|
Trước Nghĩa trang Trường Sơn |
Đoàn chúng tôi gồm có 10 đoàn viên thanh niên, bắt đầu xuất phát tại Quy Nhơn. Trải qua chặng đường dài hơn 500 km, chúng tôi đã có mặt tại vùng đất Anh hùng Quảng Trị. Qua gần 30 năm giải phóng, Quảng Trị đã thay đổi rất nhiều.
Rồi từ thị xã Đông Hà, theo đường 9 chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về Khe Sanh. Mọi người đều im lặng không ai nói với ai, mỗi người đều đang theo đuổi một suy nghĩ riêng. Bỗng một người trong xe reo lên thật to và rồi tất cả chúng tôi như vừa được tiếp sức cũng đồng thanh reo lên. Đây rồi, mọi người đều nhìn về phía trước nơi có tấm bảng chỉ đường có ghi rõ: Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn – 20km. Chiếc xe khựng lại và rẽ phải, con đường bỗng nhỏ lại dường như nó đang được sửa chữa và nâng cấp.
Lúc này cả Đoàn chúng tôi vui nhộn hẳn lên. Chúng tôi bắt đầu nói nói, kể kể cho nhau nghe những gì mà mình đã được biết về Trường Sơn. Càng đi sâu vào bên trong con đường càng gập ghềnh và khó đi hơn, hai bên đường là những rừng cây trải dài đến ngút ngàn tầm mắt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đi sâu vào trong lòng Trường Sơn hùng vĩ. Xa xa cả đoạn dài của thân một ngọn núi đã bị san ủi để lộ lên màu phù sa của đất đỏ Bazan, đường Trường Sơn công nghiệp hóa đang hiện dần ra trước mắt chúng tôi. Phía trên là những cột dây điện của đường dây tải điện 500 KV chạy suốt chiều dài đất nước, đứng sừng sững hiên ngang như đang thách thức với thời gian, thể hiện sức mạnh của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Đây rồi! Cổng của Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đang dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Việc đầu tiên là cả đoàn chúng tôi lặng lẽ xếp hàng trước cổng Nghĩa trang để giữ lại một bức ảnh làm kỷ niệm. Theo bước chân người quản lý nghĩa trang, lặng lẽ, lặng lẽ Đoàn chúng tôi đang bước trên mảnh đất linh thiêng. Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nay không còn là của riêng Quảng Trị nữa mà là chung của cả đất nước. Chúng tôi đã vượt hơn 500 km về đây kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của các Anh, các Chị và thắp một nén nhang để tưởng nhớ… Mỗi một tấm bia là một tên Liệt sĩ, tên một vùng quê hương. Các Anh, các Chị từ khắp mọi miền của đất nước đã được qui tụ về đây, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Người quản lý nghĩa trang chỉ tay về cây bồ đề to được mọc ra từ giữa phiến đá sau lưng bàn thờ Tổ quốc ghi công, kể rằng: "Lúc mới bắt đầu xây dựng xong nơi đây không có cây bóng mát nào cả, nhưng một thời gian sau không hiểu vì một lý do gì mà giữa một phiến đá to và chắc như thế lại có thể mọc lên một cây bồ đề với tán xòe to che bóng mát cho cả khu vực phía sau bàn thờ." Khi chúng tôi bước lại gần, quả thật toàn bộ thân và rễ cây bồ đề đều từ vách đá đâm thẳng ra, thật là kỳ diệu.
Chuyến đi lần này, với riêng bản thân tôi cũng có một địa chỉ cần tìm đó là phần mộ của Liệt sĩ Đinh Công Tản, quê Thái Bình, là bố của bạn tôi đã hy sinh năm 1967 tại chiến trường Khe Sanh - Quảng Trị. Đất nước giải phóng đã gần 30 năm rồi mà bạn tôi vẫn chưa có điều kiện để đi tìm phần mộ của cha mình. Và còn biết bao nhiêu gia đình như thế nữa chưa tìm được tin tức gì khi người thân của mình đã mãi mãi không trở về từ sau cuộc chiến tranh…
Chúng tôi lặng lẽ bước qua từng khu vực nơi có ghi từng địa danh quê hương của các Liệt sĩ, đây Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa kia An giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, và cả những nơi địa đầu Tổ Quốc như Cao Bằng, Lạng Sơn… Tôi tiến đến khu vực của quê lúa Thái Bình, một thoáng bồi hồi xúc động xen lẫn với nỗi niềm hy vọng mong manh, tôi từ từ chầm chậm đi qua từng ngôi mộ, dừng lại thắp một nén nhang và đọc thật chậm tên của các Liệt sĩ nhưng vẫn không tìm thấy được tên người cha của bạn mình. Một cảm giác hụt hẫng, bỗng mắt cay xè và nhòa đi...
Đoàn chúng tôi chia ra thành từng nhóm để thắp nhang viếng, thỉnh thoảng mọi người dừng lại đọc rồi lại trầm ngâm suy nghĩ. Các Anh các Chị ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ, cái tuổi của biết bao nhiêu là mộng mơ và ấp ủ những hoài bão lớn. Một điều thật xót xa khi mỗi lần nhìn thấy những bia mộ ghi các chữ Liệt sĩ vô danh. Chúng tôi tự hỏi ai sẽ là người trả lại tên cho các Anh các Chị? Và cũng chỉ biết tự trả lời rằng: Chúng tôi luôn luôn nhớ đến các Anh, các Chị với tất cả niềm kính trọng và biết ơn sâu sắc. Chúng tôi luôn luôn nhớ đến các Anh, các Chị với cái tên gọi chung đã trở thành bất tử: Bộ đội Cụ Hồ.
Rời khỏi Nghĩa trang, chúng tôi mỗi người đều mang trong mình một suy nghĩ, không ai nói với ai nhưng chúng tôi vẫn hiểu và thầm nói với bản thân mình rằng: Thế hệ trẻ bây giờ phải làm gì để tiếp bước truyền thống vẻ vang và rất tự hào của cha anh ngày trước. Thế hệ đi trước đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc thì hôm nay đây, chúng tôi, các bạn và tất cả mọi người phải có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn.
Tạm biệt Trường Sơn, tạm biệt vùng đất Anh hùng Quảng Trị, chúng tôi trở về với công việc hàng ngày của mình và tự hứa sẽ cố gắng đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Hẹn vào một dịp nào đó, nhất định chúng tôi sẽ quay trở lại.
. Nguyễn Mạnh Cường
(Bí thư Chi đoàn Cục thuế Bình Định)
|