|
Nguyễn Thị Tuyết (bên trái) và Vân Nga |
Đối với Nguyễn Thị Tuyết (quê ở Phù Cát), cho đến bây giờ mọi việc diễn ra đối với cô như một giấc mơ. Chẳng may Tuyết bị liệt 1 chân ngay từ khi vừa lọt lòng mẹ. Vì mặc cảm, cô xem mình như người bỏ đi; cuộc sống đối với cô không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng khi thấy mẹ của mình phải sớm hôm tảo tần nuôi con, Tuyết quyết tâm cố gắng vươn lên trong cuộc sống để giúp đỡ mẹ. Khi tốt nghiệp PTTH, Tuyết bỏ ý định thi đại học để đi học nghề. Được cậu em trai giúp đỡ, đưa Tuyết đến với cơ sở dạy nghề cho người tàn tật Nguyễn Nga ở Quy Nhơn. Khi ấy là tháng 7-1993… Tại đây, Tuyết được học nghề thêu rồi đan, may. Thích thú trước những sản phẩm do mình làm ra, Tuyết rất vui và hơn hết là cô đã tìm được giá trị đích thực của cuộc sống. Sau khi trở thành một người thợ với tay nghề vững vàng, Tuyết quyết định xin được ở lại cơ sở để vừa làm việc, vừa có cơ hội truyền đạt lại những gì mình đã học được cho những người cùng cảnh ngộ. Ý nghĩ luôn vươn lên trong cuộc sống đã giúp cô vừa làm vừa học thêm Anh văn và nghiệp vụ kế toán. Đến nay Tuyết đã tốt nghiệp trung cấp kế toán và trở thành người trợ lý đắc lực trong việc quản lý và điều hành những hoạt động của cơ sở Nguyễn Nga.
Tuyết tâm sự: "Sau khi tốt nghiệp lớp kế toán, cùng với tay nghề đan, thêu, may của mình cũng khá, nên đã có nhiều cơ sở, doanh nghiệp mời mình về làm việc. Mặc dù các nơi ấy có mức thu nhập cao hơn nhưng mình không muốn đi, vì chính nơi đây đã mang lại cho mình lẽ sống, giúp mình vượt qua những mặc cảm và sự tự ti để sống có ý nghĩa hơn…". Nhìn Tuyết hằng ngày đến cơ sở làm việc với nụ cười luôn nở trên môi, ít ai còn nghĩ đến những khiếm khuyết của cô.
Cũng như Tuyết, trong 10 năm qua đã có hơn 300 học viên là người tàn tật đến học nghề tại cơ sở Nguyễn Nga. Đến với cơ sở này, các bạn không chỉ được học nghề miễn phí để có thể tạo dựng cho mình một cuộc sống tự lập, mà các bạn còn tìm thấy niềm vui cuộc sống thông qua các chương trình hoạt động tại cơ sở. Tùy theo sự khiếm khuyết cơ thể của từng người mà cơ sở đã tạo điều kiện để các bạn có thể học thêm lớp hội họa, ca hát hay múa, làm thơ… Tất cả những điều đó giúp các bạn tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống.
Khác xa với Tuyết, bạn Ngô Thị Vân Nga là một con người bình thường, lại được sinh trưởng trong một gia đình khá giả tại TP Quy Nhơn. Vân Nga đã tốt nghiệp khoa ngoại ngữ trường Maketing (TP Hồ Chí Minh). Với khả năng chuyên môn của mình, Vân Nga có thể làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Một lần đọc báo, tình cờ biết đến cơ sở Nguyễn Nga, Vân Nga đã quyết định về Quy Nhơn và đi làm "với mức lương không đáng kể" cho cơ sở này với mong muốn "đóng góp một chút công sức cho những người bất hạnh". Công việc hằng ngày của Vân Nga là dạy Anh văn cho các bạn trẻ bị khuyết tật và Vân Nga cho biết: "Tiền bạc thì ai cũng muốn và chẳng biết bao nhiêu là đủ. Khi chọn cơ sở Nguyễn Nga để làm việc mình muốn tìm thấy ở đó nguồn hạnh phúc, niềm vui của cuộc sống. Đối với mình thì điều đó quan trọng hơn những thứ khác…".
Gặp gỡ với những bạn trẻ đang học tập và làm việc nơi đây, chúng tôi không khỏi khâm phục những con người đã vượt qua sự bất hạnh để tự tạo dựng cuộc sống cho mình. Cũng tại nơi đây, chúng tôi bắt gặp những bạn trẻ như Vân Nga đã dám chọn cho mình một công việc mang ý nghĩa cho cuộc đời.
. Công Tâm
|