Chát - xình nhạc cưới ở Hoài Nhơn
16:14', 21/7/ 2003 (GMT+7)

Họ thường phải rời khỏi nhà lúc 16 giờ, có khi là 13 giờ tùy theo yêu cầu của gia chủ và chỉ về đến nhà khi đồng hồ đã chỉ qua một ngày mới. Mồ hôi quyện cùng hơi men khiến ai nấy mệt nhoài, sau khi thu xếp tất cả đồ đạc vào nơi cất giữ, cả nhóm chia tay nhau, ai về nhà nấy và đánh một giấc cho đến khi trời sáng bạch. Họ chính là những người nhạc công nghiệp dư chuyên phục vụ đám cưới ở những vùng quê.

* Trăm năm mới có một ngày

Người Việt Nam của chúng ta ngay từ thuở sinh thời cho đến lúc mất đi đều gắn liền với âm nhạc, càng ngẫm ra càng thấy đúng. Trẻ em vừa lọt lòng mẹ đã nghe tiếng ru ầu ơ của mẹ, của bà. Lớn lên lập gia đình thì kiếm thuê một ban nhạc để giúp vui, khi già cả mất đi thì đã có nhạc bát âm đưa về nơi chín suối. Trong 3 giai đoạn cơ bản mà đời người được thưởng thức âm nhạc thì giai đoạn giữa là quan trọng hơn cả. Bởi thế không biết từ bao giờ, trong dân gian đã có quan niệm: Trăm năm mới có một ngày, phải làm cho vui, cho ra trò (ấy là tôi nói quan niệm hôn nhân theo kiểu: đời người một lần, chứ riêng cái khoản mà ai đó đã từng lập gia đình hơn con số 1 thì quan niệm đó không hoàn toàn chính xác). Cho nên, một gia đình khi dựng vợ, gả chồng cho con dù giàu hay nghèo vẫn cố gắng cho phép con cái thuê ban nhạc về phục vụ cái khoản góp vui trong quá trình đãi bạn. Rồi cũng chẳng biết từ bao giờ cái quan điểm: đãi bạn phải có nhạc đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người, nó trở thành cái mốc để đánh giá đám cưới đó có vui không? Có sang không?

Có cầu thì ắt có cung cho nên chỉ riêng huyện Hoài Nhơn quê tôi, đã có trên dưới 30 ban nhạc không chuyên để phục vụ đám cưới. Chất lượng chuyên môn thì nói chung là: thượng vàng hạ cám, có đủ. Có người được học trường lớp, được đào tạo chính quy, cũng có người học mò theo sự hướng dẫn của bạn bè. Tuy nhiên, có một việc làm của Phòng VH-TT huyện Hoài Nhơn trong thời gian vừa qua thật đáng biểu dương, đó là tổ chức cho các ban nhạc thi sát hạch, những ban nhạc đảm bảo về chuyên môn mới cho phép được hành nghề. Nói nôm na: các ban nhạc ở Hoài Nhơn đã đạt tiêu chuẩn… cấp huyện để phục vụ.

* Và những nỗi niềm riêng

Ngày thường các thành viên trong ban nhạc "Đồng đội" mỗi người một việc. Người thì là nhân viên nhà nước, người là chủ trang trại, người thì làm nông… Nhưng khi có người gọi phục vụ, ngay tức khắc của nhóm có mặt, tạm gác qua mọi công việc thường ngày để lên đường góp vui cho người khác, dĩ nhiên đó không phải là việc làm từ thiện, không công mà bù lại họ sẽ có một khoản thù lao cao hơn gấp nhiều lần so với việc làm thường nhật. Đầu tháng 7 vừa qua, tôi có dịp theo chân ban nhạc này đi phục vụ cho một đám cưới ở một xã miền biển: Hoài Hải. Theo yêu cầu ban đầu của gia chủ khi hợp đồng với ban nhạc thì đúng 17 giờ cả nhóm phải có mặt bên kia bờ sông Kim Giao để người nhà cho thuyền qua đón. Đùng một cái trưa hôm đó, chủ nhà cử người chạy lên gặp anh trưởng nhóm tuyên bố sẽ tăng thù lao cho ban nhạc thêm 200.000đ với điều kiện phải đi phục vụ ngay bây với lý do: mấy anh em trong họ hàng, đã có chút men, muốn thiết lập chương trình ta hát ta nghe ngay bây giờ. Ngay cùng lúc đó, một người khác tìm đến và dúi vào tay anh V. một triệu bạc tiền thù lao, cao gấp 3 lần thường ngày, để ban nhạc đến phục vụ cho gia đình anh ta. Hỏi ra mới biết hôm ấy quá tốt ngày, đám cưới nhiều không sao kể hết nên các gia chủ đổ xô nhau đi tìm ban nhạc muốn đỏ con mắt mà không có. Nhưng anh V. một mực từ chối vì đã nhận lời người khác rồi. Thế mới biết: Nghề gì cũng vậy, chữ tín luôn là hàng đầu.

16 giờ tất cả loa thùng, đàn, trống… chất đầy lên một chiếc xe ba gác máy nhằm hướng Hoài Hải trực chỉ. Khi đến bờ sông thì vấn đề khó khăn đã phát sinh. Vì gặp phải thời điểm nước thủy triều đã rút nên thuyền không qua đón được, mà nếu chạy xe qua cầu thì sợ chiếc cầu tre mong manh và dài hàng km bắc qua sông Kim Giao sẽ sập. Vậy là cả nhóm phải hì hục chuyển đồ xuống và vận chuyển từng món một qua bên kia cầu bằng xe gắn máy. Tới nơi thì gia chủ hoạnh họe rằng: Sao đi muộn thế, làm mất cả hứng. Gặp những người đã có chút men thì nói nặng lời hơn. Chỉ tội cho các anh nhạc công vừa phải phân bua, vừa lo dàn xếp đồ đạc để chuẩn bị phục vụ. Tiệc tan vào lúc 22 giờ 30 phút, mấy anh thanh niên của gia đình, mà lúc chiều phụ giúp vận chuyển dàn nhạc, giờ đây đã say khướt. Các thành viên đành tự mình đưa đồ qua sông. Khi tôi cùng tất cả anh em trong ban nhạc chia tay nhau về nhà, vừa đặt lưng xuống cũng là lúc gà gáy te te.

* Thay lời kết

Có đi, có chứng kiến từ đầu đến cuối của một buổi phục vụ đám cưới của các ban nhạc mới thấu hiểu nỗi khổ của công việc. Hình ảnh mà chúng ta thường bắt gặp ở các đám cưới, dù là ở nhà hàng sang trọng hay ở vùng quê hẻo lánh, là những ban nhạc luôn hết mình vì gia chủ. Nụ cười luôn thường trực trên môi của họ cùng với những gì họ nhiệt tình phục vụ đã góp phần rất lớn trong việc làm cho một đám cưới thêm vui vẻ. Nhưng đằng sau sự vui vẻ đó là những nỗi niềm mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Âu đó cũng chính là một phần của cuộc sống muôn màu muôn vẻ hôm nay.

. Công Tâm

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Anh Ánh – Chim sơn ca trên bầu trời mơ ước   (20/07/2003)
Ai là người đẹp nhất?   (18/07/2003)
Cha mẹ giàu để lại gì cho con?   (17/07/2003)
Đoàn, Hội và cánh cửa bước vào các doanh nghiệp tư nhân   (17/07/2003)
Cơ hội cho những người vừa học vừa làm   (15/07/2003)
"Nối mạng" với Sandro   (15/07/2003)
Bốn điều bạn không bao giờ được từ bỏ   (14/07/2003)
Mưa tháng bảy   (13/07/2003)
Phạm Bảo Huỳnh - Ước mơ một chiếc xe lăn   (11/07/2003)
Cư xử khéo léo - bí quyết duy trì tình yêu bền vững  (10/07/2003)
Vào Đảng để làm gì?  (09/07/2003)
Trang điểm nơi công sở  (08/07/2003)
Các sĩ tử nói gì?   (07/07/2003)
Tâm sự những người "Tiếp sức mùa thi"   (06/07/2003)
Châu Tấn: Hoàng Dung, nhân vật cá tính nhất của tôi  (04/07/2003)