Năm 1990, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, quê ở xã Đập Đá (huyện An Nhơn), đã phải chứng kiến một sự việc thương tâm: tai nạn đã cướp đi của người em gái chị đôi chân. Trong những ngày tháng chăm sóc, nuôi nấng người em tại bệnh viện, chị Thanh Nga đã tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh của những người tàn tật được điều trị tại bệnh viện. Với sự đồng cảm sâu sắc, chị Thanh Nga nảy ra ý nghĩ: phải làm một cái gì đó cho cuộc đời, cho những mảnh đời bất hạnh. Được sự giúp đỡ ban đầu của Sở LĐTB&XH, cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga đã ra đời.
Từ con số 7 học viên của những ngày đầu tiên cho đến hôm nay, cơ sở đã đào tạo nghề miễn phí cho hơn 300 học viên. Tại đây, tùy vào sự khiếm khuyết của từng người mà chị Nguyễn Nga đã cho họ học những nghề phù hợp như nghề dệt thổ cẩm, thêu rua, đan len, may, chế tác đá quý… Phần lớn những học viên này sau khi học nghề đều được cơ sở bố trí công ăn việc làm hoặc về làm tại địa phương với mức thu nhập đủ lo cho bản thân, thậm chí còn phụ giúp cho gia đình. Có dịp ghé thăm cơ sở vào những ngày này, sẽ tận mắt chứng kiến những học viên khuyết tật đang miệt mài bên khung dệt, máy may hay tỉ mỉ gọt giũa từng mẩu đá quý để làm vật trang sức cho đời.
Ngoài thời gian học nghề, cơ sở còn tổ chức dạy văn hóa, dạy nhạc, họa, thơ, múa cho học viên. Hiện tại lớp Hội họa của cơ sở có 30 học viên, trong đó nhiều tác phẩm của lớp học này đã được triển lãm. Bút nhóm "Hoa xương rồng" có 9 thành viên vừa cho ra đời tập thơ văn đầu tiên "Những vì sao mơ ước". Trước đó đã có rất nhiều tác phẩm của nhóm đã được đăng tải trên các báo, tạp chí như: Báo Bình Định, Hoa học trò, Áo Trắng, Nữ sinh, Văn nghệ Bình Định… Ở lớp Thanh nhạc có 20 em đang theo học, trong đó đặc biệt có em Đặng Thành Tâm đã đoạt Huy chương bạc "Hội thi thể thao - văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ II" tổ chức tại TP Huế vào tháng 7-2002.
Bạn Tuyết, quê ở Phù Cát, cho biết: "Khi tốt nghiệp xong PTTH, mình muốn học một nghề gì đó để có thể làm nuôi bản thân, nhưng thực tế với khiếm khuyết của cơ thể, mình rất khó chọn nghề. May mắn là có cơ sở này để giúp cho những người như mình có điều kiện học tập, có nghề và có công ăn việc làm. Bây giờ thì mình đã có tay nghề vững vàng để có thể tự nuôi bản thân và phụ giúp cho gia đình…".
Riêng bạn Hoàng Thị Hồng Vân, quê ở Hoài Ân, thì hạnh phúc chừng như được nhân lên gấp bội, bởi lẽ sau khi được học nghề tại đây, cô không những là một thợ may có tay nghề vững vàng mà còn tìm thấy một mái ấm gia đình cho riêng mình. Cô tâm sự: "Đối với em, tất cả như là một giấc mơ, trước đây em mặc cảm với bản thân lắm. Nhưng bây giờ em không còn thấy mặc cảm nữa, giờ đây em đã có chồng và đã sinh một bé gái khỏe mạnh, bụ bẫm. Hơn hết là em có thể kiếm sống bằng chính đôi tay và sức lao động của mình chứ không phải dựa dẫm vào ai…".
10 năm chưa phải nhiều, nhưng những gì mà cơ sở Nguyễn Nga làm được là một kết quả rất đáng trân trọng.
. Công Tâm
|