văn phòng Hội đồng Anh (Hà Nội) cho hay: Hội đồng Anh hoan nghênh người Việt Nam du học qua mạng ở các trường đại học của Vương quốc Anh. Các du học sinh kiểu này có thể nhận được những điều kiện ưu đãi kèm theo. Để biết thêm những thông tin chi tiết về các trường đại học có hệ thống đào tạo, chuyên ngành đào tạo qua mạng cũng như các điều kiện, yêu cầu và các thủ tục cần thiết các bạn có thể vào website: www.ukuecom.

Tháng 9-2003 tới đây, đường truyền internet tốc độ cao (ADSL) sẽ được triển khai ở Bình Định. Với những lợi thế to lớn của ADSL, và với sự giúp đỡ của Nhà nước, học sinh Bình Định hoàn toàn có thể thực hiện được ước vọng du học của mình. Hãy thử cùng nhau hình dung, nếu thư viện điện tử của trường ĐHSP Quy Nhơn có được một vài cổng kết nối ADSL, nếu tất cả các trường THPT trong tỉnh đều được bố trí một số cổng kết nối ADSL, nếu Thư viện tổng hợp tỉnh, các cơ sở nghiên cứu cũng được hỗ trợ để kết nối ADSL... lập tức hàng trăm, hàng ngàn cơ hội học tập với giá cả hợp lý sẽ được mở ra. Để có được một lực lượng lao động CNTT chất lượng cao, chúng ta phải đầu tư xây dựng dần dần, ít ra là trong 4 - 5 năm. Du học qua mạng là một cơ hội tốt. Vậy ai sẽ mở ra cánh cửa này nếu không phải là UBND tỉnh Bình Định?

. Nhân Duyên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngày càng có nhiều đề tài gắn liền với thực tiễn  (30/05/2003)
Bốn mặt của tình yêu  (29/05/2003)
Hoa đẹp trong vườn  (28/05/2003)
Chỗ trọ - Khởi động trước mùa thi  (27/05/2003)
Tình yêu và lời nói dối  (27/05/2003)
Có thời gian đâu để mà giận dỗi  (25/05/2003)
Từ câu chuyện của một người nhìn thấy tương lai (*)  (23/05/2003)
Em ơi, mùa thi đến rồi đó !  (22/05/2003)
Tre già tiếp sức cho măng  (21/05/2003)
Nhộn nhịp thị trường thời trang hè  (19/05/2003)
Đưa nhạc Việt sang Nhật   (18/05/2003)
Làng nghề trên vai những người rất trẻ  (16/05/2003)
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện  (15/05/2003)
Quy Nhơn - Mùa sách đến sớm  (14/05/2003)
Thư viện - sức ép mùa thi  (13/05/2003)