Những người trẻ mãi
16:36', 13/8/ 2003 (GMT+7)

Công việc của họ, gọi một cách ngắn gọn là làm "tổng", tức Tổng phụ trách (TPT) Đội Thiếu niên tiền phong (TNTP) ở trường học. Họ chính là những đầu tàu trong công tác Đội và phong trào thanh thiếu nhi ở trường mình phụ trách. Tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh lần thứ VII-2003 vừa diễn ra, cùng với những cuộc gặp gỡ, giao lưu với các đại biểu thiếu nhi Cháu ngoan Bác Hồ, chúng tôi cũng đã được gặp một số anh chị TPT Đội tiêu biểu. Tuy có người không còn ở tuổi thanh xuân nữa nhưng tâm hồn của họ vẫn luôn tươi trẻ như thuở đôi mươi.

* Lên... ông nội vẫn còn làm "tổng"

Anh Hồ Văn Ân

Năm nay, anh Hồ Văn Ân – TPT Đội Trường Tiểu học số 2 Cát Tân, Phù Cát – đã 49 tuổi và lên chức... ông nội được 3 năm rồi. Chính tình yêu mến lứa tuổi "như búp trên cành" đã khiến anh đã gắn bó 25 năm liên tục với công việc này. 25 năm qua, biết bao thế hệ thiếu nhi Trường Tiểu học số 2 Cát Tân đã được rèn luyện và trưởng thành từ Đội TNTP do anh Ân làm TPT. Vì thế, có một điều thú vị là cả 4 người con của anh Ân đều từng là những "đội viên con" của "Tổng phụ trách cha".

Một tâm hồn rất trẻ trung, đến mức hầu như quên mất tuổi tác của mình, và say mê với công tác thiếu nhi là điều rất dễ cảm nhận khi trò chuyện với anh Ân. Anh bảo, muốn làm TPT Đội giỏi, trước tiên phải có tình yêu mến đối với thiếu nhi, phải biết tổ chức bộ khung Ban chỉ huy liên đội sao cho chắc để điều khiển phong trào. Và cái quan trọng nhất mà một TPT Đội cần có là những hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi. Các em ở lứa tuổi này rất thích được vui chơi và rất đỗi hồn nhiên, hiểu những điều đó thì giáo dục các em mới có hiệu quả.

Dưới sự chỉ huy của TPT Đội Hồ Văn Ân, công tác Đội ở Trường Tiểu học số 2 Cát Tân đã đạt được nhiều thành tích, nhất là công tác giáo dục truyền thống và phong trào giúp bạn vượt khó. Anh Ân rất vui khi kể về bộ sưu tập huy chương của mình, đó là Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Danh dự Đoàn và Huy chương Phụ trách giỏi do Trung ương Đoàn trao tặng.

* TPT Đội phải biết giữ... "chữ tín"

Với thâm niên đã từng tham gia vào Ban chỉ huy liên đội, rồi làm Bí thư chi đoàn từ khi còn học cấp 2, cấp 3, nên năm 1992, khi tốt nghiệp ĐH về công tác ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú An Lão, ngay lập tức Nguyễn Công Trường được phân công làm TPT Đội ngay. Thành phần học sinh ở Trường rất đa dạng: người Bana, Hrê, Kinh, học sinh bán trú, nội trú, ngoại trú nên công việc của một TPT Đội như Trường không hề đơn giản. Có 3 điều khó mà Trường luôn phải cố gắng khắc phục để đưa hoạt động Đội của trường đi lên là: khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông của các em học sinh người dân tộc thiểu số còn hạn chế, phong tục tập quán của các em cũng khác, và các kỹ năng công tác Đội mà các em tiếp thu được ở trường tiểu học hầu như là "trắng". Vì thế, khi cần tổ chức một hoạt động gì đó cho các em, Trường phải cân đo đong đếm mãi, sao cho hài hòa giữa các thành phần học sinh với nhau để tất cả đều có thể tham gia được. "Làm TPT Đội một trường có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, ngoài việc giúp các em hòa đồng với nhau, còn phải biết giữ "chữ tín", nói là phải làm, có như thế thì các em mới tin và yêu mến TPT. Nhiều người nói làm TPT Đội là sướng, không có việc gì để làm. Kể ra thì cũng đúng, vì nếu không làm thì thôi nhưng đã làm thì không bao giờ hết việc" - Trường tâm sự với chúng tôi như vậy.

* "Tôi thấy tâm hồn mình luôn trẻ"

Chị cứ nói rằng mình bây giờ đã không còn nhạy bén so với cách đây gần 20 năm, khi chị mới bắt đầu làm TPT Đội. Gắn bó với công tác Đội suốt một thời gian dài như thế, có lúc chị cũng cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Nhưng rồi cũng chính chị lại bảo rằng khi đã lao vào công việc là quên ngay tất cả, đã chơi với các em là chơi hết mình. Ngoài làm "tổng", chị còn tham gia vào Ban Thường vụ Đoàn phường nữa. Rằng ở trường chị, công tác phụ trách Sao nhi đồng được các em đội viên làm rất tốt.

Vậy ra, ẩn bên trong cái cách nói có vẻ hơi "tự kỷ" ấy là một tấm lòng đầy nhiệt tình. Với chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, TPT Đội Trường Tiểu học Ngô Mây, TP Quy Nhơn, tuy làm công tác Đội là phải làm rất nhiều việc, mà toàn là những việc không tên, nhưng không có gì có thể làm suy giảm lòng yêu nghề của chị.

Khi đề cập đến vấn đề đa số các TPT Đội hiện nay đều đã lớn tuổi, tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng không thể nhạy bén bằng lớp trẻ, chị Tâm tâm sự: "Tôi nghĩ nên thay TPT Đội 5 năm một lần để giáo viên có thể quay lại đứng lớp, kiến thức ít bị mai một, đồng thời tạo điều kiện để trẻ hóa đội ngũ TPT Đội".

Mong muốn của các anh, chị TPT Đội là vậy, nhưng khi vẫn còn làm công tác Đội họ vẫn là những người trẻ mãi...

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đoán tính cách qua cách nghe điện thoại   (12/08/2003)
Sự huyền diệu của tình yêu   (11/08/2003)
Ca sĩ Quang Dũng: Tôi mơ cùng Hàn Mặc Tử   (10/08/2003)
Cơ hội việc làm cho sinh viên   (07/08/2003)
Đâu cần thanh niên có   (06/08/2003)
Gian nan tìm nơi thực tập   (05/08/2003)
Giáo dục pháp luật cho thanh niên: Định hướng lối sống tích cực  (03/08/2003)
Những người "vác tù và"   (01/08/2003)
Gương sáng của một học sinh khuyết tật   (31/07/2003)
Cậu bé tật nguyền và ước mơ giản dị  (31/07/2003)
Thêm và bớt   (29/07/2003)
Khuynh hướng nghề nghiệp trong tương lai   (28/07/2003)
Picnic mùa hè: Lên rừng xuống biển   (27/07/2003)
Một lần viếng Nghĩa trang Trường Sơn   (25/07/2003)
Nghệ thuật gây thiện cảm   (24/07/2003)