Những người "vác tù và"
15:51', 1/8/ 2003 (GMT+7)

1. Mùa hè năm ngoái, tôi có dịp theo chân một đoàn thanh niên hơi "kỳ lạ" lên làng Hà Ri, Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh). Đoàn có 2 thợ cắt tóc, 1 thợ may, mấy sinh viên, 3 – 4 người là công chức nhà nước và nhiều thanh niên khác, tất cả do một anh giáo viên làm trưởng nhóm. Đến nơi, họ lập tức triển khai công việc của mình. Hai thợ cắt tóc nhanh chóng lôi kéo được lũ trẻ làng ngồi vào ghế "để anh chị cắt tóc cho". Cô thợ với kéo tanh tách trong tay một loáng đã cắt tóc xong cho một bé gái và quay sang cậu con trai ngồi chờ nãy giờ bên cạnh. Còn anh thợ thì chịu trách nhiệm "làm đẹp" cho cánh mày râu trong làng. Những gương mặt sáng láng, tươi tắn dần hiện lên sau những đường kéo "có nghề" của những thợ cắt tóc từ xa đến. Chỗ kia, mấy thanh niên của đoàn đang xúm nhau chia quà vào các túi nhỏ để tối nay phát cho các em. Dưới gốc đa lớn giữa làng là nơi một nhóm khác cùng các cán bộ y tế huyện khám bệnh phát thuốc cho người dân. Đến tối, tất cả cùng nhau sinh hoạt với thiếu nhi quanh đống lửa trại. Một ngày trôi qua thật mệt nhưng đầy tiếng cười. Về đến thành phố, đồng hồ chỉ 11 giờ khuya.

2. Mùa hè năm nay, tôi được gặp lại, cũng những bạn trẻ thuộc nhóm "đa thành phần" ấy, nhưng nhiều hơn. Họ từ các tỉnh miền Trung về Quy Nhơn họp trại - Trại "Nối vòng tay nhân ái" của thanh niên Chữ thập đỏ xung kích miền Trung. Bởi cuộc sống vốn không bao giờ chia đều hạnh phúc, khổ đau cho tất cả mọi người nên họ tình nguyện khoác lên mình chiếc áo trắng có in hình chữ thập đỏ để mang hạnh phúc, dư dả nơi này đến bù đắp cho bất hạnh, thiếu thốn nơi kia. Họ đi quyên tiền để giúp người khó khăn, đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai, thảm họa, tặng quà và vui chơi với những em nhỏ bất hạnh, lang thang cơ nhỡ... Và cho dù là một thợ may hay một công chức nhà nước, hễ bất cứ khi nào có việc là họ thu xếp đi ngay. Cũng như những thanh niên xung kích khác, thanh niên chữ thập đỏ cũng có một mặt trận của riêng mình để thể hiện tinh thần xung kích tuổi trẻ: mặt trận nhân đạo.

3. Trước đây, có lúc tôi lẩn thẩn tự hỏi: vì lẽ gì mà những bạn trẻ kia lại yêu thích cái công việc "vác tù và" ấy đến thế? Vì theo phong trào, vì muốn được giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình, hay nói như những người già là muốn "để đức" lại cho con cháu mai sau? Còn bây giờ, tôi biết rằng, với những bạn trẻ ấy, cái lý tưởng "sống vì người khác" nó giản dị như thế đấy. Bởi vì, như họ nói, cứ thử cho ai một cái gì đó, bạn sẽ được nhận lại, dù có khi chỉ là một nụ cười nhưng cũng đủ để ấm lòng.

. Minh Khương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Gương sáng của một học sinh khuyết tật   (31/07/2003)
Cậu bé tật nguyền và ước mơ giản dị  (31/07/2003)
Thêm và bớt   (29/07/2003)
Khuynh hướng nghề nghiệp trong tương lai   (28/07/2003)
Picnic mùa hè: Lên rừng xuống biển   (27/07/2003)
Một lần viếng Nghĩa trang Trường Sơn   (25/07/2003)
Nghệ thuật gây thiện cảm   (24/07/2003)
Hội ngộ những tấm lòng nhân ái   (23/07/2003)
Hội trại "Thanh niên với việc làm"   (22/07/2003)
Chát - xình nhạc cưới ở Hoài Nhơn   (21/07/2003)
Anh Ánh – Chim sơn ca trên bầu trời mơ ước   (20/07/2003)
Ai là người đẹp nhất?   (18/07/2003)
Cha mẹ giàu để lại gì cho con?   (17/07/2003)
Đoàn, Hội và cánh cửa bước vào các doanh nghiệp tư nhân   (17/07/2003)
Cơ hội cho những người vừa học vừa làm   (15/07/2003)