|
Nguyễn Lê Duẩn |
Sau chiến tranh, những em bé tật nguyền không thiếu gì trên đất nước này. Nhưng nếu không đến nơi, được tận mắt chứng kiến cậu bé học tập, vui chơi và nghe những tâm sự của cha mẹ em, thì chúng tôi đã không thể biết được đó là một Nguyễn Ngọc Ký thứ hai. Đó là em Nguyễn Lê Duẩn ở Nhơn Mỹ (An Nhơn).
Duẩn là con trai đầu lòng của anh Nguyễn Văn Dưỡng và chị Lê Thị Phượng Dung, ở Gò Quánh (thuộc xã Nhơn Mỹ, An Nhơn). Bước vào năm học mới này, Duẩn là cậu học trò lớp 4 của trường tiểu học số 1 Nhơn Mỹ. Thấy chúng tôi lạ nên Duẩn không nói, chỉ cười bẽn lẽn, ngồi nghe ba kể chuyện: "Khi mới sinh Duẩn thì cháu đã bị dị tật. Hai tay co quặp lại; chân phải bị co rút không duỗi được còn chân trái thì cứ thẳng đơ. Chạy chữa đã nhiều nơi nhưng không kết quả. Các bác sĩ bảo rằng Duẩn bị dị tật bẩm sinh nặng nên khó giải phẫu được. Vậy là, cháu cứ như thế... Đến bây giờ, chiều cao của cháu vẫn phát triển nhưng lớn chừng nào lại chậm đi chừng ấy, trong khi đó chân tay ngày càng teo dần lại. Cũng còn may là trí nhớ của cháu vẫn phát triển bình thường".
Khi chúng tôi hỏi về việc sinh hoạt cá nhân hằng ngày của cháu, chị Dung cho biết: "Tuy cháu bị tật vậy nhưng những việc ấy cháu đều tự làm cả. Chỉ khi nào phải leo lên chỗ cao thì chúng tôi mới phải bế giúp cháu. Buổi tối đi ngủ, chúng tôi kê cho cháu một cái gối dưới chân."
Thấy anh chị có vẻ buồn, chúng tôi xoay câu chuyện sang đề tài học tập của cháu. "Khi biết cháu bị tật bẩm sinh và hầu như không còn cách chữa, vợ tôi bắt đầu tập cháu viết. Vì bàn tay và ngón tay co quắp lại nên lúc đầu cầm cây bút chì cháu chỉ vẽ được cái vòng tròn. Ban ngày không có thời gian rỗi, mỗi tối vợ tôi cầm tay cháu tập một ít, riết rồi quen, cuối cùng thì cháu cũng viết được. Gần kề ngày khai giảng năm học, vợ chồng tôi đến nộp hồ sơ và trình bày hoàn cảnh, cô Nghĩa (bấy giờ là chủ nhiệm lớp) cứ ái ngại, không hiểu cháu có theo nổi lớp học. Sau thấy cháu học khá nhất lớp, các thầy cô trong trường đều rất ngạc nhiên và thường xuyên động viên cháu" - anh Dưỡng kể.
Chúng tôi ngỏ ý muốn xem cháu viết, chị Dung vào nhà trong đem ra một quyển vở và cây viết. Duẩn lại cười rồi cầm lấy. Tôi gợi ý cho Duẩn viết tên cha. Với thao tác nhanh nhẹn, cậu bé khéo léo dùng chân lật quyển vở đặt ngay ngắn trên nền nhà (ảnh) chẳng khác gì người bình thường, dù cái chân ấy đã bị teo lại, bàn chân và các ngón co quắp. Xong đâu đấy, cậu tì tay vào chân phải đưa cây viết theo ý của mình. Những nét chữ rất nhanh và đều dần dần hiện ra trước sự hồi hộp của tất cả mọi người. Một dòng, rồi 2 dòng... Viết xong những câu tôi vừa đọc, mồ hôi trên trán Duẩn ứa ra.
Chị Dung tâm sự: "Năm lớp 1, các thầy cô lấy 2 cái ghế ghép lại với nhau để cháu làm bàn ngồi học. Vì không có chỗ tựa nên cháu mất sức nhiều. Sang lớp 2, chúng tôi đóng cho cháu bàn học riêng để ở lối đi giữa lớp học. Sách vở thì cháu tự mình dùng chân mở cặp lôi ra cho kỳ được, thỉnh thoảng mới nhờ đến các bạn cùng lớp".
Lúc này, Duẩn đang ngồi phía dưới chúng tôi và đánh cờ tướng với một bác trong xóm. Lúc đầu cậu còn ngại với chúng tôi nên chỉ dùng tay đẩy nhẹ nhàng con cờ, nhưng càng đánh càng hăng say, cậu lấy chân (sở trường) đánh con cờ thật mạnh như người bình thường dùng tay vậy. Chị Dung âu yếm nhìn cậu con trai của mình, rồi tiếp: "Ở nhà, chúng tôi bận đi làm hết nên cháu chơi với các bạn. Chân không đi được nhưng vẫn thích trò đá bóng, trò chơi điện tử. Cháu thích nhất là đem hết đồ điện trong nhà ra tháo tung rồi lắp lại". Như để minh chứng cho điều vừa nói, chị chỉ tay vào chiếc Radio nhỏ đang được tháo dang dở nằm trong góc nhà.
"Các thầy cô giáo chủ nhiệm khen cháu là người phát biểu nhiều nhất lớp. Mấy lần đầu tiên cháu không giơ tay được, cô giáo cũng không để ý nên không biết. Đến khi nghe chúng tôi nói, cô giáo mới biết để cháu lên tiếng hay kẹp cây thước gạch giơ lên" - chị Dung kể tiếp.
Duẩn có trí nhớ khá tốt, có lẽ đó là sự bù đắp phần nào cho cơ thể không bình thường của em. Những bài tập đọc từ các năm học trước, Duẩn đọc vanh vách như vừa mới hôm qua. 3 năm liền Duẩn là học sinh tiên tiến và luôn đứng đầu lớp. Theo lời kể của những người trong xóm Gò Quánh thì Duẩn còn có thể nhớ rất rõ và gọi đúng tên bất kể người khách nào dù họ mới chỉ đến một lần.
Đánh cờ chán chê, Duẩn quay sang lôi chiếc Radio ra "sửa chữa". Duẩn dùng tay mở máy nhưng chật vật mãi mà không được nên đổi sang dùng miệng. Nhìn cái đầu đã ướt đẫm mồ hôi đang "hì hụi" làm các thao tác, chúng tôi hiểu Duẩn sẽ không từ bỏ công việc này cho đến khi nào nó hoàn thành. Giờ đây, cha mẹ Duẩn chỉ có một mơ ước thật giản dị là có đủ điều kiện để cu cậu được tiếp tục đến trường. Gia đình Duẩn rất nghèo, sống chủ yếu vào mấy sào lúa. Hằng ngày, ngoài công việc đồng áng, anh Dưỡng đi đào đá ong để bán nhưng thu nhập không bao nhiêu.
. Lê Thu Hiền |