Cho đến giờ này, các trường đại học đã công bố điểm chuẩn, danh sách các thí sinh trúng tuyển được đăng trên các báo. Nếu không có tên mình thì cũng có nghĩa là đã... trượt vỏ chuối rồi, nhưng xin các bạn đừng quá buồn bởi vẫn còn rất còn nhiều cơ hội ở phía trước cho chúng ta lựa chọn.
* Rớt lần đầu ta thi lần sau
Biết rằng chuyện thi cử phải có người đậu kẻ rớt. Thi đậu thì vui hết biết, còn những bạn thiếu may mắn thì sao? Buồn không thể tả nổi. Bạn Kiều Nhi (thị trấn Bình Định - An Nhơn) vừa trượt khỏi trường Đại học Nông lâm TPHCM đã nằm "liệt giường", không thiết ăn uống làm cho gia đình phải "phát sốt" theo. Bạn bè tới nhà rủ đi chơi đâu cũng từ chối. Đến giờ này Nhi vẫn không tin mình rớt bởi cô là học sinh giỏi và tiên tiến suốt từ cấp 1 đến cấp 3. Nhi còn khẳng định cô đã làm bài rất tốt, thế mà... Thôi đành hẹn năm sau vậy.
Gặp Văn Thuận (ở đường Hai Bà Trưng - TP Quy Nhơn) với vẻ mặt buồn thiu, chúng tôi đoán biết là Thuận cũng vừa bị "ao" khỏi trường Đại học Bách khoa TPHCM. Nhưng là con trai nên Thuận không thể nào nằm "vạ" như con gái được. Chiều Thuận vẫn đến sân đá bóng với mọi người để vơi đi phần nào "nỗi buồn khủng khiếp". Thuận thanh minh: Có nhiều bạn học giỏi vẫn thi trượt huống chi mình chỉ là học sinh trung bình. Dù sao thì Thuận mới thi năm đầu tiên, gia đình chấp nhận cho ôn thi lại năm sau. Hy vọng năm sau Thuận sẽ được toại nguyện và làm cho gia đình được tự hào.
* Không vào đại học, ta vào…
Sao nhất thiết phải là đại học, biết bao nhiêu người đã thành công không phải bắt đầu từ con đường đại học, các bạn có biết không? Hiện nay nhiều trường trung cấp, trường dạy nghề đang cần người để đào tạo. Chuyện "thừa thầy thiếu thợ" ở nước ta là chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", chẳng lẽ các bạn lại không biết? Hằng năm, vẫn có một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường vẫn không xin được việc làm hoặc làm việc trái với ngành của mình đã học. Trong khi đó đội ngũ công nhân lành nghề đang thiếu trầm trọng, nhu cầu tuyển vào trường không khó khăn như vào đại học, khi học được nhà nước cấp kinh phí đào tạo, thời gian học ngắn đỡ được phần nào chi phí cho gia đình. Nói đâu xa, số học viên vừa mới tốt nghiệp trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn vừa mới ra trường đã được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Tổng công ty Pisico, Công ty xây dựng 75 Quảng Ngãi... đến tuyển dụng hết, trong khi trường chỉ có thể đáp ứng 302 công nhân thì nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lại đến 450.
Bá Tuấn (Quy Nhơn) là người hiểu được điều đó nên khi trượt Đại học Giao thông vận tải TPHCM, dù vẫn đủ điểm xét tuyển vào các trường Đại học Dân lập, nhưng Tuấn cương quyết không "đầu quân" cho Dân lập mà tìm một trường dạy nghề và học một nghề nào đó cho chắc, "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" mà. Không biết có bao nhiêu bạn "ngộ" được như Tuấn?
Rớt đại học vẫn còn cửa vào các trường dân lập, cao đẳng, trung cấp, các trường nghề. Chẳng có gì phải buồn cả. Có những bạn nam trượt đại học xung phong đi bộ đội rồi phấn đấu trở thành sĩ quan, tương lai rất xán lạn. Hoặc như anh Công Hớn, tổ trưởng bảo trì của Công ty đường Bình Định, người vừa được Đảng bộ Công ty kết nạp vào Đảng, cũng từng rớt đại học rồi đi học trường nghề. Anh nói: "Không thể nào nhất nhất phải là đại học. Tôi đã học trường dạy nghề ra và giờ đây tôi vẫn có nghề nghiệp ổn định".
Vâng, các bạn hãy cứ "theo gương" anh Công Hớn, phải biết được sức mình, hoàn cảnh kinh tế gia đình, đừng cứ mãi đeo đuổi con đường đại học để đến lúc vỡ mộng thì đã quá muộn.
. Nguyễn Phúc
|