Như thường lệ, là sinh viên (SV) năm cuối thì phải đi thực tập, nói nôm na là tập sự để có kiến thức thực tế cho nghề nghiệp sau này của mình. Bên cạnh đó, thực tập còn là dịp để các bạn SV thu thập số liệu làm luận văn tốt nghiệp. Đó là đoạn đường đầy gian nan, riêng đối với SV học ngành kế toán thì "đoạn đường" này càng khó đi hơn gấp bội…
* Tìm nơi thực tập
Đối với những bạn SV có người thân hoặc chí ít cũng có mối quan hệ quen biết với các cơ quan, công ty thì vấn đề tìm nơi thực tập có phần đơn giản. Điều mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này đó là những bạn "thân cô, thế cô" không có nơi để nhờ cậy.
"Mệt thật đó, tụi mình không quen biết ai cả, tìm được một chỗ thực tập sao mà khó quá", ngồi trước phòng trọ trên đường Tăng Bạt Hổ TP Quy Nhơn, bạn Văn Thịnh, SV khoa kế toán của Trung Tâm tin học Bình Định liên kết với trường Đại học Dân Lập Duy Tân Đà Nẵng, than thở. Đạp xe chạy ròng rã suốt hai tuần liền mà Thịnh chưa tìm được chỗ. Nhiều bạn trong lớp Thịnh cũng giống vậy, phải tự chạy đi kiếm nơi thực tập (chỉ tính riêng ngành kế toán khóa 2001-2003 của Trung Tâm tin học Bình Định liên kết với Đại học dân lập Duy Tân Đà Nẵng, đã có hơn 400 SV đang đi thực tập).
Còn với Ái Kiều (trú thị trấn Bình Định, An Nhơn), bạn cùng lớp với Thịnh, sau khi bị nhiều công ty từ chối, việc tìm chỗ thực tập của Kiều không chỉ nỗi lo của riêng bạn mà đó trở thành nỗi lo của cả gia đình. Cái khó của Kiều là bạn đã chọn đề tài liên quan đến công ty nhà nước nên các anh chị Kiều phải nháo nhào tìm người quen hỏi thăm chỗ có liên quan đến "nhà nước" để xin gửi bạn vào thực tập. Sau một thời gian chạy "tất bất sang bang" rồi Kiều cũng đã tìm được nơi thực tập, nhưng vào đấy rồi, cũng như nhiều SV thực tập khác, khó khăn mới lại tiếp tục nảy sinh. Đó là việc các công ty rất dè dặt, thậm chí không muốn cho các số liệu liên quan đến đơn vị mình. Hoặc nếu có cung cấp thì những con số đã cũ mang tính vô hại hoặc là những số liệu "ma". Lúc này mới là lúc các bạn SV thực tập "trổ tài" của mình để biến hóa sao cho những số liệu cũ thành mới, số "ma" thành thật để cho đề tài thành công với góc độ "chấp nhận được".
* Thực tập giả… kết quả thật
Bạn Ngọc Ân đang trọ trên đường Mai Xuân Thưởng (TP Quy Nhơn) thổ lộ: Mặc dù được nhận vào thực tập tại một công ty Lương thực, nhưng mỗi sáng cô tới công ty chỉ làm mỗi công việc là lau chùi, quét dọn. Đôi khi họ sai đánh văn bản chẳng liên quan gì tới vấn đề thực tập. Hỏi xin số liệu thì họ chỉ hết người này, đến người kia. Thôi thì phải bịa ra để cho có… Không biết rồi cái đề tài chỉ toàn những số liệu tương đối, đôi khi khống như vậy rồi sẽ đi đến đâu? Còn Hồng Ánh, kế toán thống kê của Hạt quản lý đường bộ Tây Sơn tâm sự: Lúc còn là SV năm cuối khoa kế toán Trường Trung học kinh tế kỹ thuật Bình Định, Ánh xin vào thực tập tại một công ty đường bộ, khi xin số liệu thì công ty không cho, Ánh chơi liều đưa ra những con số không thực tế. Khi đề tài nộp lại cho giáo viên hướng dẫn đã bị trả về với lời phê "số liệu không khớp", có nghĩa là số liệu khống, Ánh phải về viết lại đề tài. Ái Kiều thì "may mắn" hơn, được công ty cho mượn đề tài của các SV năm trước, về nhà thay đổi lại số liệu, họ tên đến khi hết thời gian thực tập đem đề tài xào xáo ấy... nộp lại cho giáo viên hướng dẫn.
Anh Nguyễn Đức Tấn, kế toán trưởng Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định cho biết: Hiện công ty anh đã nhận 5 SV kế toán vào thực tập do sự thân quen. Nếu không quen biết công ty không nhận SV vào thực tập, bởi mỗi SV xin viết một đề tài mà công ty không đủ người để hướng dẫn, có khi đề tài quá rộng, "xin những số liệu không cần thiết", làm rối cả công ty…
Mặc dù nhiều SV đều khẳng định quá trình thực tập là rất quan trọng, bởi chính giai đoạn này họ mới có dịp cọ xát với thực tế nhưng với cách nhận SV vào thực tập của một số công ty, cũng như cách thực tập của các SV, khi ra trường rồi không biết họ sẽ làm việc như thế nào?
. Nguyễn Phúc
|