Thêm và bớt
16:48', 29/7/ 2003 (GMT+7)

Những chiến sĩ áo xanh từ các mặt trận vùng sâu vùng xa đã trở về sau 2 tuần tham gia chiến dịch tình nguyện hè 2003 đầy sôi nổi, nhiệt huyết và tinh thần cống hiến. Trông ai cũng đen và có vẻ rắn rỏi hơn. Một năm học với bao căng thẳng lẫn hứng thú được kết thúc "có hậu" bởi một "học kỳ thứ 3" không thiếu sự vất vả nhưng cũng tràn đầy niềm vui được góp một phần sức trẻ cho những công việc hữu ích.

Với họ, học kỳ 3 chính là hiện thực cuộc sống đầy khó khăn của người dân ở vùng sâu vùng xa, những nơi điện chưa tới, lũ trẻ con một buổi đi học, buổi kia phụ cha mẹ làm nương rẫy; nơi sách báo là biểu thị cho một thế giới khác mà hiếm hoi lắm người dân mới được tiếp xúc. Ở đó, những chàng trai cô gái, có những người chưa từng biết nông thôn, nay lần đầu tiên đặt bàn chân trần của mình lên nhà rông, ngửa mặt đón cái nắng chói chang mùa hè miền núi mà trong lòng không khỏi dâng lên những cảm xúc khó tả. Những gương mặt, những tấm lòng, những thanh âm, những hình ảnh đẹp nhưng cũng gợi lên bao nỗi băn khoăn đã trở thành những kỷ niệm khó quên.

Ở học kỳ đầy sinh động này, những cô cậu sinh viên, trong đó đa số là lần đầu tiên tham gia, đã học được rất nhiều từ thực tiễn sinh động ngoài sách vở. Họ được tận mắt thấy và hòa mình vào cuộc sống còn nhiều khó khăn của bà con người dân tộc ở các vùng sâu vùng xa mà lâu nay chỉ biết qua ti vi, sách báo. Họ biết đến niềm vui khi chứng kiến tri thức của mình đã tạo ra được sự thay đổi hiệu quả trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Họ trưởng thành hơn về nhận thức, họ thấy rõ vai trò của mình trong việc góp phần biến cải cuộc sống. Tham gia vào học kỳ xanh này cũng là dịp để nhiều kỹ sư, nhà giáo, y tá tương lai kiểm tra lại hành trang của mình trước khi bước vào cuộc sống rộng lớn và đầy thử thách.

Và như thế, hiểu thêm một chút về đời sống nông thôn nghĩa là đã bớt đi một lỗ hổng kiến thức về cuộc sống - vốn dĩ rất rộng lớn và phong phú này. "Nhuyễn" hơn các kỹ năng sinh hoạt cộng đồng; bớt đi sự rụt rè khi diễn đạt trước đám đông; thêm được nhiều người bạn, được sống giữa tình cảm tràn đầy yêu thương, quý mến của bà con xóm làng là đã bớt đi một góc rỗng trong tâm hồn… Cứ thế, thêm và bớt, cho để được nhận, cái triết lý nghe có vẻ sách vở ấy đã được những người còn rất trẻ hiểu và vận vào cuộc sống một cách đơn giản bằng những chuyến đi như thế.

Hẳn trong chúng ta ai cũng đã có lần tự hỏi: làm sao để sống một cuộc sống thật ý nghĩa? Thì đây, những người bạn của chúng ta đã trả lời được câu hỏi đó, rằng: một cuộc sống có ý nghĩa là khi bạn có dịp làm một điều gì đó cho người khác!

. Minh Khương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khuynh hướng nghề nghiệp trong tương lai   (28/07/2003)
Picnic mùa hè: Lên rừng xuống biển   (27/07/2003)
Một lần viếng Nghĩa trang Trường Sơn   (25/07/2003)
Nghệ thuật gây thiện cảm   (24/07/2003)
Hội ngộ những tấm lòng nhân ái   (23/07/2003)
Hội trại "Thanh niên với việc làm"   (22/07/2003)
Chát - xình nhạc cưới ở Hoài Nhơn   (21/07/2003)
Anh Ánh – Chim sơn ca trên bầu trời mơ ước   (20/07/2003)
Ai là người đẹp nhất?   (18/07/2003)
Cha mẹ giàu để lại gì cho con?   (17/07/2003)
Đoàn, Hội và cánh cửa bước vào các doanh nghiệp tư nhân   (17/07/2003)
Cơ hội cho những người vừa học vừa làm   (15/07/2003)
"Nối mạng" với Sandro   (15/07/2003)
Bốn điều bạn không bao giờ được từ bỏ   (14/07/2003)
Mưa tháng bảy   (13/07/2003)