Sau hai năm tìm kiếm, đạo diễn Trần Mỹ Hà đã tạm dừng lại với ca sĩ Quang Dũng cho vai Hàn Mặc Tử trong bộ phim truyền hình dài 5 tập sắp thực hiện. Nhưng liệu đó đã là sự chọn lựa cuối cùng chưa?
Tôi tìm ánh nắng vạn đời vương… Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết nên câu thơ ấy để bày tỏ nỗi lòng ước ao được sống mãi với cuộc đời tươi đẹp này: Tôi tìm ánh nắng vạn đời vương/Vì cuốn sách xưa lúc lạ thường/…/Tôi ước ao là tôi ước ao/Tình tôi vô lượng sẽ dâng cao/Như bông trăng nở, bông trăng nở/Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào (Ước ao). Trong quá trình đi tìm tư liệu để hiểu tường tận hơn nhân vật Hàn Mặc Tử, chuẩn bị cho vai diễn trong một bộ phim mà anh có nhiều khả năng sẽ được giao, ca sĩ Quang Dũng có cảm giác như những lời thơ ấy đã vận vào mình: Tôi tìm ánh nắng vạn đời vương… Việc anh rời xa quê hương đi "tìm ánh nắng" cho cuộc đời ở một nơi xa lạ, cũng đã đem lại cho chàng trai Quy Nhơn này nhiều nỗi đắng cay.
- Đạo diễn Trần Mỹ Hà nói rằng, phải mất hai năm "lướt lướt" qua nhiều ứng cử viên, mới dừng lại ở Quang Dũng như "sự chọn lựa cuối cùng" cho vai Hàn Mặc Tử trong bộ phim mà anh ấy đang viết phân cảnh. Anh có nhận được lời mời và cảm giác của anh thế nào?
Sự nghiệp của Quang Dũng
- Giải nhì Tiếng hát Truyền hình Quy Nhơn 1997.
- Huy chương vàng giọng hát hay các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tại Huế 1998.
- 5 Album cá nhân: Biển nghìn thu ở lại, Bên đời có em, Anh sẽ đến – Giấc mơ buồn, Cỏ xót xa đưa, Ru mãi ngàn năm. |
+ Không có điều gì chắc chắn một khi phim chưa quay. Thế nhưng, đạo diễn Trần Mỹ Hà cũng đã có trao đổi và khuyên tôi tìm đọc tư liệu về Hàn Mặc Tử. Những năm gần đây, tôi nhận được không ít lời mời đóng phim song không đảm nhận vì còn dành "sức lực" lo cho sự nghiệp ca hát trước. Nhưng khi nghe đóng vai Hàn Mặc Tử là tôi nhận lời liền, bởi ông là một nhân vật gần gũi với tuổi thơ tôi. Ông đã sống những năm cuối đời ở Quy Nhơn và mất tại Trại phong Quy Hòa. Nhà tôi cách Quy Hòa 10 phút đi xe máy. Thuở học trò, tôi và bạn bè thường đến trại phong chơi vì đó là một nơi rất đẹp. Có những buổi trưa vắng lặng, tôi bước thật nhẹ theo chân những cô gái vào thánh đường cầu nguyện, đến thăm căn phòng nơi Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối cùng mà giờ đây trở thành phòng lưu niệm, đã theo các anh chị sinh viên đến ngồi trước mộ chí của thi sĩ để ngắm biển, ngắm trăng. Từ ngày ấy, tôi đã rất mê Hàn Mặc Tử. Tôi cảm thương cho thân phận ông là một người tài hoa nhưng vắn số (mất năm 28 tuổi). Cuộc đời ông ngắn ngủi luôn cháy rực nỗi khát khao tình yêu và sự giày vò của nỗi đau thân xác. Nhưng ông lại sống rất tình nghĩa với mọi người, biết sẻ chia khi lành lặn và luôn hàm ơn lúc lâm bệnh. Trước lúc đi xa mãi mãi ông còn viết: Ta còn trìu mến biết bao người/Vẻ đẹp xa hoa của một thời/Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng/Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi! (Trút linh hồn).
- Anh có đủ tự tin không khi đạo diễn Trần Mỹ Hà đòi hỏi "cái đẹp của nhân vật Hàn Mặc Tử là cái đẹp mà người ta chỉ có thể cảm nhận mà không nhìn thấy. Như tình yêu, một sự cảm nhận không thể diễn tả được"?
+ Từ khi nhận được lời mời, tôi như "ăn, ngủ" với Hàn Mặc Tử. Tôi nghiền ngẫm và mường tượng ra hình ảnh của ông. Nhưng một người như ông, mà có lần đã tự nói về mình: "Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng" thì quả là quãng đường đến gần ông đối với tôi hãy còn rất xa. Nhưng nếu không dấn bước thì biết bao giờ mới đến được! Vậy nên, tôi vẫn cứ muốn đi tới…
. Cát Vũ (thực hiện)
(Báo Người lao động)
|